Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá đây là những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm cho dự thảo Luật. Cơ quan trình dự thảo Luật sẽ tiếp tục tiếp tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Nói về khái niệm “Thỏa thuận quốc tế”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế lần này làm rõ hơn khái niệm này, đặc biệt là phân biệt giữa Thỏa thuận quốc tế với các Điều ước quốc tế: “Chúng ta có Luật về Điều ước quốc tế thông qua năm 2016. Theo đó, làm rõ hai khác biệt cơ bản. Điều ước quốc tế được ký kết với danh nghĩa là Nhà nước hoặc Chính phủ thay mặt quốc gia là chủ thể trong một thỏa thuận quốc tế. Còn Thỏa thuận quốc tế được ký với danh nghĩa rộng hơn rất nhiều, đó là từ Nhà nước, Quốc hội, các Bộ ngành đoàn thể TƯ cho đến các cơ quan dưới Bộ, cơ quan chuyên môn, các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ hoặc UBND cấp quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, trong đó có UBND xã, thị trấn ở khu vực biên giới”.
Trong kỳ họp lần này, cũng như kỳ họp thứ 9, dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tiếp tục nhận được ý kiến của các đại biểu về thẩm quyền cho phép UNBD cấp xã được ký thoả thuận quốc tế. Dự thảo lần này trình Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ quy định UNBD cấp xã ở khu vực biên giới. Đây là vấn đề đã được thảo luận kỹ và xem xét rất thận trọng. Trong dự thảo quy định rất rõ và xuất phát từ nhu cầu thực tế của tỉnh, nhất là các tỉnh có quan hệ với các nước láng giềng.
Trong báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp lần này cũng nói rõ, trong thời gian vừa qua, số lượng UBND cấp huyện trong cả nước đã ký kết hơn 874 và cấp xã đã có 157 xã đã ký kết thoả thuận quốc tế.
Đại biểu Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, việc UNBD cấp xã khu vực biên giới được ký kết thỏa thuận quốc tế đã được dự thảo luật này quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, các tổ chức như tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định tại Điều 23 chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm.“Tại khoản 2 Điều 2 của dự thảo Luật, về bên ký kết Việt Nam, tôi đề nghị xem xét, quy định bổ sung thêm một số chủ thể như là Ban quản lý các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và Ban quản lý có tên gọi khác thuộc UBND cấp tỉnh là chủ thể được tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế. Đơn cử như tại tỉnh Lạng Sơn, Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên có các hoạt động trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng phía bạn để thúc đẩy thông quan hàng hóa, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, các hoạt động nâng cấp cửa khẩu... Thực tế, trong thời gian qua, cơ quan này đã được cấp có thẩm quyền cho phép ký một số các thỏa thuận quốc tế với các cơ quan chức năng liên quan, đối tác nước ngoài như cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ, cơ chế phối hợp nâng cấp cửa khẩu, cơ chế phối hợp xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Do đó, việc mở rộng đến các chủ thể nêu trên, trong đó có các Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu là cần thiết, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ”, đại biểu Ngàn Phương Loan nói.
Với vấn đề như đại biểu Ngàn Phương Loan nêu ở trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng cung cấp dịch vụ công, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, và tuỳ nội dung ký kết các văn bản, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ do pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng và pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị), thực tiễn ở các địa phương cấp xã và ở khu vực biên giới Việt - Lào tại tỉnh Quảng Trị trong nhiều năm qua đã xây dựng các mô hình kết nghĩa và đến nay trên địa bàn Quảng Trị và 2 tỉnh bạn Lào là Savannakhet và Salavan đã có 24 cặp kết nghĩa. Như vậy, còn có cấp dưới cấp xã có những kết nghĩa với nhau rất hiệu quả.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng tranh luận với ý kiến cho rằng chỉ có cấp huyện trở lên mới có đủ thẩm quyền để ký kết các thỏa thuận quốc tế, theo đó khẳng định thực tế cấp xã là cấp trực tiếp nhất để gắn bó, đoàn kết và có thể có những quan hệ rất cụ thể với các địa phương nước bạn ở dọc biên giới.
“Chúng ta có lo ngại nếu giao cấp xã thì cấp xã không đủ lực lượng, không đủ thẩm quyền, không đủ điều kiện để thực hiện các thỏa thuận quốc tế. Nói như vậy cũng chưa hoàn toàn đúng. Trong thực tiễn, việc hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, tuần tra cột mốc, quản lý biên giới, hỗ trợ nhau trong cứu hộ, cứu nạn, trong giao lưu giữa 2 bên biên giới và tăng cường đoàn kết hữu nghị, không chỉ đoàn kết ngoại giao về Nhà nước, về Đảng mà còn thực hiện ngoại giao nhân dân rất có hiệu quả”, đại biểu Thắng nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến đại biểu đã cho rằng đây là thực tế hiệu quả, giúp tăng cường hơn quan hệ giữa các xã ở khu vực biên giới với các nước láng giềng. Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đến khả năng năng lực của các xã biên giới khi ký thoả thuận. Dự thảo Luật đã nêu rất rõ các nội dung UBND cấp xã được ký kết thỏa thuận như giao lưu, trao đổi thông tin, hợp tác, quản lý biên giới theo Điều ước quốc tế Việt Nam đã ký với các nước láng giềng.
Thứ hai, thỏa thuận quốc tế được ký nhân danh UBND cấp xã khu vực biên giới này phải do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và cho phép. Tức là thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh. Quy định này khẳng định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh trong quản lý hoạt động đối ngoại trên địa bàn, rất phù hợp với chủ trương và quy định của Đảng, quy định của Pháp luật và Chính phủ thì sẽ cụ thể hóa nguyên tắc thống nhất quản lý đối ngoại với việc ký kết thoả thuận quốc tế.
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đồng tình với ý kiến của các đại biểu khác về việc bổ sung quản lý Nhà nước vào Điều 1 của dự thảo Luật.
“Những vấn đề liên quan đến thỏa thuận quốc tế, các hợp đồng đối ngoại, rồi những điều ước quốc tế là những vấn đề hệ trọng của đất nước. Cho nên, chúng ta phải có một sự quản lý Nhà nước chặt chẽ và cần đặt vào Điều 1 như một thứ tuyên ngôn”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến./.
Lê Lam/VOV.VN