Giảm độ tuổi tự nguyện xét nghiệm HIV: Cần lường trước những tác động ngoài mong muốn

Dự thảo Luật Phòng chống HIV/AIDS đưa ra quy định điều chỉnh giảm độ tuổi tự nguyện xét nghiệm HIV từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi.

 

Theo Dự thảo Luật này, điều chỉnh giảm độ tuổi tự nguyện xét nghiệm HIV từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều tại kỳ họp Quốc hội lần này...

Nhiều năm nghiên cứu, công tác trong lĩnh vực chăm sóc bảo vệ trẻ em, PGS Nguyễn Trọng An (Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em) bày tỏ lo ngại với hướng quy định mới này, bởi nó ảnh hưởng tới quyền được giám hộ của trẻ em.

Theo ông An, Luật Trẻ em năm 2016 quy định người dưới 16 tuổi là trẻ em, trong khi đó Công ước Liên hợp quốc về Quyền Trẻ em cũng quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi.

Do vậy, nếu quy định trẻ em đủ 15 tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV sẽ “vênh” với Luật Trẻ em hiện hành, có thể gây ra những hệ lụy khôn lường: "Tại sao người ta lại quy định là trẻ em vì em bé chưa đủ độ chín chắn và cần có sự bảo vệ, sự bao bọc của gia đình, nên nếu đưa ra một kết quả dương tính thì có thể xảy ra những nguy hiểm mà không lường trước được, em bé có thể tự tử, tự thương, bỏ nhà đi, rồi có thể làm những việc trả thù xã hội, gây ra những bạo loạn, vi phạm pháp luật. Tức là hậu quả tiềm ẩn mà mình chưa lường trước được".

Hiện nay trẻ em dậy thì rất sớm nên những trải nghiệm trong cuộc sống như quan hệ tình dục cũng sớm hơn.    Ảnh: quangninhcdc

Đồng quan điểm này, ĐBQH Tạ Văn Hạ cho rằng, trẻ em là một đối tượng đặc thù, chưa hoàn thiện về thể chất và trí tuệ nên mọi quyết định cần phải có sự quản lý, giám sát của người lớn: “Trong 25 nhóm quyền của trẻ em, trong đó có quyền của trẻ em là được bảo vệ, giáo dục và đặc biệt trẻ em khi chưa hoàn thiện về thể chất, trí tuệ thì vai trò của người giám hộ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền của trẻ em. Cho nên khi xây dựng luật này đưa ra quyền ưu tiên tự quyết của các em nhưng mà bỏ quên mất một cái quyền giám hộ hoặc là xem nhẹ vai trò giám hộ, cái đó cần phải xem xét kĩ cho thấu đáo hơn".

Lý giải về dự thảo quy định hạ độ tuổi được chủ động đề nghị xét nghiệm HIV đối với trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật, đại diện cơ quan soạn thảo - PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS khẳng định: Đó là nhằm bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, để trẻ xét nghiệm sớm và điều trị kịp thời nếu nhiễm HIV, do tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi từ 15-16 nhiễm HIV tăng nhanh trong 10 năm qua, đặc biệt năm 2019 tăng gấp 3 lần so với năm 2011.  "Giảm độ tuổi là tăng thêm quyền cho trẻ em chứ không phải giảm quyền của trẻ em, đó là tăng quyền được xét nghiệm, được biết có HIV, tăng quyền được điều trị sớm. Còn tất cả những quyền khác không bị thay đổi, trẻ em vẫn được bố mẹ, người giám hộ chăm sóc sức khỏe”, Phạm Đức Mạnh giải thích.

Đồng tình hướng quy định này, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, hiện nay trẻ em dậy thì rất sớm nên những trải nghiệm trong cuộc sống như quan hệ tình dục cũng sớm hơn: "15 tuổi không còn quá bé, mà luật bao giờ cũng phải đi tắt đón đầu, thường những điều luật đưa ra phải có tác dụng ít nhất trong 10 năm. Trong thời gian tới những vấn đề liên quan đến trẻ em còn phức tạp nữa và độ tuổi dậy thì còn thấp xuống nữa".

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh giảm độ tuổi tự nguyện xét nghiệm HIV như trong dự thảo Luật Phòng chống HIV/AIDS là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế: “Quốc tế quy định là 14, mình quy định 15 là được rồi vì trẻ em hiện nay phát triển sớm, làm được cái đó thì trẻ em đỡ sợ, bởi đợi tới xin ý kiến cha mẹ nhiều khi nó nặng quá rồi, đây là chỗ để chúng ta phát hiện được sớm, vừa phòng ngừa cho trẻ em vừa hạn chế lây truyền dịch, sau đó còn phát huy yếu tố gia đình.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quy định điều chỉnh giảm độ tuổi trẻ em được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV là phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em hiện nay.

"Tôi thấy rất cần thiết, vì các em bé khi nhiễm như thế phải có hướng điều trị, không kịp thời cho các em chữa HIV sẽ tiến tới những hậu quả khôn lường".

