Sinh kế nào cho người dân vùng lũ Hà Tĩnh?

Sau khi nước lũ rút thì đói nghèo lại là vấn đề đáng lo ở khắp các vùng lũ Hà Tĩnh hiện nay.

 

Hàng chục bao thóc dù đã bốc mùi, nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Hạnh ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên vẫn tức tốc đưa ra hong phơi, với hy vọng vớt vát những gì còn lại sau lũ. Nhà có 6 khẩu, sống bằng nghề nông, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", nhưng giờ ông bà không biết những ngày tiếp theo sẽ sống thế nào.

"Sau lũ chúng tôi mất hết, không còn cái gì cả. Ngay cả thóc lúa bốc mùi đây cũng phơi lên chứ biết là ăn được không. Những ngày tới cũng chưa biết sẽ thế nào", bà Hạnh buồn rầu nói.

Nước mênh mông ngập nhà dân ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.

Liên tiếp những ngày qua, những chuyến xe hàng cứu trợ từ miền Bắc vào miền Trung đã về Hà Tĩnh. Từ chiếc bánh, hộp cơm, áo quần... và những nhu yếu phẩm khác được gói ghém cẩn thận, gửi gắm biết bao tình cảm tới đồng bào. Chị Dương Thị Thảo, một người dân tham gia cứu trợ tại vùng lũ Hà Tĩnh chia sẻ: "Chúng tôi rất cần hỗ trợ. Không ai nghĩ lũ cuốn về nhanh như thế, nên sự chuẩn bị không có nhiều. Ngay cả thành phố cũng cần hỗ trợ, còn ở vùng khác cần hỗ trợ nhiều hơn nữa. Ở đây, nhiều người đã tự nguyện đi cứu trợ vì lực lượng chức năng không thể cứu hộ hết được".

Có hàng cứu trợ, người dân giải quyết được cái khó trước mắt, vững tâm vượt qua khó khăn. Thế nhưng, "sóng ngầm" - làn sóng của đói nghèo, dịch bệnh sẽ đeo đẳng họ là điều khó tránh khỏi. Ông Lê Thanh Dương, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên cho rằng, sau lũ, người dân sẽ phải đứng lên và bước tiếp, nhưng sẽ tiếp tục bằng cách nào khi tất cả tài sản tích góp bao năm bỗng chốc bị lũ cuốn phăng. Người dân vùng lũ rất cần những chính sách ưu đãi cụ thể, thiết thực.

"Tôi cho rằng, với xã vùng lũ nên động viên bà con giảm tiền đóng học cho học sinh. Đối với bà con vay vốn sản xuất nông nghiệp mà bị ảnh hưởng mưa lũ thì nên đáo hạn và giảm lãi ngân hàng, nếu cứ đóng lãi như cũ thì khó thực hiện được. Người dân cũng cần hỗ trợ giống cây con, lương thực... để yên tâm ổn định cuộc sống", ông Dương nói.

Bắt tay ngay vào lao động, sản xuất sau khi nước rút đang được cho là giải pháp tối ưu. Xác định tập trung khôi phục sản xuất được cho là sinh kế đảm bảo đời sống người dân. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất để làm được việc này hiện nay là người dân cần có nguồn vốn ban đầu để đầu tư, tái sản xuất, như: Cây giống, con giống, phân bón…

Nước lũ đã rút nhiều nhưng người dân Hà Tĩnh đang phải đối diện với cảnh thiếu nước sạch và ô nhiễm, dịch bệnh.

Ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, huyện đã chuẩn bị phương án, tính sinh kế cho người dân sau lũ: "Sau lũ, có nhiều hộ tay trắng. Huyện chỉ đạo ngành chức năng khảo sát cụ thể từng hộ bị ảnh hưởng để lên kế hoạch phục hồi ngay sản xuất, tập trung vào các cây chủ lực của huyện và hiện nay chúng tôi đang lên kế hoạch, ngay sau khi nước rút sẽ tiến hành khẩn trương".

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng khẳng định để giúp người dân khôi phục sản xuất, tạo sinh kế ổn đinh cuộc sống sau lũ cần tính toán chặt chẽ và sự hỗ trợ kịp thời của các, cấp ngành.

Tại buổi làm việc với 5 tỉnh miền Trung về công tác khắc phục mưa lũ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các tỉnh cùng với việc đảm bảo cuộc sống bình thường của nhân dân, đảm bảo sinh kế cho người dân. Nhất là thời vụ cận kề, cấp sớm các loại giống, không chỉ lo trước mắt mà phải lo cả lâu dài, lo vụ sắp tới đây phải làm gì để người dân có thể sống được./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận