Mặc dù mới nhập trường được 2 tuần, các sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội đã được học thực hành trên máy. Hào hứng với môn học thực hành nghề điện, em Bùi Minh Vượng, sinh viên năm thứ nhất chia sẻ lý do chọn học trường nghề: “Em quyết định theo học nghề điện trước tiên vì em đam mê nghề này từ nhỏ. Ngoài ra, em chọn trường nghề còn do khả năng kinh tế của gia đình, và sau đó là dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Theo tìm hiểu của em thì học ngành này sau khi ra trường rất dễ xin việc, tỷ lệ có việc làm cao”. Bùi Minh Vượng là một trong những sinh viên có điểm thi tốt nghiệp cao với số điểm trên 24 điểm 3 môn, khả năng đỗ đại học cao nhưng vẫn chọn trường nghề.
Lý giải về việc nhiều học sinh có điểm thi tốt nghiệp cao nhưng vẫn chọn học trường nghề, ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội cho rằng, do công tác tư vấn tuyển sinh phân luồng học sinh những năm gần đây đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ tư vấn trực tiếp, nhà trường còn có hình thức tư vấn trực tuyến trên web. Số lượng sinh viên nhập học thời điểm này so với năm ngoái cao gấp 2 lần. Những nỗ lực và kết quả của ngành giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi nhận thức của cả phụ huynh và học sinh. Để thay đổi được nhận thức của phụ huynh và học sinh, các trường nghề đã chứng minh được chất lượng những khóa học sinh viên ra trường có việc làm ổn định với mức lương hấp dẫn.
“Chúng tôi quan niệm chất lượng nhà trường thì phải để xã hội, doanh nghiệp, người học và phụ huynh đánh giá, thừa nhận. Để chất lượng nhà trường được công nhận, chúng tôi xác định rõ trên tinh thần phục vụ, một nhà trường phục vụ, một nhà trường linh hoạt và mở, đào tạo linh hoạt theo nhu cầu. Mở, lúc nào cũng chào đón doanh nghiệp tham gia cùng, mời chào thí sinh nào muốn học nghề, xin mời vào chúng tôi sẽ đào tạo và chúng tôi cam kết không để sinh viên thất nghiệp”, ông Đồng Văn Ngọc khẳng định.
Bên cạnh những ngành nghề đang đào tạo, một số trường nghề cũng mở thêm nghề mới như ngành: Thương mại điện tử, cơ điện tử, thiết kế đồ họa, điện tử công nghiệp, nhằm phục vụ xu hướng thị trường với nhiều chương trình đào tạo quốc tế hấp dẫn, chương trình vừa học vừa đi làm tại doanh nghiệp giúp sinh viên có thêm kỹ năng và thu nhập. Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, đây cũng là một trong những điểm đổi mới hấp dẫn và thu hút học sinh đăng ký học trường nghề. Nhà trường đã xây dựng một mạng lưới doanh nghiệp do Trung tâm hỗ trợ việc làm và quan hệ doanh nghiệp phụ trách. Trong số hơn 300 doanh nghiệp liên kết với nhà trường, có nhiều doanh nghiệp lớn như Toyota, Vinfast, Samsung, Huyndai và nhiều doanh nghiệp lớn khác. Qua đó giúp nâng cao chất lượng đào tạo của sinh viên.
Ông Nguyễn Văn Huy cho biết: “Tiêu chí nhà trường hiện nay là đào tạo những gì doanh nghiệp cần. Do đó, chúng tôi đã xây dựng chương trình phối hợp cùng với doanh nghiệp và đã thực hiện được rất nhiều chương trình kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp để đào tạo cho doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện thì 15 tháng sinh viên học tại trường, sau đó doanh nghiệp kiểm tra, khảo sát, 15 tháng tiếp theo sinh viên theo học tại doanh nghiệp. Khi học tại doanh nghiệp thì chắc chắn doanh nghiệp tài trợ khoản kinh phí học tập cũng như sẽ hỗ trợ được một phần các khoản kinh phí khác”.
Xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, gắn kết doanh nghiệp và các trường nghề trong đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn là hướng lựa chọn tối ưu trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội khẳng định, với cơ sở vật chất hiện đại, chương trình đào tạo chuẩn quốc tế với đầu ra cam kết 100% sinh viên có việc làm. Đến thời điểm này, số lượng sinh viên nhập học đã vượt so với dự kiến. “Chúng tôi phải có nhiều giải pháp, nhiều chương trình đào tạo hấp dẫn, sinh viên ra trường phải giải quyết được việc làm, có vậy các em mới yên tâm vào học nghề. Chúng tôi cũng có các chế độ học bổng khuyến khích, các chương trình nghiên cứu khoa học, tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ, tin học, các hoạt động thể thao… giúp các em rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sau khi ra trường. Tôi nghĩ đó là những giải pháp mà các trường nghề phải làm tốt để góp phần thu hút người học và thay đổi được tỷ lệ lao động qua đào tạo”, ông Khánh cho hay.
Nhìn nhận về xu hướng ngày càng nhiều học sinh không lựa chọn vào đại học mà chuyển qua học nghề, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi học sinh đã có sự định hướng nghề nghiệp chứ không “vào đại học bằng mọi giá” như trước.
Đảm bảo chất lượng đầu ra, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường và trúng yêu cầu của các doanh nghiệp, các trường nghề đang tạo được thương hiệu, đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp phát triển. Đồng thời, buộc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới trong phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng, đặc biệt phải gắn việc đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động để tăng cơ hội việc làm cho người học./.