"Nếu đồng nhất được và đưa xuống 15 tuổi thì tốt, vì ở lứa tuổi này cũng đã ý thức và có thể tự quyết được về hành vi của mình rồi".

Ủng hộ quan điểm của cơ quan soạn thảo, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng quy định như vậy là cần thiết và phù hợp thực tế, mở ra cơ hội cho trẻ được tự giải quyết các vấn đề của bản thân.

Tuy vậy, bà Hoa cũng lưu ý cần cần đảm bảo bí mật thông tin cá nhân, tránh gây ra những tổn thương cho trẻ. Đồng thời, cân nhắc kỹ việc thông báo khi có kết quả xét nghiệm HIV dương tính đối với trẻ dưới 18 tuổi phải rất thận trọng, ngăn ngừa cú sốc về tâm lý, dẫn tới trẻ có những phản ứng tiêu cực. "Trong các văn bản dưới luật cần quy định những người trực tiếp làm công việc này cần tính đến thời điểm lúc nào thông báo cho các em, lúc nào thông báo cho cha mẹ. Theo tôi, người biết trước nên là cha mẹ hoặc người giám hộ để hợp tác với ngành y tế, thông tin cho các em đỡ bị sốc nhất. Và chuẩn bị cho các em tâm lý tốt nhất đón nhận việc là mình có thể bị nhiễm HIV", bà Hoa phân tích.

Việc để trẻ em tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình cũng là hướng đi đúng (Ảnh: TT KSBT Lạng Sơn).

Quy định trẻ em đủ 15 tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV đang nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của VOVGT cơ quan soạn thảo luật cần tiếp thu những ý kiến phản biện, xem xét cẩn trọng những tác động ngoài mong muốn, nhằm ngăn ngừa những hệ lụy đáng tiếc có thể xảy ra và đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS nước ta hiện có khoảng 250.000 người nhiễm HIV còn sống, 100% tỉnh, thành phố đã phát hiện người nhiễm HIV. Đặc biệt, tại một số tỉnh "nóng" về tình trạng nhiễm HIV, số bệnh nhân nhiễm căn bệnh thế kỷ này đang có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Còn theo nghiên cứu điều tra của Tổng cục dân số, trong số 250.000-400.000 trường hợp nạo phá thai hàng năm có tới 60-70% ở độ tuổi từ 15-19, đa số là học sinh sinh viên. Trong đó, có hơn 7% phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở độ tuổi từ 15-19.

Nguy cơ lây nhiễm HIV cùng nhiều vấn đề khác đang gia tăng cùng với sự trẻ hóa của độ tuổi bắt đầu có quan hệ tình dục. Bởi vậy, nếu trẻ em có quyền được yêu cầu xét nghiệm HIV sớm để điều trị kịp thời sẽ giúp bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, trong trường hợp trẻ bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều nguy cơ nếu kết quả xét nghiệm là xấu, mà trẻ em được biết trước người lớn, hoặc trẻ em chưa được tư vấn, chuẩn bị trước về mặt tâm lý, về các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ để có thể bình tĩnh vượt qua cú sốc này.

Các nguy cơ đó hoàn toàn có thể xảy ra nếu quy định thiếu chặt chẽ về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc dịch vụ hỗ trợ tâm lý, sức khỏe trước và sau xét nghiệm không đầy đủ, không đạt hiệu quả.

Vì lẽ đó, ở lần sửa luật này ngoài việc lấp những “lỗ hổng” về mặt pháp lý, bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay, cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét cẩn trọng những hướng tác động đã được cảnh báo, nhằm ngăn ngừa những hệ lụy đáng tiếc và đảm bảo sự thống nhất với các quy định hiện hành.

Độ tuổi bắt đầu có quan hệ tình dục ở trẻ em ngày càng trẻ hơn, xu hướng đó xuất hiện từ lâu ở nhiều quốc gia khác. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà các quy định về độ tuổi sử dụng rượu bia, quy định về độ tuổi lái xe vẫn được siết rất chặt ngay cả ở các nước tiên tiến, không sớm hơn 18 tuổi.

Điều đó cho thấy, sự nảy nở về thể chất không đồng nghĩa với việc trẻ có trưởng thành sớm hơn về nhận thức, chín chắn sớm hơn về bản lĩnh. Đặc biệt, trong một môi trường giáo dục mà trẻ em còn được bao bọc kỹ như các nước Á Đông, thì các cơ hội tự va vấp, tự trưởng thành của trẻ em, đôi khi cũng đến rất muộn.

Việc cung cấp sớm các dịch vụ xét nghiệm, phát hiện và điều trị cho người nhiễm HIV là rất quan trọng. Việc để trẻ em tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình cũng là hướng đi đúng. Quy định mới nếu được triển khai, cũng là cơ hội để các bậc cha mẹ buộc phải tìm cách làm bạn với con mình nhiều hơn, thay vì chỉ là “người giám hộ”.

Nhưng cách triển khai ra sao để không lợi bất cập hại, phù hợp với đặc thù xã hội và tốc độ trưởng thành trên nhiều phương diện của trẻ em Việt Nam, mới là điều cần tính toán kỹ trước khi quy định được ban hành./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận