Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã có hiệu lực từ 1/1/2020, tuy nhiên, các văn bản liên quan vẫn đang được nghiên cứu ban hành. Đáng chú ý, tình trạng quảng cáo rượu bia tràn lan trên internet, mạng xã hội, thậm chí cả báo đài, truyền thông chính thống, buổi diễn ca nhạc mà không hề kèm theo khuyến cáo nguy hại.
Theo Bộ Y tế, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động. Bình quân đầu người quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít. Đặc biệt, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại với nam giới là 44,2% và nữ giới là 1,2%.
Dù rượu bia đã và đang gây ra nhiều hệ luỵ, tác động đến sức khoẻ người sử dụng, nhưng thức uống này vẫn đang được bày bán công khai và quảng cáo rầm rộ. Trên các trang mạng xã hội, người dùng không tìm kiếm hay truy cập những địa chỉ bán rượu bia nhưng có thể dễ dàng trông thấy các quảng cáo ở phần “được tài trợ”, “đề xuất” trên trang chủ.
Các sản phẩm rượu bia vẫn điềm nhiên tồn tại trong hệ thống các siêu thị, nơi trẻ vị thành niên có thể dễ dàng tiếp cận và mua được.
Anh Nguyễn Minh Tiến (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ họ đặt lợi nhuận lên đầu, vào mua là cứ thế họ bán thôi, có ai khuyến cáo là không uống rượu bia đâu. Tất nhiên là cũng có nhưng không phải cửa hàng nào cũng ghi thế cả”.
Trong khi đó, anh Lưu Minh Đức (Phường Hàng Bông, Hà Nội) nhận định, hiện trẻ vị thành niên rất phổng phao, khó nhận biết được độ tuổi thật. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất khó quản lý. Giới trẻ hoàn toàn có thể ở nhà, truy cập vào các trang thương mại điện tử để đặt mua và giao hàng tận nơi, trả bằng tiền mặt mà không gặp bất cứ khó khăn nào: “Để kiểm tra chứng minh thư mua rượu bia thì chưa có, thuốc lá cũng thế. Còn bán thì người ta còn uống, khó quản lý được cái đấy, cuối cùng phải là ý thức”.
Tại các cửa hàng tiện lợi, nơi thu hút phần lớn giới trẻ, nhiều loại rượu bia, đồ uống có cồn được trưng bày trong tủ kính, ở những nơi dễ nhìn, bắt mắt, có giá thành rẻ, khuyến mại, giảm giá. Một số bạn trẻ cho biết: “Em thấy quảng cáo rất nhiều, trên tivi, facebook rồi các trang web cộng đồng”.
“Em mua như nước ngọt bình thường thôi, không có gì cả, họ không yêu cầu gì”.
“Ai cũng muốn thử xem người nổi tiếng, idol của mình sử dụng như thế nào. Mình cũng muốn thử”.
Rõ ràng, rào cản tiếp cận rượu bia với giới trẻ, đặc biệt công cụ bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng của các loại hình quảng cáo đồ uống có cồn vẫn còn hết sức thô sơ.
Theo Nghị định 24/2020, quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cụ thể nội dung như sau: "Uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "Người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia".
Việc quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, đài phát thanh, sản phẩm quảng cáo rượu bia, ghi âm, ghi hình phải đọc rõ nội dung cảnh báo với tốc độ đọc tương đương tốc độ đọc các nội dung khác trong cùng một quảng cáo. Trên các báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phần cảnh báo bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo.
Việc quảng cáo rượu bia cần có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, tìm kiếm thông tin về rượu bia. Phải bảo đảm không hiển thị quảng cáo trước khi người truy cập, tìm kiếm thông tin khai báo tuổi; quảng cáo không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi.
Như vậy, quy định hiện hành đã bắt đầu chú ý kiểm soát chặt chẽ hơn các nội dung quảng cáo rượu bia. Tuy nhiên, số trường hợp bị xử lý vi phạm vẫn chưa được như mong đợi.
Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty luật Phạm Danh - nêu quan điểm: “Chúng ta đang thiếu những quy định của pháp luật cụ thể chi tiết trong lĩnh vực quảng cáo rượu, bia. Ngoài ra thì vấn đề thiếu sát sao trong công tác quản lý của cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc xử phạt về hoạt động quảng cáo rượu, bia trên mạng Internet và mạng xã hội không được hiệu quả”.
Theo Luật sư Phạm Thành Tài, từ ngày 15/11 tới, Nghị định số 117/2020 của Chính phủ với một số quy định cụ thể về xử phạt hành chính trong hoạt động quảng cáo rượu, bia nói chung, bao gồm cả hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử hoặc phương tiện điện tử nói riêng sẽ có hiệu lực. Song việc này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, nếu không rất khó để đảm bảo sự hiệu quả của Nghị định này.
“Ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, các cấp chính quyền cần thiết phải quan tâm đến hoạt động như tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, những tác hại của rượu, bia tới sức khỏe con người. Qua đó răn đe và nhắc nhở người dân có ý thức để tự giác bảo vệ cho chính mình và cộng đồng liên quan đến hoạt động kinh doanh quảng cáo hoặc là mua bán, sử dụng rượu, bia”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, rất nhiều quảng cáo rượu bia tại Việt Nam hiện nay dù có dòng chữ cảnh báo tác hại của rượu bia nhưng rất nhỏ, mờ nhạt, thời gian xuất hiện quá ngắn. Thực tế, rất nhiều chương trình quảng cáo rượu bia trên các đơn vị truyền hình, báo điện tử, mạng xã hội, hầu hết đều không đáp ứng được quy định theo Nghị định 24/2020.
