Bộ Công an sẽ công khai dữ liệu này đồng thời dự kiến chấm điểm cả người dạy lái xe dựa trên chất lượng đầu ra...
Giải thích về đề xuất chấm điểm đánh giá giáo viên và trung tâm đào tạo lái xe, trong một buổi trao đổi với báo chí gần đây, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, nếu được chuyển giao nhiệm vụ đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, lực lượng công an sẽ tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe, đánh giá hiệu quả gắn với từng cơ sở đào tạo, từng giáo viên với chất lượng đầu ra, công khai dữ liệu này.
Theo đại tá Đỗ Thanh Bình, CSGT sẽ chấm điểm cơ sở và người dạy lái xe dựa trên chất lượng đầu ra, số người vi phạm, số người gây tai nạn để xếp hạng: "Tới đây sẽ gắn trách nhiệm của từng cơ sở, từng giáo viên dạy lái với chất lượng sản phẩm và công bố công khai để cho mọi người biết".
Tuy vậy, nhiều giáo viên dạy lái rất băn khoăn trước đề xuất này. Bởi lâu nay, tiêu chuẩn đối với giáo viên dạy lái xe đã được quy định rõ, phải có bằng trung cấp trở lên, có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo; Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe… Anh Nguyễn Văn Mạnh (Trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng) cho biết:
"Như hiện nay chúng tôi vẫn áp dụng việc đó, tức là vẫn chấm điểm như vậy. Đó cũng là quy định từ trước đến nay rồi. Còn đối với quy định của Bộ Công an mới thì chúng tôi cũng chưa nắm được tiêu chí của họ là như thế nào, bởi vì có rất nhiều cái có thể gây xáo trộn cho chúng tôi".
Anh Nguyễn Trung Anh, một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại Hà Nội cũng cho biết, ngoài các tiêu chuẩn như quy định, tại Trung tâm đào tạo nơi anh giảng dạy, trước khi chính thức dạy lái, giáo viên phải đi trợ giáo một thời gian và phải có xác nhận của giáo viên hướng dẫn trực tiếp:
"Theo tôi cái đấy rất mất thời gian và tiền bạc. Tốt nhất là nên xem xét công tác chấm thi, các anh là người chấm thi thì các anh quyết định có ra cái bằng hay không là do các anh quyết định".
Không chỉ các giáo viên dạy lái, một số trung tâm đào tạo lái xe cũng rất bất ngờ trước đề xuất của Bộ Công an đánh giá chất lượng trung tâm đào tạo dựa trên số người vi phạm và số người gây tai nạn. Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng, nếu căn cứ vào các tiêu chí lỗi vi phạm và gây tai nạn là không khách quan:
"Để đánh giá người gây tai nạn học ở đâu ra để quy trách nhiệm thì rất khó, không có một tiêu chí gì cả. Toàn do tài già, sau bao nhiêu năm chứ có phải mới học đâu, làm sao quy trách nhiệm cho trung tâm đào tạo được. Nếu như vừa mới học xong mà gây tai nạn thfi có khả năng căn cứ còn có phần liên quan".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Lạc Hồng cũng cho hay, nếu chấm điểm các trung tâm đào tạo, chỉ có thể dựa trên các tiêu chí như chất lượng cơ sở vật chất như: phòng học, sân bãi, xe tập lái; việc chấp hành các quy định trong quá trình tập trên sân, trên đường; tỷ lệ đỗ khi sát hạch lần đầu…
Trong khi đó, sát hạch là khâu chốt chặn cuối cùng để đo, đánh giá trước khi cấp giấy phép lái xe. Khi đã được cấp giấy phép lái xe, có nghĩa là đã công nhận kết quả học tập của học viên:
"Thước đo cuối cùng lỏng nhất hay chặt nhất chính là khâu sát hạch. Tất cả mọi học viên anh được đào tạo, nhưng nếu anh học dốt thì không thể qua được khâu sát hạch, nếu chẳng hạn dốt mà anh vẫn cho sát hạch qua được thì chứng tỏ khâu sát hạch của anh có vấn đề. Nên không thể nói tại đào tạo một cách buồn cười, chấm điểm kiểu đấy nghe nó không được".
Dẫn kinh nghiệm một số nước trong khu vực và thế giới, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học GTVT cho rằng, hầu hết các nước đều coi trọng công tác đào tạo lái xe. Tuy vậy, ngoài việc dạy và học thực chất, các kỳ sát hạch mới là khâu được đặc biệt coi trọng:
"Có thể nó sẽ là một chỉ tiêu để đánh giá, nhưng nó không phải là một chỉ tiêu chính để tăng cường cải thiện chất lượng trong đào tạo, sát hạch lái xe".
Việc nâng cao chất lượng giáo viên và trung tâm đào tạo lái xe góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng học viên được cấp giấy phép lái xe.
Tuy vậy, nếu chỉ dựa vào các lỗi vi phạm của tài xế, các vụ tai nạn liên quan để đánh giá chất lượng giáo viên, chất lượng trung tâm đào tạo dường như thiếu thuyết phục. Bởi lẽ, có rất nhiều yếu tố tác động, khiến tài xế vi phạm hoặc gây tai nạn mà khó có thể thể đổ lỗi cho công tác đào tạo./.
"Chấm điểm để làm gì?"
Về mục tiêu, chấm điểm trung tâm dạy lái và giáo viên, hay bất cứ động thái nào nhằm hướng đến kiểm soát tốt hơn chất lượng đầu ra của hoạt động đào tạo lái xe, như lý giải của đơn vị đề xuất, là việc nên khuyến khích, trong bối cảnh, rất nhiều vụ TNGT liên quan đến lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, chấm điểm để làm gì, đó là câu hỏi cần đặt ra trước khi bàn chuyện thang nào cho chấm điểm.
Chương trình đào tạo lái xe của Việt Nam được các nhà chuyên môn và bản thân các trung tâm dạy nghề đánh giá là tốt, tiệm cận với thế giới. Công tác đào tạo lái xe thời gian qua, nếu như không đạt chuẩn, có tình trạng bớt xén chương trình, bớt xén thời lượng thực hành hay buông lỏng phần học lý thuyết, đó là do các cơ sở đào tạo chưa thực hiện nghiêm túc quy định về nội dung chương trình đào tạo lái xe, chứ không phải là do năng lực yếu kém, làm không đạt yêu cầu.
Sự cắt xén này, nguyên nhân sâu xa là do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số cơ sở, trước tình trạng bùng nổ các dịch vụ đào tạo, dẫn đến “hạ giá”, “phá giá” để tranh giành học viên, phần khác cũng vì đòi hỏi của người học, khi nhu cầu học lái tăng cao, điều kiện thời gian khó thu xếp, mà giáo viên và trung tâm thì phải chiều lòng đễ giữ chân “thượng đế”.
Vậy, để chấn chỉnh tình trạng này, chỉ cần kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo các yêu cầu trong nội dung chương trình đào tạo được thực hiện nghiêm túc, thực chất, sàng lọc các dịch vụ không đạt chuẩn, chứ đâu cần chấm điểm? Nếu đặt trong mối quan hệ giữa mục tiêu và giải pháp, thì đây là giải pháp thừa, gây thêm lãng phí, tốn kém, phiền toái cho cả cơ quan thực thi lẫn đối tượng chịu tác động.
Nếu đặt trong xu hướng đào tạo và sát hạch lái xe trên thế giới, việc siết an toàn người lái từ khâu đào tạo có thể ví như siết ở “đầu vào”, trong khi các nước đều đang tập trung siết “đầu ra” – tức là khâu sát hạch. Với những công cụ khoa học, tính toán và thiết kế kỹ lưỡng, sát hạch ở nhiều nước đã đảm bảo đủ để người học phải am hiểu lý thuyết, thành thạo về kỹ năng thực hành, mà không cần biết họ đã học ở đâu, học như thế nào.
Khâu lý thuyết thậm chí còn có thể tự học, khâu thực hành được phép học cùng người có kinh nghiệm nhiều năm mà không nhất thiết phải là giáo viên, miễn vượt qua sát hạch gắt gao. Việc chấm điểm trung tâm và giáo viên dạy lái nếu thực thi, sẽ là “ngược đường” với các xu hướng đào tạo, sát hạch tiên tiến trên thế giới.
Nếu đặt trong sự liên hệ và so sánh với tính hiệu quả của những hoạt động “chấm điểm” tương tự đang áp dụng hiện nay, sẽ thấy, không có gì đảm bảo rằng chất lượng của đối tượng được chấm điểm sẽ tỉ lệ thuận cùng số điểm. Có nhiều địa phương công bố chỉ số hài lòng rất cao và liên tục cải thiện, nhưng người dân vẫn cảm thấy bị “hành” mỗi khi đến giao dịch giấy tờ bởi sự quan liêu, quan cách của nhân viên công vụ.
Chấm điểm giáo viên, chấm điểm bệnh viên, chấm điểm viên chức… những năm qua đạt hiệu quả tới đâu, đó là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Trong khi, áp lực điểm số có thể dẫn tới nhiều hệ lụy, như căn bệnh thành tích vốn là vấn nạn, là cản lực chính suốt hàng thập kỷ trong nền giáo dục nước nhà.
Với những lý do đó, sẽ rất khó thuyết phục về sự cần thiết của việc chấm điểm trung tâm và giáo viên đào tạo lái xe, nếu câu hỏi “chấm điểm để làm gì?” vẫn chưa tìm được một câu trả lời thỏa đáng.
|
Kiều Tuyết - Quách Đồng/VOVgiaothong.vn