Lạm thu đầu năm: Quy định xử lý nghiêm vì sao vẫn xảy ra?

  • 08/10/2020 05:42:12
  • Thu Hiền/VOV1
  • Xã hội
  • 0

Tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn tái diễn. Vì sao quy định yêu cầu xử lý nghiêm mà tình trạng lạm thu đầu năm học vẫn xảy ra?

 

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020 - 2021 ngay từ đầu năm học mới, trong đó quy định xử lý nghiêm nếu phát hiện trường nào để xảy ra lạm thu, nhưng tình trạng lạm thu vẫn tái diễn.

Phổ biến nhất là tình trạng thu dưới dạng “xã hội hóa”, thu tự nguyện và dưới danh nghĩa hội phụ huynh… Đơn cử như mới đây một phụ huynh ở Trường THPT Trương Định (Hà Nội) từ chối đóng khoản tiền tự nguyện của hội phụ huynh lớp đưa ra là 700.000 đồng nên đã bị một số phụ huynh khác lăng mạ, tẩy chay. Trước đó, hàng loạt các vụ việc liên quan đến lạm thu khác cũng được các cơ quan truyền thông phản ánh như vụ thu tiền ghế của học sinh ở Trường THCS Bình Chánh, TP.HCM. Hay có nơi giáo viên “gợi ý” phụ huynh mua bảng tương tác bằng cách cho phụ huynh xem sự sinh động của bài học với bảng tương tác này và gợi ý số tiền đóng lên tới tiền triệu. Các khoản thu được đưa ra như mua điều hòa, trang trí lại lớp học, thuê dọn dẹp vệ sinh… thì phổ biến.

Trước nhiều khoản lạm thu đầu năm học, phụ huynh bức xúc nhưng không dám nói ra vì sợ ảnh hưởng đến con em mình.

Nhiều phụ huynh còn phản ánh một số trường nêu một số đầu mục cần thu và đề nghị phụ huynh họp ký đồng ý, trong đó có khoản đóng 30.000 đồng/tháng/học sinh cho dịch vụ sổ liên lạc điện tử theo hình thức tin nhắn điện thoại. Nếu một trường có 1.000 học sinh thì mỗi tháng cũng thu đến 30 triệu đồng. Vì thế một số phụ huynh bày tỏ không đồng tình.

Tiếng là tự nguyện, phụ huynh dù không muốn nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” chấp nhận đóng tiền cho con, không dám công khai lên tiếng. Vì nếu dám có ý kiến khác, các bậc phụ huynh lo lắng con em mình sẽ bất lợi khi đi học. GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam phân tích: “Họ sợ nói ra sẽ ảnh hưởng đến con em mình. Phụ huynh không dám nói, nhưng nếu có luật pháp mà khi phát hiện là nếu như con của tôi mà có một cái gì đó gây bất công, đánh giá không công bằng so với học sinh khác, tôi có thể kiện lúc đó người phụ trách phải chịu hình phạt hình sự thì chắc là chuyện này sẽ bị giảm đi”.

Liên quan tới vấn đề lạm thu, mới đây tại cuộc họp báo thường kỳ quý III năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngày 27/8, Bộ GDĐT ban hành công văn chấn chỉnh thực hiện các khoản thu đầu năm học 2020 - 2021. UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng lạm thu.

Trong văn bản chấn chỉnh lạm thu, năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu quy định xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu xảy ra tình trạng lạm thu nhưng năm nào cũng vẫn xảy ra tình trạng này. Quy định của Bộ chỉ “nghiêm” trên văn bản giấy tờ. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Nói là xử lý nghiêm nhưng đã có vụ việc nào xử lý nghiêm chưa? Chế tài chưa nghiêm minh, nói chung chung, không minh bạch rõ ràng cho nên người ta không sợ. Nơi nào mà như thế cách chức hiệu trưởng thì chắc chắn hiệu trưởng chẳng dám để xảy ra chuyện như vậy”.

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, từ những câu chuyện xảy ra trong thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc xem xét lại các quy định và giám sát chặt chẽ việc thu chi ở các trường hiện nay. Liệu việc áp dụng quy định hiện hành có phải là hình thức, hay còn lỗ hổng chỗ nào khác? Cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Đặc biệt, khi phát hiện thông tin lạm thu, cần xử lý nghiêm, cách chức người đứng đầu nhà trường để răn đe. Về phía các bậc phụ huynh phải dũng cảm lên tiếng từ chối đóng những khoản tiền sai quy định.

Các khoản thu xã hội hóa đầu năm học là nỗi ám ảnh với nhiều phụ huynh.

“Tính nghiêm túc, tính công khai, minh bạch trong chi tiêu giáo dục đang có rất nhiều vấn đề. Bộ phải có quy định rất cụ thể là thu cái gì, còn cái gì không được thu. Có nhiều cái thu và ép người ta phải đóng tiền một cách rất vô lý. Hơn nữa, bây giờ mùa Covid-19 nên lại càng không nên lạm thu, vì rất nhiều phụ huynh học sinh việc làm ăn đình đốn. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, bên Mặt trận phải đứng ra để bảo vệ quyền lợi người đi học. Nếu không thể giải quyết được phải đưa ra Hội đồng giáo dục”, GS.TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh.

Lạm thu đầu năm học không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của ngành giáo dục, mà còn gây ra tâm lý nặng nề, thậm chí bức xúc cho nhiều phụ huynh học sinh và cả xã hội. Xin nhắc lại ý kiến của phụ huynh: “Quỹ chỉ là khoản tiền phụ đừng để khoản phụ mà lại trở thành vấn đề chính đối với phụ huynh hiện nay”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận