'Di sản trong lòng dân là di sản cao quý nhất'

Theo ông Nguyễn Đức Hà, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

“Di sản trong lòng dân là di sản cao quý nhất”. Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng - đã nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam.

Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, các nguyên thủ quốc gia đánh giá rất cao vai trò, tầm vóc và đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. Ông nhìn nhận những giá trị, những di sản mà Tổng Bí thư để lại cho chúng ta như thế nào?

Thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi đã khiến toàn Đảng, toàn dân, toàn quân buồn thương. Có những Việt kiều ta ở Mỹ vừa đọc tâm thư chia buồn khi bác mất vừa khóc khiến tôi là người nghe cũng khóc theo. Bạn bè quốc tế đau buồn, thương tiếc vì sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chia buồn với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bằng những câu từ trân trọng, sâu sắc, ý nghĩa. Đảng, Nhà nước ta quyết định tặng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất - cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng, rồi Nga, Trung Quốc, Lào, Cuba đều tặng Huân chương Hữu nghị... Tất cả những điều đó nói lên sự ghi nhận đối với công lao to lớn, sự đóng góp, cống hiến của một con người có nhân cách lớn lao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ năm 1990 đến nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã tổ chức biên tập, xuất bản hơn 40 cuốn sách của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trên nhiều cương vị, ở nhiều vị trí công tác, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần làm rõ tư duy lý luận và thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Có thể kể ra đây một số bài viết tiêu biểu của Tổng Bí thư, như bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hộiở Việt Nam”. Năm nay, nhân kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Tổng Bí thư được người dân, cán bộ, đảng viên suy tôn, gọi bằng một cái tên rất thân thương, trìu mến - “Vị tướng” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Về kinh tế, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng để lại nhiều di sản có ý nghĩa đột phá. Tư tưởng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng chí cũng nêu bật các tư tưởng về Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, về xây dựng quân đội, xây dựng công an nhân dân, vấn đề phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về văn hóa...

Về đối ngoại, tư tưởng “Ngoại giao cây tre Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là sự tiếp nối, phát huy tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến là trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhưng bây giờ trong tình hình bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước nhiều diễn biến phức tạp, chính sách “ngoại giao cây tre Việt Nam” biết lúc nào tiến, lúc nào thoái, biết lúc nào cương, lúc nào nhu, xử lý linh hoạt,... đưa đến việc các quốc gia lớn nhỏ, không phân biệt chế độ chính trị vẫn sẵn sàng làm bạn và hợp tác cùng phát triển với Việt Nam.

Có những vấn đề đồng chí đã vận dụng và phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể hiện nay. Thành quả cách mạng 35 năm đổi mới đã được đồng chí Nguyễn Phú Trọng tổng kết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, ông đánh giá như thế nào về việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư phát động và chỉ đạo thực hiện, thưa ông?

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì không phải bây giờ Đảng ta mới làm, mà ngay sau khi giành được độc lập ngày 2/9/1945, Đảng và Nhà nước ta với người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến từng thôn, từng tổng, từng làng nhắc nhở. Năm 1947, Bác Hồ đã viết “Sửa đổi lối làm việc” vì thấy có những cán bộ đảng viên hống hách, quan liêu, xa dân. Đi vào công tác dân vận Bác lại viết tác phẩm “Dân vận”. Bác yêu cầu phải đấu tranh với tham nhũng, quan liêu, ức hiếp nhân dân và Bác gọi tất cả những biểu hiện đó là “giặc nội xâm”. Như vậy, chống tham nhũng, quan liêu là việc Đảng ta đã làm ngay sau khi giành được độc lập. Tuy nhiên, sau khi đổi mới, mở cửa, hội nhập, thực hiện kinh tế thị trường, chúng ta đạt được nhiều thành tựu nhưng mặt trái của nó cũng tác động ghê gớm. Đảng ta đã có nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì thế, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và đi vào kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị, đích thân Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Hơn 10 năm hoạt động Ban Chỉ đạo Trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo chặt chẽ, bài bản, thực hiện quyết liệt, đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể, rõ nét như những năm gần đây.

Đảng ra nghị quyết, chủ trương, chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng không phải chỉ có Đảng làm mà bây giờ đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, huy động được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào cuộc và chính vì thế đã trở thành xu thế. Mà đã trở thành xu thế rồi thì không thể đảo ngược được, ai cản bước, ai cản trở, ai không làm được thì đứng sang một bên để người khác làm.

