Ngày 23/9/2020, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hỗ trợ Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cho 3 ca bệnh. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, sau khi tư vấn cho tuyến dưới và phía chuyên gia của BV Nhi Trung ương hỏi từng dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm, bệnh viện đã quyết định nhận 2 bệnh nhi lên tuyến trên điều trị, 1 bệnh nhân đã được hướng dẫn để điều trị tại chỗ.
“Trong 2 ca bệnh đưa lên Bệnh viện Nhi Trung ương có 1 ca trong tình trạng cấp cứu do bị nhiễm khuẩn huyết và bắt đầu có tình trạng suy thận và tổn thương thận. Bệnh viện đã can thiệp phẫu thuật kịp thời cho bé”-PGS.TS Trần Minh Điển cho biết.
Đẩy mạnh đào tạo y tế tuyến dưới
Theo PGS Trần Minh Điển, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa cũng đang trở thành hoạt động thường quy. Thời gian qua, Bệnh viện cũng đã kết nối được với nhiều bệnh viện nhằm giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến dưới. Cụ thể, bệnh nhân ở tuyến dưới được thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng, đọc kết quả cẩn thận, chính xác nhất sau đó đưa ra chẩn đoán và chiến lược điều trị phù hợp.
Theo ông Trần Minh Điển, có 4 mức độ để thực hiện khám chữa bệnh từ xa. Bằng những nền tảng công nghệ số, chúng ta hoàn toàn có thể kết nối những cuộc họp hai bên với nhau, truyền tải cho nhau những thông tin để có thể đưa ra những kết luận chẩn đoán và chữa trị cho người bệnh. Tùy tình hình và mức độ của bệnh nhân, bác sĩ trực tiếp điều trị quyết định chuyển bệnh nhân ngay hay để lại điều trị.
Để chương trình khám chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả, theo PGS Điển, cần đẩy mạnh đào tạo cho các bác sĩ tuyến dưới. “Đẩy mạnh hiệu quả đào tạo, bác sĩ tuyến dưới sẽ tinh thông hơn về nhận biết dấu hiệu lâm sàng, giỏi hơn về việc đọc các kết quả xét nghiệm máu, giỏi hơn về chẩn đoán hình ảnh, từ đó đối tượng duy nhất, hiệu quả mà chương trình đem lại là người bệnh được hưởng lợi. Họ sẽ được chẩn đoán chính xác hơn, được đưa ra các biện pháp điều trị an toàn hơn”- ông Điển cho biết.
TS.BS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù bệnh viện cũng là một trong những đơn vị đã triển khai telemedicine từ rất lâu. Tuy nhiên, theo ông Hùng, khám chữa bệnh từ xa vẫn là một hình thức còn khá mới mẻ. Vì vậy, để Đề án phát triển bền vững cần phải có nền tảng về: pháp lý, công nghệ và tài chính.
“Mong muốn từ người bệnh có thể trực tiếp tiếp cận được với bác sĩ từ xa thì chắc còn phải một chặng đường khá dài. Trong quá trình làm, chúng ta sẽ chuẩn hóa, sẽ hệ thống hóa để nó trở thành thường quy trong cuộc sống”-BS Hùng chia sẻ.
Nhận thấy mô hình khám chữa bệnh từ xa rất hiệu quả nên thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã có những phương án triển khai quyết liệt. Cụ thể, bệnh viện cũng đã có sự “cách tân”, đó là từ ca bệnh, từ những trường hợp cụ thể, bệnh viện sẽ hệ thống lại để chuyển giao, đào tạo, chia sẻ giúp tuyến dưới nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ.
“Song song với các cuộc hội chẩn trực tiếp với bệnh nhân, chúng tôi hệ thống hóa lại những khó khăn của các đơn vị tuyến dưới. Có những bệnh nhân cụ thể để làm ví dụ, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều, chứ không phải giải quyết một vài trường hợp cụ thể, sau đó chỉ dừng lại ở đó. Bên cạnh việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân cụ thể để đưa ra trong buổi hội chẩn, các thầy cũng lồng ghép đào tạo, tập huấn, giảng dạy online để có được hiệu quả tốt hơn”- BS Dương Đức Hùng cho biết.
Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của đề án này là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh và hỗ trợ chuyên môn từ các bác sĩ ở tuyến xã cũng như tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến dưới.
Khi Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được phê duyệt, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp bệnh viện trên toàn quốc cùng các giáo sư, thầy thuốc khẩn trương triển khai hoạt động.
Trong 2 tháng triển khai, hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, TP.HCM. Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo như Trường Sa, Cô Tô, Mường Nhé... đã đăng ký tham gia và được kết nối với các bệnh viện trung ương gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế...
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, thông qua các hoạt động khám chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên.
Theo Quyền Bộ trưởng, để lan tỏa và phát triển bền vững các hoạt động của chương trình khám chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc triển khai hiệu quả hoạt động này, đồng thời tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật… nhằm thực hiện thành công đề án này./.
Minh Khánh/VOV.VN