Đây là một nội dung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS nhận được nhiều ý kiến thảo luận trong phiên làm việc sáng 23/10 của Quốc hội.
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính phải được thông báo
Trình bày Tờ trình, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trung bình, hằng năm xét nghiệm HIV cho trên 700.000 lượt người có nguy cơ cao, phát hiện 8.000-10.000 người nhiễm HIV. Việt Nam thuộc 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới hiện nay cùng với Anh, Đức, Thụy Sĩ. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống HIV/AIDS.
Tuy vậy, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, luật hiện hành cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, trong đó việc quy định đối tượng được thông báo, tiếp cận thông tin người nhiễm HIV còn thiếu và chưa đảm bảo tính thống nhất với các luật về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế; chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc giám sát dịch HIV/AIDS và tiếp cận để hỗ trợ, điều trị sớm cho người nhiễm HIV.
Do đó, việc sửa luật nhằm tạo hành lang pháp lý để hướng tới mục tiêu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 như Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã đề ra.
Một nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu là quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV. Dự thảo quy định người nhiễm HIV có nghĩa vụ thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng; người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Trương Phi Hùng (đoàn Long An) cho rằng, quy định này là phù hợp, góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân, giảm lây nhiễm. Ông cũng đề nghị quy định thêm người nhiễm HIV phải thông báo cho người sử dụng chung dụng cụ có dính máu như kim tiêm biết về tình trạng nhiễm bệnh của mình.
Liên quan đến quy định này, đại biểu Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh việc thông báo không kịp thời, chậm, sẽ làm mất cơ hội ngăn chặn sự lây nhiễm, do đó nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải “‘thông báo ngay” cho các đối tượng nêu trên theo quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) thì băn khoăn khi quy định nghĩa vụ thông báo nhưng chưa rõ người nhiễm phải thông báo như thế nào và nếu không thông báo sẽ ra sao vì liên quan đến hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu đây là nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm thì có phải là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
“Ban soạn thảo cần nghiên cứu đồng bộ và thống nhất với Bộ luật Hình sự về tội lây nhiễm HIV cho người khác để đảm bảo tính khả thi và nghiêm minh của pháp luật” – nữ đại biểu nêu ý kiến.
Đảm bảo quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV
Để bảo đảm việc thực hiện quy định về quản lý nhà nước trong việc phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình thực tế và lợi ích của người nhiễm HIV, dự thảo Luật bổ sung một số chủ thể được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV như: Người được xét nghiệm; Vợ, chồng và người chuẩn bị kết hôn của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; Người được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho người được xét nghiệm; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ giám sát dịch HIV/AIDS thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phòng, chống HIV/AIDS tại các cấp...
Bày tỏ đồng tình, ông Nguyễn Mai Bộ - Uỷ viên thường trực Uỷ ban QP-AN cho rằng, người được tiếp cận liên quan trực tiếp khám, chữa và điều trị cho người nhiễm.
“Quy định bảo đảm mục đich tránh lây nhiễm cho các đối tượng này và thực tiễn không quy định cho biết thì họ vẫn biết, chúng ta quy định thì mới quy được tránh nhiệm. Hơn nữa dự thảo cũng có điều giao Bộ Y tế quy định chi tiết về tiếp cận đảm bảo bí mật thông tin cho người bị nhiễm” – ông Nguyễn Mai Bộ nói
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, chính sách này có liên quan và ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. Việc điều chỉnh chính sách này cần hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng cũng cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bệnh, đặc biệt là quyền bảo mật thông tin của cá nhân và cần phù hợp với khuyến nghị của quốc tế.
Vì vậy, cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung quy định mang tính chất nguyên tắc về đối tượng có thẩm quyền thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính./.
Ngọc Thành/VOV.VN