Đề xuất này đang vấp phải một số ý kiến trái chiều từ các giáo viên dạy lái xe.
Nếu trong trường hợp trách nhiệm đào tạo, sát hạch và cấp GPLX được chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải sang cho Bộ Công an, Bộ Công an sẽ nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo lái xe theo hướng ngắn gọn, hiệu quả, đảm bảo tối ưu tận dụng thời gian, tài chính cho người học.
Trong đó, học viên sẽ được lựa chọn hình thức đào tạo và trung tâm sát hạch. Căn cứ chất lượng đào tạo, giáo viên và cơ sở vật chất để có hướng xử lý theo quy định pháp luật đối với cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch không đủ điều kiện.
Đặc biệt, Bộ Công an sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ sở đào tạo cũng như giáo viên dạy lái xe đối với chất lượng của học viên trong Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Cụ thể, trong trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, ngoài trách nhiệm chính thuộc về tài xế thì trung tâm và thậm chí cả giáo viên đào tạo ra tài xế đó cũng phải có trách nhiệm.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: “Kỹ năng điều khiển phương tiện đã có, nhưng kỹ năng an toàn vã xử lý tình huống của chúng ta hiện nay qua điều tra các vụ TNGT thấy rằng thực sự cần phải có một cuộc cải cách. Để làm được 1 giáo viên dạy lái xe chắc chắn phải yêu cầu rất cao và trách nhiệm rất lớn. Tới đây sẽ gắn trách nhiệm của từng cơ sở, từng giáo viên dạy lái, kể cả người sát hạch với chất lượng sản phẩm, công bố công khai để mọi người biết”.
Tuy nhiên, đề xuất này của Cục CSGT đang khiến nhiều giáo viên dạy lái xe băn khoăn. Theo anh Lê Phúc Thoại, giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm đào tại và sát hạch lái xe VOV chia sẻ: Trong quá trình đào tạo, trách nhiệm của người giáo viên là truyền đạt hết kiến thức và kinh nghiệm cho học viên.
Trong thực tế, lái xe khi tham gia giao thông phải chịu nhiều áp lực, yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý. Vì vậy sẽ không công bằng nếu giáo viên bị quy trách nhiệm khi học sinh để xảy ra tai nạn giao thông.
“Trong quá trình học, các bạn học rất tốt, khi lái xe các bạn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan như tâm lý, sức khỏe, bối cảnh ngoại cảnh, khi tham gia giao thông có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến. Quy trách nhiệm sang giáo viên và trung tâm đào tạo lái xe cùng chịu trách nhiệm với người gây tai nạn giao thông là chưa được thỏa đáng và hợp lý”, anh Lê Phúc Thoại nói.
Còn theo anh Trung Nguyên, một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại Hà Nội cho biết: Nếu giáo viên bị phân theo cấp hạng sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần và chất lượng giảng dạy của giáo viên: “Chẳng giáo viên nào muốn học sinh của mình gây tai nạn cả, cũng không thể đảm bảo chắc chắn 100% các bạn lái xe không gây tai nạn. Cái này thuộc về ý thức của mỗi người. Trong trường được học rất kỹ về kiến thức, đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng khi học xong, ra ngoài đường lái xe lại sử dụng rượu bia hay chất kích thích thì tại sao lại trách ngược lại giáo viên?”
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, mỗi vụ tai nạn sẽ có các tình huống khác nhau, mức độ khác nhau. Nếu gây tai nạn bởi nguyên nhân chủ quan như: yếu kém do sử lý của lái xe, thiếu kỹ năng xử lý tình huống hay các vấn đề liên quan đến đạo đức của người lái xe thì cần phải đánh giá lại chất lượng đào tạo lái xe có vấn đề.
Tuy nhiên, trong thực tế, có nhiều tình huống rất khó xử lý khi tham gia giao thông. Bởi vậy, nếu quy trách nhiệm vụ tai nạn cho các giáo viên lái xe thì lực lượng Công an cần phải cực kỳ khách quan và hợp lý.
“Người ta cần xem lại các trung tâm đó có đảm bảo các chương trình hợp lý, khoa học, đầy đủ, nghiêm túc hay không? Hoặc người lái xe đó có học đủ chương trình hay không, thậm chí có cả bằng giả nữa. Trong thực tế, khi lái xe ra đường rất phức tạp vì vậy việc phân tích đánh giá phải cực kỳ khách quan, hợp lý, chứ không phải tất cả các trường hợp xảy ra tai nạn đều do lái xe yếu kém”, Nguyễn Xuân Thủy nói
Có thể thấy, công tác đánh giá lại năng lực và chất lượng đào tạo lái xe là điều cần thiết. Tuy nhiên việc quy trách nhiệm cho trung tâm và cả giáo viên đào tạo ra tài xế gây tai nạn đang gần như bất khả thi.
Bên cạnh đó, những điều kiện khách quan và chủ quan cần phải được phân tích rõ ràng bởi mỗi tài xế ngồi sau vô lăng sẽ phải chịu những áp lực khác nhau mà trong các bài học của nhà trường không có./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN