Chiều 4/11, tại phiên thảo luận toàn thể về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Đoàn Hà Nội Nguyễn Anh Trí đã lấy dẫn chứng Đường sắt Cát Linh-Hà Đông để nêu mong mỏi của cử tri trong việc sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hàng chục dự án chậm tiến độ trên cả nước.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí cho biết, qua nghiên cứu báo cáo số 300 ngày 21/10/2020 của UBND TP Hà Nội gửi cho Đoàn ĐBQH thành phố, công tác xây dựng dự án này đã hoàn thành 99%, còn lại 1% các công việc như hoàn thiện mỹ quan nhà ga, khắc phục các khiếm khuyết sau lắp đặt các trang thiết bị, công tác nghiệm thu… Phần mua sắm và lắp đặt thiết bị, tổng thầu đã thực hiện 99% và tổ chức lắp đặt cơ bản xong 97%.
"Theo báo cáo, vướng mắc chính là công tác nghiệm thu, công tác khắc phục các khiếm khuyết của các thiết bị và việc Tổng thầu chưa nhận được kinh phí theo hợp đồng, chưa đưa được chuyên gia sang do dịch bệnh… Tôi nghĩ tất cả khó khăn này nếu quyết tâm tháo gỡ thì vẫn có thể", đại biểu Anh Trí nhấn mạnh.
Dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã chậm thời gian bàn giao 4 năm, từ 2016. Đến chiều 28/10/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND TP Hà Nội để giải quyết vướng mắc của dự án này.
"Người dân Hà Nội xin cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian để trực tiếp giải quyết, tháo gỡ vướng mắc của dự án này. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã cam kết đưa dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Mong rằng các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Bộ GTVT không chỉ bằng lời hứa mà cần lăn xả vào hoàn thiện dự án quan trọng này, để Đường sắt Cát Linh-Hà Đông sớm đi vào phục vụ nhân dân, xoá bỏ hình ảnh con đường bê tông sừng sững treo lơ lửng trên đầu người dân thủ đô", ĐBQH đoàn HN nêu mong mỏi của cử tri Hà Nội.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, từ Đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn có thể nhìn ra hàng chục dự án còn dang dở như vậy đang có trên cả nước như tại Thái Bình, Thái Nguyên… Trong đó, có 10 dự án điện chậm tiến độ rất cần thúc đẩy sớm, đưa vào hoạt động. Trước đó, còn rất nhiều dự án nhà máy xi-măng, thép và bệnh viện đang chậm tiến độ.
"Cử tri đề nghị, ai không làm được thì nên thay, ai làm sai thì nên kiểm điểm, ai tham ô tham nhũng phải bị xử lý thật nghiêm khắc. Phải duy trì hoạt động của các dự án, để các dự án chạy cho kịp tiến độ. Bất cứ ai ở cương vị nào để dự án chậm trễ tức là gây lãng phí về tiền bạc, thời gian và cơ hội. Dự án kết thúc sớm thì một ngày đỡ lãng phí chi phí gián tiếp và trực tiếp từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng trên toàn bộ dự án. Tôi đề nghị Chính phủ có chỉ đạo quyết liệt hơn, tích cực tháo gỡ những vướng mắc cụ thể về cơ chế, về vốn… để các dự án được triển khai. Xin đừng lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân, của đất nước", đại biểu Anh Trí nhấn mạnh.
Đề cập về Thủ đô Hà Nội, ĐBQH Anh Trí khẳng định, các hoạt động của thành phố vẫn đang rất ổn định và tích cực dù vừa trải qua “cơn bão” về thay đổi nhân sự cao cấp nhất.
Hiện nay, lãnh đạo TP đã nhận thấy những vấn đề cấp thiết cần giải quyết như cải tạo các khu chung cư cũ đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, đang tồn tại ọp ẹp ngay trong lòng thủ đô hiện đại. Việc cải tạo dòng sông Tô Lịch ô nhiễm để đưa lại môi trường sạch sẽ, thanh lịch là nhu cầu chính đáng của nhân dân Hà Nội. Việc quy hoạch và xây dựng sông Hồng - liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân, có thể đưa lại nguồn lợi khổng lồ về nhà cửa, du lịch… không chỉ là nhu cầu của người dân thủ đô mà là của cả nước. Hay vấn đề đang nóng lên những ngày qua là việc giải quyết rác thải cho một thành phố gần 10 triệu dân…/.
Theo Lê Lam/VOV.VN