Sự việc người dân sinh sống quanh bãi rác Nam Sơn, tiếp tục chặn xe rác vừa qua là lần thứ 2 trong năm và là lần thứ 15 người dân chặn xe rác trong 5 năm trở lại đây. Điều này cho thấy sự bất lực của chính quyền TP khi những lời hứa hẹn không thực hiện được, để vấn đề bức xúc của người dân sinh sống gần bãi rác tồn tại dai dẳng.
Dù sinh ra và lớn lên tại thông Đông Hạ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hùng (74 tuổi) nhiều lần muốn chuyển cả gia đình khỏi phạm vi ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn, nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Ông Hùng kể, sau rất nhiều lần chính quyền Thành phố hứa hẹn, và gần đây nhất là tháng 1/2019, tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND Thành phố, tổ chức tại UBND xã Nam Sơn, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã cam kết sẽ hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường cho người dân trong quý II/2019. Nhưng lời hứa đó đến nay vẫn chưa thực hiện được: "Trong văn bản chúng tôi yêu cầu cả 2 bên ký kết vào để thực hiện, có văn bản hẳn hoi, đã làm văn bản hứa đấy, cứ lần nọ nói lần kia, các anh hứa mấy lần đều có văn bản họp, đều có công văn của Thành phố hỏa tốc về nói như thế nhưng thực tế các anh không làm, dân bị bỏ rơi, dân bị nói lừa, dân bức xúc quá, thế là lại chắn tiếp".
Không chỉ chậm chi trả tiền bồi thường, mà chính sách hỗ trợ, đền bù đối với người dân trong vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm cũng có nhiều bất cập. Chẳng hạn, tiền đền bù đất ở chỉ ở mức 866 nghìn đồng/m2, nhưng đến khu tái định cư phải mất 4,1 triệu đồng/m2. Mức chênh lệch quá lớn này khiến người dân rất bức xúc: "Đất nhà em rơi vào hơn 300m, theo phương án ban đầu đưa ra thì em được hơn 1 tỉ. Với mức như thế nếu di dời đi theo khu tái định cư thì bọn em không thể có khả năng để xây dựng được nhà".
"Ông nhà bà 50 tuổi, ung thư chết rồi, từ năm bãi rác về đây là 21 năm rồi, nguyện vọng của bà chỉ muốn cho các bà di dời khỏi bãi rác càng sớm càng tốt".
Ông Lê Văn Hộ, nguyên Chủ tịch UBND xã Nam Sơn cũng cho biết, tháng 7/2019, khi người dân tiếp tục chặn xe vào bãi rác, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cùng các Sở, ngành và UBND huyện Sóc Sơn đã mời một số hộ dân đối thoại tại UBND huyện và tiếp tục tục hứa hẹn: dù 1 m2 đất của người dân cũng phải đền bù. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa có phương án đền bù cụ thể: "Tháng 7 vừa rồi, các ông ấy cũng hứa là sẽ hỗ trợ cho dân bằng mức cao nhất để dân đi được, nhưng cho đến giờ cũng chưa thấy gì. Các ông ấy bảo là chậm nhất 15/8 phải xong toàn bộ đền ruộng với gạo cho dân, nhưng giờ cũng chưa xong. Cái làm phương án chuyển đi cũng chưa có gì cả".
Trong quá trình thực hiện bài viết này, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với UBND huyện Sóc Sơn, xã Nam Sơn, nhưng đều không nhận được câu trả lời.
Trao đổi với VOVGT, ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, 15 lần người dân chặn xe vào bãi rác không phải ngẫu nhiên.
Thực tế cho thấy, Thành phố đã nhiều lần giải quyết, nhưng chưa giải quyết được. Điều đó phần nào thể hiện sự lúng túng của chính quyền thành phố trong việc giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân sinh sống quanh bãi rác Nam Sơn: Có rất nhiều quy định không phù hợp với thực tế nhưng không ai sửa đổi, cũng không ai dám quyết để giải quyết cho dân cả, thành ra họ cứ lần nữa. Tôi nghĩ rằng là cái sự bất lực thì cũng có phần nào đúng, tại vì rõ ràng là 15 lần hứa mà không giải quyết người ta có quyền nghi ngờ về cái việc đấy".
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Thành phố Hà Nội cần có giải pháp căn cơ hơn, từ việc hỗ trợ thỏa đáng cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của bãi chôn lấp rác, cũng như sớm khởi động lại chương trình phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày: "Giống như những nước tiên tiến họ phải phân loại rác, đồng thời người ta phải có cách xử lý rác theo từng loại rác nhất định. Chứ nếu còn để như thế này thì rồi chỉ được một thời gian ngắn vẫn sẽ xảy ra tình trạng người dân không cho vào chôn lấp nữa".
Khủng hoảng rác ở Hà Nội đã bắt đầu từ nhiều năm nay là tần suất lặp đi lặp lại ngày càng nhiều hơn. Điều lạ lùng là TP. Hà Nội vẫn chưa giải quyết triệt để. Và điều này không chỉ là khủng hoảng rác, mà còn là khủng hoảng quản trị đô thị khi chính quyền thành phố vẫn để tình trạng này tiếp tục tái diễn.
Mời quý vị và các bạn đến với góc nhìn này qua bài bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó giám đốc Kênh VOVGT: "Khủng hoảng rác hay khủng hoảng quản trị?"
Lần thứ 2 trong năm nay, người dân quanh bãi rác Nam Sơn chặn đường khiến cả Hà Nội chìm trong rác suốt một tuần lễ.