Thêm nữa, từ cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực này, chúng ta mới bổ sung, hoàn thiện từng bước được thể chế. Các quy định, quy chế, quy trình, kế hoạch, nghị quyết, chủ trương của Đảng, từ nghị quyết của Đảng được thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước. Trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội chủ yếu bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước. Nghị quyết của Đảng thì tất cả 5.400.000 đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng phải chấp hành, nhưng nếu nghị quyết này được thể chế hóa thành pháp luật của Nhà nước thì cả 100 triệu dân Việt Nam phải tuân thủ.

Về mặt kinh tế - xã hội, thông qua những vụ việc đã đạt được kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta phát hiện ra cái gì chưa có thể chế thì phải làm ngay, cái gì có rồi nhưng không còn phù hợp thì phải sửa, cái gì còn lỗ hổng thì phải khẩn trương hoàn thiện.

Dấu ấn lớn từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần rất quan trọng vào xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Như vậy, có thể nhắc lại, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ đạo chặt chẽ, bài bản, thường xuyên, liên tục không ngừng nghỉ và đem lại những kết quả rất cụ thể, thiết thực như những năm gần đây. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách bài bản, có lộ trình, chặt chẽ, kín kẽ, không bao giờ tách rời sự lãnh đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt gắn với vai trò của người đứng đầu ở đây chính là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại sao nó lại đem lại kết quả như vậy, tại sao chúng ta vẫn “đuổi được chuột” nhưng “bình không vỡ”? Bởi vì trong chỉ đạo, Tổng Bí thư rất nhẹ nhàng, mềm mỏng, những bước đi bài bản, chặt chẽ nhưng trong đó chứa đựng tinh thần rất quyết liệt, không khoan nhượng. Cùng với “5 không” quyết liệt: không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, không ngừng nghỉ và không chịu bất kỳ sức ép của một tổ chức, cá nhân nào còn có song song “5 nhân”: nhân văn, nhân văn, nhân đạo, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình đưa đến kết quả là sự “tâm phục, khẩu phục”. Cụ thể là khi xem xét thì phải rất thận trọng, khách quan, tỉ mỉ, chính xác, phải xem xét cả công cả tội, xem xét cả quá trình, động cơ, mục đích, thái độ cầu thị, hậu quả để lại đến đâu… Đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhắc nhở anh em: Chúng ta không bỏ lọt tội phạm, có thì phải xử nhưng tuyệt đối không được làm oan cho đồng chí của mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư thì chúng ta đã thể chế hóa từ chủ trương, nghị quyết của Đảng thành chính sách pháp luật của Nhà nước và đạt được nhiều thành quả. Vậy ông đánh giá như thế nào về sức lan tỏa, niềm tin trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân?

Ba Đại hội Đảng toàn quốc gần đây (Đại hội XI, Đại hội XII và Đại hội XIII) đều xác định khâu đột phá là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế. Đảng ta đã xây dựng và hoàn thiện thể chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và nó đã trở thành một xu thế. Nguyên tắc của Đảng ta là tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, lãnh đạo tập thể. Do đó, các tiêu chuẩn đã được cụ thể hóa, thể chế hóa nên trở thành “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Từ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện thể chế, góp phần tiếp tục phát triển.

Chính vì thế, mấy năm vừa qua, chúng ta xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất mạnh, xử rất nhiều các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng kinh tế vẫn phát triển, trung bình GDP tăng trưởng ở mức 5,8%. Đó là vì thông qua đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chúng ta phát hiện được những lỗ hổng trong thể chế để chúng ta hoàn thiện thể chế, xây dựng thể chế, bổ sung, sửa đổi thể chế.

Nếu như trước đây cơ chế lỏng lẻo, dễ dãi không ngăn chặn được tham nhũng thì bây giờ chúng ta xử lý nghiêm nên có tác dụng răn đe. Đồng thời chúng ta đã có biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng nên cũng giảm được thất thoát đối với nền kinh tế. Cơ chế, chính sách thay đổi, cải tiến, hoàn thiện là thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin.

Chính vì thế Tổng Bí thư được người dân, cán bộ, đảng viên suy tôn, gọi bằng một cái tên rất thân thương, trìu mến - “Vị tướng” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”. Được người dân đánh giá, gọi tên như thế là danh giá lắm, vinh dự lớn lao lắm. Phải là một người vì Đảng, vì nước, vì dân mới có thể sống trong lòng dân như thế. Đó là một nhân cách lớn trong một con người rất bình dị, khiêm tốn, khiêm nhường - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tuấn Thùy thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận