Ở rốn lũ Quảng Bình, trong số những người đã phải bỏ lại sinh mệnh nơi lũ dữ, có ba đứa trẻ. Khi lũ đến, những đứa trẻ này phải tự xoay sở đi tránh lũ hay tự trông nom nhau khi ba mẹ đi nhận đồ cứu trợ.
Sống ở vùng thường xuyên xảy ra lũ, nhưng điều đáng nói là nhiều trẻ em không biết bơi hoặc không được học kỹ năng sinh tồn dưới nước. Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em để tìm hiểu về thực trạng này.
PV: Trẻ em sinh ra ở vùng thường xuyên có lũ, lớn lên với lũ, và tử vong cũng vì lũ. Điều đó mang lại cho ông suy nghĩ gì?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Đúng là sự việc rất đau lòng. Vì nước ta, ở vùng miền Trung, và đặc biệt là Đồng bằng Sông Cửu Long năm nào cũng xảy ra lũ lụt, rồi là trẻ em chết đuối, mất nhà cửa, mất trường học. Năm nào cũng như vậy nhưng sự phòng bị phòng ngừa của các bậc cha mẹ, người lớn, đặc biệt là của các cấp chính quyền còn nhiều lơ là.
Đây là một điều đau xót. Nếu chúng ta không có sự phòng bị, chuẩn bị, trang bị cho trẻ em kỹ năng, kiến thức thì đau thương vẫn tiếp tục xảy ra, vẫn lặp lại hàng năm mỗi khi lũ về.
PV: Đối với trẻ em nói chung, và đặc biệt là trẻ em vùng lũ nói riêng, cần phải được trang bị những kỹ năng sinh tồn dưới nước như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Trước hết, chúng ta phải tuyên truyền một cách rộng rãi cho các bậc cha mẹ, và cho những người Lãnh đạo địa phương đó về việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, không để trẻ xảy ra tai nạn, đặc biệt là đuối nước mỗi một khi lũ về.
Nguyên tắc đó là nếu trẻ nhỏ, dưới 6 tuổi, người lớn phải luôn luôn để mắt đến trẻ. Nếu trẻ lớn hơn, đi đâu, làm gì phải có sự giám sát của người lớn, của những người có trách nhiệm, như thầy cô giáo. Khi nước lên, phải di chuyển bằng ghe, bắt buộc phải có mặc áo phao cứu sinh và phải có người lớn đi kèm.
Nếu gia đình không trang bị được áo phao, thì có thể tự làm được bằng cách dung các can nhựa, vật nổi, hoặc bó các vật nhựa lại thành một bó hoặc cho vào bao tải buộc lại có dây đeo để tạo sức nổi, mỗi một khi em bé di chuyển phải đeo vào người.
Vấn đề thứ hai nữa đó là vấn đề chăm sóc trẻ, để đảm bảo trẻ có nước sạch để uống, có đủ dinh dưỡng phòng chống các bệnh đường ruột mà khi nước nổi lên sẽ gây ô nhiễm rất khủng khiếp. Đó là những nguyên tắc chung. Để tránh trẻ bị đuối nước hay tai nạn thương tích mỗi khi lũ về, vai trò của các bậc cha mẹ, và thầy cô giáo là vô cùng quan trọng.
Đó là gì? Phải hướng dẫn trẻ các kỹ năng an toàn, đặc biệt là các kỹ năng sinh tồn ở môi trường nước. Khi nước về, thì cách thở phải như thế nào, cách bám vào cột, cách tồn tại ra làm sao, cách ngửa lên để thở…. để đợi người lớn đến cứu giúp như thế nào.
Đó là kỹ năng sinh tồn phòng trách đuối nước. Thứ hai, là phải dạy trẻ kỹ năng bơi lội, kỹ năng tự cứu minh và cứu cả bạn nếu ngã xuống nước khi lũ về.
PV: Tại sao tại một đất nước có hệ thống sông ngòi dày đặc và thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt mà việc dạy bơi và các kỹ năng sinh tồn dưới nước cho trẻ em lại chưa thực sự được chú trọng?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Câu chuyện này không phải là câu chuyện mới mà hàng chục năm nay. Nhưng công tác tuyên truyền của chúng ta bị lệch hướng. Nó theo những phong trào như ví dụ như Tháng hành động vì trẻ em thì ào lên một tý, nhưng trẻ em đuối nước nó lại rơi vào đầu tháng 4.
Thứ hai, chúng tôi cũng đã nhấn mạnh là khi dạy trẻ, phải dạy kỹ năng tồn tại dưới nước trước, trước khi chúng ta dạy các kỹ năng bơi lội. Đó chính là kỹ năng thở, kỹ năng quẫy, kỹ năng tự cứu, kỹ năng ngửa mặt lên khi bị ngã xuống nước, hoặc ôm vật nổi như thế nào.
Chứ hô hào các phong trào đánh trống mở cờ, phong trào đi bơi, cuối cùng trẻ em vẫn bị đuối nước. Đó chính là sự chủ quan, lơ là của những người lớn, đặc biệt là Lãnh đạo địa phương ở những vùng lũ và thường xuyên ngập nước như Đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung.
PV: Ngoài việc dạy cho trẻ em kỹ năng sinh tồn dưới nước, thì cần phải lưu ý gì về trang dụng cụ cần thiết cho mỗi gia đình sống ở vùng lũ?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Đó là xây dựng ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn.
Thứ hai là tại các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, chúng ta phải có kế hoạch trước khi xảy ra lũ. Phải có sự thông tin, thông báo ra làm sao, mức độ nguy hại thế nào. Nhưng đó là việc của các bậc Lãnh đạo. Còn đối với mỗi gia đình, hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Đó chính là các trang thiết bị, vật dụng nổi, phao cứu sinh, thuyền, dụng cụ thức ăn cất lên cao ra làm sao.
Tức là sự sinh tồn của gia đình trước khi có lũ. Rồi trong khi có lũ, phải giám sát trẻ ra làm sao. Rồi là phòng các tai nạn không chỉ đuối nước mà tai nạn sập nhà, sập cửa. Tôi mong muốn các bậc cha mẹ phải tự chuẩn bị cho gia đình mình. Và tôi nhắc lại là phải tự cứu mình – trước khi trời cứu.
Sau khi lũ rút, trẻ lại phải đối mặt với vấn đề thiếu ăn do không đủ lương thực, trẻ bị các bệnh đường ruột do ăn uống phải nước bẩn, các thức ăn bẩn. Bản thân gia đình, bản thân cộng động phải dọn dẹp các nước thải, rác thải, chuẩn bị nước uống sạch, lọc nước.
Đó là một quy trình tổng hợp cần phải tuyên truyền rộng rãi, là một kế hoạch tổng thể cho toàn bộ địa phương đó và phải có trách nhiệm của chính quyền, của mỗi gia đình phải tự cứu mình. /.
Mai Ngọc/VOVgiaothong.vn