Cần sớm tổ chức lại giao thông để xóa 'cung đường đen' cầu Thanh Trì

Cầu Thanh Trì thường xuyên ùn tắc và trở thành 'điểm đen' về tai nạn.

 

Nằm trên trục đường Vành đai 3, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với QL1A, QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Hiện lưu lượng hơn 120.000 xe/ngày đêm, vượt thiết kế ban đầu khoảng 8 lần. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cây cầu này thường xuyên ùn tắc và trở thành “điểm đen” về tai nạn.

Hiện trường một vụ tai nạn trên cầu Thanh Trì. Ảnh: Tuổi trẻ

Tổng hợp các nguồn tin từ thính giả đến Kênh VOV Giao thông cho thấy, gần như ngày nào cũng có tình trạng ùn tắc, va chạm hoặc sự cố xe xảy ra trên cầu Thanh Trì. Chỉ riêng 1 tuần từ ngày 14 đến ngày 20/9, 14 thời điểm được thính giả phản ánh về tình trạng ùn tắc, 6 vụ va chạm và 14 thông tin về xe gặp sự cố.

Còn theo thống kê của Cục CSGT, từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/4/2020, trên cầu Thanh Trì xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8 người, bị thương 14 người. Trong đó, 19 vụ tai nạn liên quan đến làn đường hỗn hợp dành cho ô tô con và xe xe máy.

Trước thực tế này, Cục CSGT đã đề xuất điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì. Cụ thể: bố trí mặt cầu thành 3 làn đường dành cho xe ô tô và 1 làn đường dành cho xe mô-tô, có dải phân cách mềm giữa làn xe ô tô và xe mô-tô; điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép tại làn xe ô tô từ 80km/h xuống 60km/h; điều chỉnh hệ thống vạch kẻ đường, biển báo hiệu cho phù hợp; thường xuyên tiến hành duy tu, bảo trì mặt cầu, khe co giãn, hệ thống đèn chiếu sáng, camera giám sát;…

Chia sẻ với Kênh VOV Giao thông, nhiều thính giả đồng tình với việc sớm điều chỉnh lại phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì để hạn chế ùn tắc và tai nạn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng: không nên bỏ dải phân cách cứng giữa làn ô tô và xe máy, chỉ nên dịch chuyển giải phân cách cứng theo hướng thu hẹp làn xe máy, tăng số làn ô tô từ 2 lên thành 3 làn: Dỡ giải phân cách ra thì xe máy còn sang cả làn cơ giới cơ, đi còn nguy hiểm hơn. Thu hẹp lại là hợp lý hơn, chỉ làn xe máy đi không thôi, đổi thành 3 làn ô tô thì tốt nhất.

Làn hỗn hợp cấm xe tải, nhưng mình thấy xe khổ lớn như container, xe ben lưu thông vào, rất nguy hiểm, mình chứng kiến mấy vụ tai nạn rồi. Mình thu hẹp làn xe máy là hợp lý nhất, chỉ đủ xe máy đi thôi là an toàn.

Đường trên đấy nhiều xe vượt nhanh, chạy tốc độ cao lắm, mà lại toàn vượt phải. Cần áp dụng hình thức phạt nguội tại đây.

Xe tải đi vào làn hỗn hợp trên cầu Thanh Trì dù có biển cấm. Ảnh do thính giả cung cấp

Chuyên gia giao thông, PGS. TS Doãn Minh Tâm cho rằng, bên cạnh việc tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì thì việc tổ chức giao thông ở 2 đầu cầu cũng rất quan trọng, nhằm đảm bảo lưu lượng xe qua cầu phù hợp với năng lực thông xe. Đơn vị tư vấn cần dựa trên số liệu khảo sát thực tế để xem cần dành sự ưu tiên về làn đường cho phương tiện ô tô hay xe máy, và nếu bỏ dải phân cách cứng giữa 2 làn xe này thì phải cân nhắc kỹ lưỡng: Phải đảm bảo nguyên tắc đủ điều kiện an toàn cho xe hai bánh thì mới cho đi chung. Nếu không, dải phân cách mềm không có ý nghĩa lớn khi đi bên cạnh những xe to. Việc quyết định phải qua kết quả khảo sát và tính toán của tư vấn.

Bên cạnh việc tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì, nhiều chuyên gia giao thông cũng bày tỏ, TP. Hà Nội cần tăng tốc thực hiện Dự án đường Vành đai 4 để giảm tải áp lực giao thông cho đường Vành đai 3 và cầu Thanh Trì.

Còn về phương án điều tiết giao thông, giải quyết sự cố trên cầu Thanh Trì, đảm bảo trật tự ATGT thời điểm hiện tại, trả lời phóng viên Kênh VOV Giao thông, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn (Phó Đội Trưởng Đội CSGT số 14, Công an TP. Hà Nội) cho biết: Chúng tôi đã bố trí lực lượng, tổ tuần tra, kiểm soát lưu động 24/24h và thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ cầu, Kênh VOV Giao thông và người dân để nắm thông tin sớm nhất, giải quyết sự cố trên cầu Thanh Trì làm sao đảm bảo an toàn, thống suốt./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận