Trong đợt thanh tra trên diện rộng của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng đã thu hồi được 9.000 SIM rác, ước tính trên thị trường hiện có khoảng 6,8 triệu thẻ SIM nghi vấn có thông tin không chính xác lưu thông trên thị trường hay còn gọi là SIM rác, chiếm khoảng 5% thuê bao đang hoạt động.
Việc sở hữu một thẻ SIM điện thoại mới đối với người dân hiện nay khá dễ dàng. Chỉ cần ghé vào các đại lý bán SIM điện thoại nằm trên phố Kim Mã hay trong các cửa hàng bán điện thoại di động, thậm chí chỉ cần một cuộc điện thoại hay một cái nhấn chuột trên trang thương mại điện tử, thẻ SIM điện thoại có thể được mang tới tận nơi.
Những chiếc SIM điện thoại đã được đăng ký thông tin hoặc kích hoạt sẵn thuê bao, người mua có thể sử dụng ngay lập tức. Một số người dân cho biết lí do mua những SIM này: "SIM đấy bây giờ thấy họ bán cũng nhiều.SIM rác thì giá rẻ, sim đăng ký đắt hơn một tý".
"Cháu dùng nhiều SIM lắm, từ xưa đến giờ chục cái SIM. Vì thấy dùng cũng không ảnh hưởng gì lắm, gói mạng có thể nhiều hơn các SIM khác".
"Bởi vì cái đó tiện cho mình với người ta không tra được thông tin của mình".
Trong vai một người mua hàng có những băn khoăn về những thông tin đăng ký thẻ SIM điện thoại không đúng với người sử dụng có thể gây ra tình trạng tranh chấp số điện thoại về sau này, phóng viên VOVGT được một người bán hàng tại một cửa hàng sửa điện thoại trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân giải thích: "Giờ 1 cái chứng minh thư đăng ký cả trăm số ai nhớ hộ chị. Sau một thời gian chị muốn chính chủ chị lại mang chứng minh thư ra, chị cấp 5 số hay liên lạc trong vòng 3 tháng người ta đăng ký cho chị thôi".
Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, sở dĩ vẫn có số lượng lớn các SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao và kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước là do một số đại lý viễn thông chạy theo lợi nhuận. Các đại lý này tự đăng ký hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sau đó bán lại kiếm lời.
Ngoài ra, các nhà mạng vẫn để xảy ra nhiều trường hợp một người dùng Chứng minh thư nhân dân đăng ký nhiều sim. Công tác kiểm tra, giám sát của các doanh nghiệp viễn thông đối với các đại lý, đại lý ủy quyền còn nhiều bất cập.
Ông Hoàng Viết Tiến - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam phân tích, theo quy luật cung cầu của thị trường, có cầu ắt có cung, nên nhu cầu của người dân về SIM rác là nguyên nhân chính khiến thị trường này vẫn tồn tại lâu nay: "Nguyên nhân là hành vi tiêu dùng của người dùng và hành vi của các doanh nghiệp quảng cáo, họ chỉ nghĩ rằng SIM rác đó là công cụ, họ chưa ý thức được SIM gắn với ID của mình.Một số đơn vị quảng cáo chạy theo lợi nhuận nhiều hơn".
Để hạn chế và ngăn chặn tình trạng SIM rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện nhiều biện pháp thanh tra, xử phạt các đại lý, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vi phạm. Bộ cũng đã có văn bản nhắc nhở những người đứng đầu các doanh nghiệp thông, yêu cầu các doanh nghiệp rà soát và xử lý nghiêm các đại lý vi phạm.
Từ ngày 1/6/2020, các doanh nghiệp viễn thông đã dừng bán bộ hòa mạng tại các đại lý ủy quyền và dừng đấu nối thuê bao của các đại lý ủy quyền. Thay vào đó, các thẻ SIM điện thoại mới chỉ được bán và đăng ký thông tin thuê bao tại những điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của các nhà mạng.
Một số ý kiến cho rằng, cách làm này có thể giúp các nhà mạng kiểm soát thông tin thuê bao của những người dùng mới, nhưng vẫn khó kiểm soát đối với những thẻ SIM điện thoại đã được đại lý mua và kích hoạt sẵn trước đó. Phân tích về bất cập này, Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc công ty Luật Phạm Danh cho biết: "Theo quy định hiện nay không có quy định thu hồi hay xử lý các SIM đã được kích hoạt trước đó. Đây chính là lỗ hổng lớn trong quy định của pháp luật cũng như trong việc quản lý và ngăn chặn SIM rác của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Theo tôi cần có những biện pháp xử lý hoặc thu hồi các SIM đã được kích hoạt mới có thể xử lý triệt để các SIm rác như hiện nay".
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cần coi thẻ SIM điện thoại như một mặt hàng tiêu dùng cần phải quản lý chặt chẽ, có sự phối hợp của các đơn vị quản lý thị trường và cơ quan công an. Bởi, đây chính là nguồn phát sinh các cuộc gọi rác, tin nhắn rác từ các tổ chức, cá nhân kinh doanh quảng cáo đang là nỗi ám ảnh lâu nay của người tiêu dùng. Bởi vậy, ông Hùng đề xuất: "Nhà nước nên có biện pháp quản lý cả những cái sim như vậy thì làm sao tránh hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng. Trước hết là về mặt phải đưa vào hành lang pháp lý, đã trên cơ sở đó các cơ quan kể cả các công ty dịch vụ viễn thông thì phải có căn cứ vào đấy để có biện pháp quản lý, bảo đảm".
Được biết, mới đây, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải áp dụng định danh khách hàng điện tử từ ngày 15/9.
Đồng thời với những nhà mạng để SIM rác tràn lan, đơn vị này cũng đề xuất Bộ Thông tin và truyền thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý trách nhiệm người đứng đầu và không cấp phép triển khai các dịch vụ mới.
Thị trường viễn thông truyền thống đã có những giai đoạn phát triển nóng trong thập kỷ qua khi các doanh nghiệp đều chạy đua với số lượng thuê bao di động mới nhằm tăng thị phần. Nhưng mặt trái của nó là sự tồn tại của hàng triệu SIM rác, là nguồn gốc của hàng chục triệu tin nhắn rác, cuộc gọi rác gây phiền hà cho người dùng mỗi ngày.
Ngặn chặn và xóa bỏ SIM rác cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các cơ quan liên quan, để tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch.
Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận với nhan đề: Dẹp sim rác - nếu muốn chặn “tin nhắn, cuộc gọi rác”:
Nghị định 91 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/10 với những quy định cụ thể, mức chế tài xử phạt lên tới 100 triệu đồng là một trong những giải pháp mạnh mẽ đối với “cuộc chiến” tin nhắn rác, cuộc gọi rác, nhưng điều đó chưa đủ.
Ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác sẽ chỉ thực hiện triệt để nếu như các cơ quan quản lý, doanh nghiệp viễn thông “xóa bỏ” triệt để khoảng 7 triệu SIM rác trên thị trường.
Sự tồn tại của thị trường SIM rác là hệ quả của quá trình phát triển “nóng” của thị trường viễn thông truyền thống. Trong 10 năm gần đây, để cạnh tranh giành giật lấy thị phần, các nhà mạng liên tục tung ra những chương trình khuyến mại, tỷ lệ chiết khấu cao cho các đại lý viễn thông nhằm phát triển thuê bao mới. Đã có không ít các cuộc thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp viễn thông, nhưng mức xử phạt vài trăm triệu đồng, chỉ là con số quá nhỏ so với lợi nhuận khổng lồ mà các doanh nghiệp có được.
Quản lý thị trường SIM rác sẽ chỉ thực hiện được khi thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với sự phối hợp của nhiều ban ngành:
Trước hết, các cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác phòng chống SIM rác. Những lỗ hổng trong các quy định về đăng ký sử dụng thuê bao cần được bổ sung, thay thế bằng những quy định mới chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường tiếp tục giám sát và kiểm tra xử lý nghiêm các đại lý viễn thông vẫn tiếp tục các hoạt động kinh doanh, buôn bán SIM rác. Việc xây dựng Bộ công cụ đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp nên chuyển dịch từ tiêu chí về số lượng thuê bao sang tiêu chí về chất lượng dịch vụ.
Thứ hai là, yêu cầu sự tự giác của các đơn vị viễn thông. Là người phát hành ra các thẻ SIM, các doanh nghiệp viễn thông hơn ai hết, phải là người nắm rõ nhất số lượng các thuê bao đang tồn tại trôi nổi trên thị trường và có trách nhiệm với số lượng thuê bao này.
Chỉ khi, các doanh nghiệp viễn thông không chạy theo mục tiêu mở rộng thị trường, các đại lý viễn thông không chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà tập trung vào việc nâng cấp và cải thiện chất lượng dịch vụ, thì ắt sẽ có những biện pháp để rà soát, siết chặt tình trạng SIM rác.
Ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật để thúc đẩy, nâng cao độ chính xác trong nhận dạng, đăng ký thông tin thuê bao cũng là một giải pháp cần phải áp dụng rộng rãi trong điều kiện phát triển hiện nay.
Ở góc độ người tiêu dùng, chừng nào người tiêu dùng ý thức được, việc sử dụng những SIM được đăng ký bằng những thông tin của người khác có thể đối mặt với những rủi ro về lộ những thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và ngay cả nguy cơ bị mất số điện thoại bất kỳ lúc nào, thì mới có thể ngừng tiếp tay cho việc bán SIM rác.
Không thể phủ nhận, các doanh nghiệp viễn thông đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế trong những năm qua.
Tuy nhiên, khi sự tăng trưởng đi kèm với những biểu hiện thiếu bền vững, thiếu an toàn cho người dùng cuối và cho xã hội thì đã đến lúc, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để quản lý và chấn chỉnh kịp thời, nhưng trên hết, phải là sự thay đổi trong nhận thức của các doanh nghiệp viễn thông, mà ở đó, doanh nghiệp đặt quyền lợi và sự công bằng cho người dùng cuối làm trung tâm của sự phát triển bền vững, lâu dài./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN