TP.HCM: Các tuyến đường vành đai chờ hoài chưa kết nối

  • 09/10/2020 06:23:25
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

10 năm qua, 3 dự án đường vành đai ở TP.HCM vẫn dang dở.

 

Khi những tuyến đường vành đai được kết nối sẽ tăng khả năng liên kết vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh; hạn chế xe vào trung tâm thành phố, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Tuy nhiên đến nay dự án đều trễ hạn, rất cần một giải pháp căn cơ, để triển khai hoàn thành các dự án còn dang dở này.

3 dự án đường vành đai tại TP. Hồ Chí Minh được đánh giá đặc biệt quan trọng và rất cấp bách.

Tuy nhiên suốt 10 năm qua dự án đường vành đai 2 vẫn chưa thể khép kín, trong khi đó dự án tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 thực chất cũng chỉ dừng ở quy hoạch.

Việc thiếu hụt nghiêm trọng hệ thống các tuyến đường vành đai được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc ùn tắc, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại thành phố này. Vậy nguyên nhân chậm tiến độ là do đâu?

HĐND TP.HCM yêu cầu khép kín vành đai 2 vào năm 2020, tuy nhiên với tiến độ hiện nay, dự án khó đáp ứng. Ảnh: Zing

Trong những năm gần đây, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế thì áp lực về vấn đề giao thông vẫn đang là bài toán nan giải và chưa có lời đáp của Thành phố Hồ Chí Minh. Tốc độ dân số tăng lên rất nhanh trong khi hạ tầng giao thông phát triển không đồng bộ, không đáp ứng đủ nhu cầu, dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng tại một số tuyến đường. Các dự án đường vành đai được sinh ra như một “mảnh ghép” hoàn hảo để tháo gỡ những khó khăn mà thành phố đang vướng phải, đồng thời tăng tính liên kết vùng để tạo động lực phát triển kinh tế cho Thành phố.

Tuy nhiên đã hơn 10 năm nay, tuyến đường vành đai 2 vẫn chưa được khép kín. Đoạn được đầu tư thi công đang tạm ngưng, còn những đoạn chưa được triển khai thì vẫn đang nằm chờ để được đầu tư.

Theo quan sát của phóng viên VOVGT, tại công trường đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức) những chiếc xe xúc bỏ không, cùng những căn nhà lá chưa được giải tỏa. Hàng rào bị xô đổ, đất trồi sụt.

Chị Thái Thị Hằng sinh sống tại khu vực bức xúc trước dự án có giá trị đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng của thành phố: "Cuộc sống bị ảnh hưởng, ngập lụt đâu có đi ra được đâu, con tôi đi làm bằng xe Honda rồi nó về đâu có được. Nay là nắng mấy ngày mới khô đó, còn mấy bữa hổm sình nó lên một khúc, nhà cửa thì nứt hết, nghiên qua một bên luôn".

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Thanh Tùng - Công ty cổ phần Văn Phú - Bắc Ái (chủ đầu tư dự án) cho biết, vấn đề giải phóng mặt bằng đang gặp phải nhiều khó khăn: "Với những mặt bằng mà nhà đầu tư đã tiếp nhận từ địa phương là đã triển khai thi công hết công điện và không còn mặt bằng để thi công nữa. Những thiết bị mà nhà thầu thi công tập kết về để thi công từ đầu công trình là đã có rất nhiều thiết bị đã phải dừng chờ đợi".

Trong khi đó, việc khép kín đường Vành đai 2 được ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP.HCM xác định là nhiệm vụ cấp bách nhưng đến nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được thông qua, nhưng các dự án dạng BT (xây dựng - chuyển giao) vẫn chưa có hồi kết: "Việc khép kín đường Vành đai 2 được TP xác định là nhiệm vụ cấp bách nhưng đến nay đang phải đối mặt với khó khăn đó chính là BT (xây dựng - chuyển giao), giờ BT rút ra khỏi PPP thì xem như chịu chết. Hiện nay nhà đầu tư thi công Văn Phú Bắc Ái đang đứng chựng lại. Cái kết nối giao thông giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác đang gặp rất nhiều khó khăn".