“Một số quy định của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia về quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên mạng xã hội thì dường như bị buông lỏng, không thực hiện đúng những quy định của Luật. Thậm chí còn có những chiêu trò trá hình, lách luật trong việc quảng cáo rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội”.
Đáng chú ý, hiện nay trên các trang mạng xã hội có tình trạng người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên…chụp ảnh sử dụng rượu bia, hoặc để hình ảnh chai bia, chai rượu bên cạnh. Điều này không chỉ khuyến khích sử dụng rượu bia, mà còn dẫn đến sự hiểu nhầm rất nguy hiểm với giới trẻ rằng, uống rượu bia là biểu hiện của thành đạt, thân thiện.
Về vấn đề này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thành viên tổ soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, nhấn mạnh: Các hành vi như vậy đều được gọi là quảng cáo theo định nghĩa của Luật quảng cáo.
“Những người nổi tiếng người ta nói là không quảng cáo, không có nhận tiền của doanh nghiệp. Nhưng thực tế thì những hoạt động quảng bá các sản phẩm dù dưới hình thức nào đi chăng nữa thì nó vẫn là không được phép. Cho nên đây đều là những hành vi vi phạm”.
Bà Trần Thị Trang cũng chia sẻ, quảng cáo trên mạng xã hội là hình thức quảng cáo “không biên giới”, có khả năng tiếp cận mọi người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên và trẻ em. Nếu “thả nổi” hoạt động này, sẽ ảnh hưởng tới giới trẻ, tạo điều kiện cho việc mua các sản phẩm rượu bia qua mạng xã hội trở nên dễ dàng.
“Với thực trạng quảng cáo tràn lan trên mạng mà không tuân thủ các quy định thì ngoài vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, còn vi phạm các quy định về bảo vệ pháp luật, bảo vệ người tiêu dùng nữa. Tức là phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm để người dân biết về mức độ nguy hại của sản phẩm. Cho nên cái này là phải có tuyên truyền, đặc biệt là phải tăng cường rà soát, kiểm tra và xử phạt.”
Các chuyên gia đều nhất trí quan điểm: Đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ hơn để siết chặt vấn đề quảng cáo rượu bia, tránh ảnh hưởng không tốt tới nhiều thế hệ sau này.
Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: "Giới trẻ trong tầm ngắm của ngành công nghiệp rượu bia".
Việt Nam đã thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đưa ra một loạt các chính sách hạn chế tiếp cận đồ uống có cồn. Dù được đánh giá là cột mốc lớn, nhưng chính tổ soạn thảo thừa nhận: Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa dự thảo, văn bản Luật chính thức vẫn còn “yếu” so với khung pháp lý các quốc gia trong khu vực.
Điển hình là lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia. Đây là công cụ có thể làm ngay và sức ảnh hưởng trực diện, làm giảm lập tức lượng tiêu thụ đồ uống có cồn. Nhưng rất đáng tiếc vẫn chưa được cụ thể hóa trong Luật.
Hay giá quảng cáo rượu bia hiện còn rất thấp so với mặt bằng thế giới, chế tài với rượu bia dưới 15 độ cồn vẫn chưa mạnh và nghiêm. Địa điểm, giá, phương thức bán rượu bia không được quy định rõ mà giao cho chính quyền địa phương tùy điều kiện quy định.
Trong bối cảnh đó, hiện tượng quảng cáo rượu bia tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội mà không kèm theo khuyến cáo tác hại, hoặc làm khuyến cáo cho có, đang ảnh hưởng lớn đến nhận thức của giới trẻ.
Trên truyền hình, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những quảng cáo rượu bia làm quà biếu lại xuất hiện nhan nhản, gián tiếp khiến công chúng hiểu nhầm đó là một nét văn hóa!?
Trên Youtube, nhiều nghệ sĩ với lượng theo dõi lên tới hàng triệu người bằng cách này hay cách khác vẫn quảng cáo cho các nhãn rượu bia, khi thì được tài trợ video âm nhạc, khi thì là đại diện thương hiệu.
Những hình ảnh lồng ghép của thần tượng bên cốc bia trong video hay các show âm nhạc có thể in sâu vào tâm trí người hâm mộ, xóa nhòa sự thận trọng, cảnh giác, thậm chí thay đổi nhận thức về nguy hại của đồ uống có cồn.
Có thể thấy, sự can thiệp của ngành công nghiệp rượu bia dưới vỏ bọc “lợi ích kinh tế” đang ảnh hưởng quá sâu rộng vào các chính sách giảm tác hại. Ngay từ tên gọi của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng từng bị chất vấn, đòi đổi tên, rồi nhiều hội thảo giảm tác hại rượu bia lại được tài trợ bởi… chính doanh nghiệp rượu bia.
Càng đáng quan ngại hơn, khi các khách hàng đích của ngành công nghiệp này đang là giới trẻ. Trên mạng xã hội, một khi các thuật toán quảng cáo nhắm mục tiêu khách hàng trẻ tuổi, thì chơi gì, xem gì cũng khó lòng thoát khỏi “ma trận” giăng ra trên màn hình điện thoại, máy tính. Ở ngoài không gian mạng, các buổi diễn nghệ thuật, ca nhạc trong quán bar, pub, sân khấu lớn đều thấp thoáng bóng dáng các “ông lớn” rượu bia phía sau.
Nhận thức quyết định hành vi. Song song với việc lập hàng rào tiếp cận rượu bia qua mua bán, đặt hàng trực tiếp, các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa quảng cáo rượu bia đến với giới trẻ cần phải được kiểm soát và thực hiện mạnh mẽ.
Chúng ta không bảo vệ giới trẻ khỏi “vòng vây” của đồ uống có cồn, đồng nghĩa “buông súng” trước lợi ích sức khỏe của thế hệ tương lai./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN