Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành sự quan tâm sâu sắc đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên ở bờ bên kia sông Đuống - xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội - vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc. Truyền thống văn hóa của quê hương, dòng họ, gia đình như dòng nước mát nuôi dưỡng và hun đúc tâm hồn và nhân cách văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay từ thời ấu thơ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học vấn chuyên sâu về văn hóa và ngôn ngữ đã củng cố thêm tình yêu và vốn hiểu biết sâu rộng của ông về văn hóa Việt Nam. Trước khi trở thành lãnh đạo cao cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều năm công tác trong các lĩnh vực liên quan đến tư tưởng - văn hóa, ông làm báo, làm biên tập viên, nghiên cứu ở Tạp chí Cộng sản, sau này làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà văn hóa lớn, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Ông là nhà lãnh đạo để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam những năm đầu tiên của thế kỷ XXI trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Tầm cao trí tuệ, tâm hồn yêu văn học, nghệ thuật đã tạo nên một phong cách rất riêng biệt, đậm chất sĩ phu Bắc Hà gắn với phong cách văn hóa Tràng An, văn hóa Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng. Tổng Bí thư từng căn dặn: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ (PGS.TS) Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã chia sẻ, là một nhà văn hóa lớn, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, Tổng Bí thư luôn luôn để lại ấn tượng sâu sắc về khí chất, cốt cách của một con người, một nhân cách văn hóa cao đẹp. Những điều đó được thể hiện không đao to búa lớn mà giản dị, nho nhã, khiêm nhường, trong từng lời nói, từng cử chỉ, trong đạo đức và lối sống, nêu gương hằng ngày. Là một trong những nhà lãnh đạo suốt đời phấn đấu, học tập và cống hiến cho Đảng, cho đất nước và Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ đã xác định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một tấm gương văn hóa tiêu biểu của con người Việt Nam, đó là cuộc sống thanh đạm, nhân cách lớn lao và đạo đức cách mạng trong sáng, có tinh thần yêu nước nồng nàn, luôn luôn vượt qua mọi thách thức, trở ngại, nhân hậu, thủy chung, có tình đoàn kết quốc tế trong sáng. Soi chiếu vào những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư cách một người cách mạng trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hình mẫu tiêu biểu, vượt trội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là một nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng, mang tính dẫn dắt, định hướng cho lĩnh vực văn hóa. Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy hội nhập với thế giới.
Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với văn hoá Việt Nam là những phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Sau 75 năm, kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946, lần thứ 2 năm 1948, đến Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 được xem là một ngày hội lớn, một “Hội nghị Diên Hồng” của toàn ngành văn hóa khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo và chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ những giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa trong thời gian tới là: Tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong xây dựng, phát triển văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa; quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”; sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hóa, xây dựng con người; đẩy mạnh công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới; chú trọng bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng tình nghĩa, trọng công lý và đạo lý xã hội; xây dựng các quy tắc ứng xử văn minh trong các cơ quan công quyền, trong cộng đồng, nhất là trong không gian mạng, trong giới văn nghệ sĩ...
Nhìn lại từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và có bài phát biểu khẳng định: Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Trước đó, vào năm 1943, đồng chí Trường Chinh đã soạn thảo bản “Đề cương văn hóa Việt Nam”. Đây được coi là khởi nguồn đường lối cách mạng văn hóa của Đảng. Đảng ta đã khởi thảo nên Đề cương văn hóa Việt Nam, trình bày những quan điểm lý luận đầu tiên về một số vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, trong điều kiện của cách mạng nước ta.
Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 khai mạc ngày 16/7/1948 tại xã Đào Giã, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Trong thư chúc mừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”. Đây là kim chỉ nam quan trọng, định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng, quan điểm ấy tiếp thêm động lực để đội ngũ cán bộ làm văn hóa nước nhà luôn nỗ lực, không ngừng tiến lên phía trước, với quyết tâm và khát vọng chấn hưng, xây dựng thành công nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đặc biệt, đầu năm 2024, cuốn sách: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đã được xuất bản. Cuốn sách dày hơn 900 trang, gồm ba phần với 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói chuyện quan trọng, các hình ảnh tư liệu quý của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Một trong 6 quan điểm đặt ra trong cuốn sách trở thành trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2023, được nêu trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 là: Phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Nói cách khác là, “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: Cần gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Đối với các cán bộ ngành văn hóa, tiếp cận cuốn sách của Tổng Bí thư chính là được tiếp cận với cuốn “cẩm nang” vô giá, tác phẩm của tư duy, tầm nhìn và tâm huyết với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam. Có thể nói, cuốn sách đã vượt ra khỏi khuôn khổ của những luận điểm cơ bản, đó là “Bản Tuyên ngôn”, “Kim chỉ nam” định hướng con đường vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Qua những bài viết trong cuốn sách, mỗi cán bộ văn hóa được nâng cao nhận thức một cách sâu sắc đối với chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; thấm nhuần những vấn đề lý luận tổng kết từ thực tiễn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trong ấn phẩm cuối cùng của cuộc đời./.