Một đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (đường vành đai 3) giao với quốc lộ 1 tại nút giao Tân Vạn, Bình Dương - Ảnh: Tuổi trẻ

Bên cạnh đó, tuyến đường Vành đai 3 cũng không khá hơn. Việc triển khai các đoạn đều bị chậm so với tiến độ đã được Thủ tướng phê duyệt ngày 28/9/2011. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 89,3 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP.HCM sẽ được xây dựng hoàn thành trước năm 2020, nhưng đến nay chỉ mới làm được 16,3km đoạn qua địa phận tỉnh Bình Dương. Riêng vành đai 4 kết nối liên vùng mới ở khâu lập quy hoạch.

Giải quyết khó khăn đối với đường vành đai 3, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP cho biết thêm: Nguồn vốn đầu tư cho dự án này đang gặp nhiều khó khăn, hiện Thành phố đề xuất cho trung ương ứng kinh phí dự kiến gần 3.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách của TP; các nguồn lực tài chính hợp pháp khác vay trong phạm vi quy định để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Vì đây là tuyến đường mang tính “chiến lược” để tạo liên kết vùng: "Hiện nay bức xúc nhất là tuyến đường vành đai 3, Thành phố đã sẵn sàng bỏ ra 3000 tỉ để cho trung ương tạm ứng để giải phóng mặt bằng. Thành phố đã xác định tuyến đường vành đai 3 tác động đến thành phố rất lớn, cho nên TP đã báo cáo thường vụ, xin ý kiến cho trung ương mượn 3000 tỉ để giải phóng mặt bằng, nhưng mà hiện nay tiến độ này vẫn còn rất chậm".

Có thể thấy từ việc chậm giải phóng mặt bằng,thiếu hụt nguồn vốn đầu tư là những rào cản dẫn đến các tuyến vành đai của TP.HCM vẫn ì ạch trong ngần ấy năm. Điều này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng ùn tắc giao thông của thành phố.

Với TP.HCM thì các tuyến đường vành đai như mạch máu chính của giao thông đường bộ, giúp giải thoát giao thông 2 chiều từ ngoài vào nội ô và từ trong nội ô ra ngoài, ngăn chặn tình trạng ùn tắc ở khu vực cửa ngõ.

Đây cũng chính là đều mà nhiều người dân Thành phố đang tha thiết lúc này: "Ai chẳng muốn đất nước mình đường xá cho nó khang trang đi lại cho nó sung sướng, tội gì mà mình khổ đi lại tắt đường giao thông quan điểm của chú thì cũng giống mọi người thôi, ai cũng giống ai cả thôi".

"Người dân hay các bác tài lái xe trên mọi miền cũng vậy, ai cũng mong muốn tuyến đường vành đai cho khép kín để đỡ lượng phượng tiện giao thông kẹt ở mấy tuyến đường cao điểm".

"Muốn cơ quan chức năng có hướng giải quyết làm lẹ cho anh em tài xế lúc chiều về nó đỡ kẹt đường, cho anh em đỡ phải khố đi".

Đường vành đai 4 mới chỉ hoàn thành một đoạn ngắn tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Tuổi trẻ

Khi những tuyến đường vành đai được kết nối sẽ tăng khả năng liên kết vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh; hạn chế xe vào trung tâm thành phố, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Bên cạnh đó còn thúc đẩy kinh tế vùng phía Nam, hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh hơn cho TP.HCM Tuy nhiên đến nay dự án đều trễ hạn, rất cần một giải pháp căn cơ, để triển khai hoàn thành các dự án còn dang dở này.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Các tuyến đường vành đai của TP.HCM chờ hoài vẫn chưa kết nối"

Những ngày này, Kênh VOV Giao thông vào các giờ cao liên tục nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn của thính gỉa gọi về chia sẻ tâm tư khi hầu hết các ngã ba, ngã tư, tuyến đường trọng điểm của TP.HCM đều bị kẹt xe, ùn tắc kéo dài. Nhiều hôm gặp phải trời mưa, nhìn hàng đoàn người xe ướt sũng, rồng rắn nhích từng chút một trong mưa lạnh ai cũng đều thấy xót xa. Ùn tắc, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh không dễ quên với nhiều người; làm hao tốn nhiều công sức, của cải; thiệt hại về vật chất và tinh thần là khó đo đếm.