“Khủng hoảng rác” đã trở thành một khái niệm quen thuộc với người dân Hà Nội, nhưng đó là một khái niệm không đúng với thực tế. Bởi đã đến lúc cần nhìn nhận câu chuyện về bãi rác Nam Sơn không chỉ là khủng hoảng rác, mà là khủng hoảng quản trị đô thị khi mà những vấn đề tồn tại nhiều năm vẫn lặp đi lặp lại, và kịch bản không hề thay đổi.
Vấn đề của bãi rác Nam Sơn là gì? Đó là tiền đền bù để người dân địa phương di chuyển đến nơi tái định cư chỉ bằng 1/6 so với giá đất tái định cư.
Tất nhiên, người dân Nam Sơn không có lựa chọn khác, ngoài việc ở lại bên bãi rác, cố gắng chịu đựng, và thỉnh thoảng lại đổ ra đường chặn đoàn xe rác, khi mà thời tiết chuyển mùa, hoặc khi có các ngày lễ khiến lượng rác sinh hoạt của thành phố thải ra nhiều hơn, tốc độ phân hủy cao hơn.
Và kịch bản là khi đường vào bãi rác bị chặn lại, rác sinh hoạt bị dồn ứ trong nội thành, khiến người dân nội thành nhớ đến Nam Sơn thì chính quyền thành phố lại hành động, lần nào cũng giống lần nào, hứa hẹn giải quyết và thuyết phục người dân giải toả. Coi như tạm thời chấm dứt khủng hoảng.
Nếu như coi câu chuyện rác thải của Hà Nội chỉ là khủng hoảng bãi rác Nam Sơn, là chuyện của những người dân sống quanh bãi rác phản ứng với giá đền bù thì câu chuyện sẽ mãi không thể chấm dứt.
Vì cho dù những người dân Nam Sơn hôm nay được đền bù thoả đáng và chuyển đi, thì với gần chục ngàn tấn rác mỗi ngày, 90% trong số đó được xử lý bằng cách chôn lấp, thì sớm muộn bãi rác này cũng quá tải và phình to khiến số người bị ảnh hưởng tiếp tục mở rộng.
Nếu coi câu chuyện Nam Sơn là khủng hoảng quản trị đô thị thì góc nhìn sẽ thay đổi.
Những khu xử lý, tái chế rác hiện đại sẽ được ưu tiên đầu tư, thậm chí được áp dụng những cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ. Khi đó thành phố sẽ phải hoãn nâng cấp, xây thêm bảo tàng, hoãn thay đá vỉa hè... để đầu tư nhà máy rác.Một đô thị được
quản trị tốt phải có khả năng hoạch định được kế hoạch chi tiêu để dòng tiền ngân sách được sử dụng theo cách có lợi nhất cho cư dân đô thị, tức là phải xác định được thứ tự ưu tiên cho các dự án đầu tư công.
Đầu tư các nhà máy xử lý rác thải hiện đại có phải điều mà chính quyền đô thị cần ưu tiên? Những nhà máy xử lý rác hiện đại sẽ khiến diện tích chôn lấp ít đi, mức độ chịu ảnh hưởng, ô nhiễm của cư dân được thu hẹp, trong khi động lực để thúc đẩy phân loại rác tại nguồn tăng lên, lý do để thu phí rác thải theo khối lượng sẽ trở nên thuyết phục hơn.
Lại nói về thu phí rác thải. Đó là một yêu cầu bắt buộc để các đại đô thị như Hà Nội giảm nguy cơ quá tải rác, khi người dân có ý thức lợi ích rõ ràng về việc hạn chế xả thải.
Tuy nhiên, ý tưởng đó mới được đưa ra hồi cuối năm ngoái đã bị phản đối vì không truyền thông một cách đúng mức về phương án khả thi. Vậy thì phương án khả thi là thế nào?
Dĩ nhiên sẽ không thể thu phí rác thải trực tiếp vì chẳng ai đi cân đo từng túi rác của người dân. Nhưng thành phố hoàn toàn có thể phát hành túi rác tiêu chuẩn mà phí rác thải đã nằm trong giá thành túi rác.
Túi rác hữu cơ và túi rác vô cơ sẽ có giá khác nhau để người dân tự phân loại. Người dân chỉ được sử dụng loại túi do thành phố phát hành để đựng rác, và các đơn vị thu gom rác sẽ chỉ nhận túi rác tiêu chuẩn.
Thành phố có thể ưu tiên xây dựng các nhà máy xử lý rác, nhưng vận hành thì không thể bao cấp mãi. Bởi thế, để thành phố không tiếp tục bị ngập chìm trong rác, thu phí rác thải là điều bắt buộc phải thực thi.
Khủng hoảng bãi rác Nam Sơn hôm nay không phải là một sự kiện mới, nó đã diễn ra và lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua, từ khi bãi rác này hình thành. Giải pháp hiện giờ của thành phố vẫn là phân luồng để chuyển rác về các bãi chôn lấp mới.
Với giải pháp này, sẽ có thêm những cuộc khủng hoảng bãi rác mới, không chỉ ở Nam Sơn. Vì thế, cần phải thay đổi, không thể chỉ coi khủng hoảng bãi rác là câu chuyện của riêng cộng đồng cư dân Nam Sơn.
Đã đến lúc cần nhìn rộng hơn, khủng hoảng Nam Sơn là khủng hoảng của thành phố, và hàng triệu người dân của thành phố này, bất cứ ai cũng là nạn nhân, từ người nông dân Nam Sơn đến ông Chủ tịch Thành phố.
Theo VOVGIAOTHONG.VN