Nhận thức rõ bức xúc này, TP.HCM đã tập trung nhằm mở thêm các tuyến đường vành đai để chia sẻ bớt với giao thông nội đô.

Tuy nhiên, hiện nay, sau gần 13 năm được quy hoạch hoạch và xây dựng, hiện toàn tuyến vàng đai 2 vẫn còn 11km (chia làm 4 đoạn) chưa được khép kín. Khiến giao thông nội đô của thành phố không được chia sẻ; xe từ ngoài vào, từ trong ra liên tục gây ách tắc cục bộ.

Nguyên nhân ngoài khâu giải phóng mặt bằng thì chính sách thay đổi cũng khiến cho nhiều đoạn chịu cảnh” đứng hình”. Điển hình như đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng - nút giao thông Gò Dưa (Q.Thủ Đức) dài gần 3 km bắt đầu thi công cách đây 3 năm giờ cũng nằm im chờ vốn ngân sách do không thể làm theo hình thức BT như hợp đồng đã ký vì luật đã thay đổi.

Đối với đường vành đai 3, 4, thành phố đã kiến nghị Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hơn 154 ngàn tỷ đồng để kết nối vùng; đi qua nhiều tỉnh, thành nhằmtạo ra độ mở cho giao thông kết nối liên vùng. Theo đó, đường vành đai 3 dài gần 90 km, gồm 4 đoạn với tổng vốn khoảng 55.000 tỉ đồng, đi qua 4 địa phương.

Tuy nhiên hiện cũng chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (Bình Dương) dài 16 km được đầu tư. Đường vành đai 4 dài gần 200km đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 99.000 tỉ đồng nhưng chỉ có một đoạn hơn 30 km từ Bến Lức - Hiệp Phước đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại thậm chí còn chưa triển khai nghiên cứu.

Lo ngại cho sự chậm trễ cho các tuyến đường vành đai, mới đây, TP.HCM đã nhiều lần đề xuất tìm các nguồn vốn để giải quyết, trong đó có cả cơ chế ứng trước ngân sách của thành phố để giải phóng mặt bằng cho đường vành đai 3 nhưng qua nhiều bước thủ tục vẫn chưa được phê duyệt.

Rõ ràng giao thông kết nối liên vùng thông qua các tuyến đường vành đai của TP.HCM là một yêu cầu cấp bách, giúp các phương tiện khi di chuyển đi các tỉnh lân cận sẽ đi theo đường vành đai, không phải vào đường xuyên tâm của nội đô gây ách tắc như hiện nay. Tạo ra thế linh hoạt về giao thông, giảm lưu lượng phương tiện, thúc đẩy cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL phát triển.

Như vậy, sự chậm trễ trong việc hình thành các tuyến đường vành đai đang là một lực cản rất lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội của TP.HCM nói riêng và cả vùng Đông và Tây Nam bộ nói chung; gây thiệt hại gián tiếp đến nền kinh tế đất nước khi giao thông không thể kết nối, thông suốt.

Do vậy, TP.HCM với trách nhiệm của mình cần sớm giải quyết các khó khăn vường mắc để khép kính đường vành đai 2 trong thời gian ngắn nhất. Các tuyến vành đai 3,4 cần được Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tham mưu kịp thời cho Quốc hội và Chính phủ sớm tìm các nguồn lực để đầu tư, triển khai như kế hoạch; giúp thành phố giải quyết bài toán tắc đường kẹt xe.

Đồng thời mở ra cơ hội cho sự phát triển liên vùng; tránh được tình trạng các tuyến đường vành đai của TP nói hoài mà vẫn chưa khép kín như hiện nay./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận