Với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích kích cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, luôn đặt người nghèo ở vị trí trung tâm, thụ hưởng từ các dự án, sau 5 năm thực hiện, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Giải pháp giảm nghèo
Được xác định là 1 trong 5 chương trình trọng tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đãnhận được sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa. Ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Quyết định 289-QĐ/TU ngày 27/5/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, các sở, ban, ngành cấp tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao đề ra những giải pháp về giảm nghèo để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu cho hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật; đồng thời tranh thủ vận dụng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất.Đặc biệt, Thanh Hóa đã thành lập Ban chỉ đạothực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) cấp tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (gọi tắt là NTM), do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Đây cũng là nét đặc thù tiêu biểu của tỉnh, thể hiện sự nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo gắn liền với xây dựng NTM và thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng kế hoạch giảm nghèo, giao chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đến từng địa phương; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện, trên cơ sở vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vừa đảm bảo hoàn thành được mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết ĐH đã đề ra.
Trên cơ sở đó, các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch hằng năm; giao chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các xã, thị trấn; phân công các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn và nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể theo dõi, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác giảm nghèo; 100% các xã đều xây dựng kế hoạch thực hiện và hằng năm đều điều tra nguyên nhân, đánh giá nhu cầu, lập danh sách hộ dự kiến thoát nghèo, xây dựng giải pháp giảm nghèo đến từng hộ; phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, hộ khá hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Những con số biết nói
Với sự tập trung chỉ đạo cùng nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và của người dân, sau 5 năm thực hiện, Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,56%/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ mức cao gấp 1,37 lần cả nước đầu năm 2016 (đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 13,51%, tỷ lệ hộ nghèo cả nước 9,88%) đã giảm xuống bằng 0,87 lần so với bình quân chung của cả nước vào cuối năm 2019 (cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 3,27%, tỷ lệ hộ nghèo cả nước 3,75%), ước đến cuối năm 2020, tỉnh Thanh Hóa còn tỷ lệ hộ nghèo 1,01%. Trong đó, đến năm 2018, đã có huyện Như Xuân (là một trong 8 huyện của cả nước) đã ra khỏi danh sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, 24 xã bãi ngang ven biển, 05 xã và 55 thôn, bản ĐBKK khu vực miền núi thoát khỏi diện ĐBKK; các phường: Ba Đình, Điện Biên, Trường Thi, Lam Sơn, Đông Vệ, Ngọc Trạo, Đông Sơn và các xã Đông Tân, Đông Hưng, Quảng Thịnh của thành phố Thanh Hóa; thị trấn Rừng Thông của huyện Đông Sơn không còn hộ nghèo; nhiều xã, phường chỉ còn hộ nghèo bảo trợ xã hội.Đến tháng 6 năm 2020 đã có 367 xã đạt chuẩn NTM và 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trên tổng số 559 xã sau sáp nhập).
Về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, Thanh Hóa phấn đấunăm 2020 đạt các chỉ tiêu đề ra như: 100% khẩu cận nghèo được mua BHYT; 39.200 hộ nghèo có nhà ở kiên cố, 35.500 hộ nghèo có diện tích tối thiểu 8m2, 63.800 hộ nghèo có hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; 33.900 hộ nghèo được xây dựng các công trình nước sạch hợp vệ sinh; 22.800 hộ nghèo có tài sản và tiếp cận dịch vụ thông tin, truyền thông.
Về thu nhập bình quân của hộ nghèo, đến năm 2020 Thanh Hóa phấn đấu đạt gấp 2,5 lần cuối năm 2015, đạt mục tiêu Chương trình đề ra. Đến nay, Thanh Hóa đã đào tạo nghề cho hơn 310.000 lao động; tạo việc làm mới cho hơn 270.000 lao động, trong đó đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 40.074 lao động (có 4.464 lao động tại các huyện nghèo), tập trung vào các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Trung Đông với các nhóm ngành sản xuất, chế tạo, xây dựng, hàn, cơ khí, nông nghiệp, giúp việc gia đình... Số tiền người lao động gửi về nước hằng năm khoảng từ 120 triệu đến 150 triệu USD. Tỷ lệ lao động sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài về nước có cuộc sống tốt hơn chiếm trên 98%, tỷ lệ gia đình thoát nghèo chiếm trên 95%, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ đi xuất khẩu lao động.
Giải pháp then chốt để giảm nghèo bền vững
Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, mặc dù đạt được những kết quả trên, nhưng Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh còn cao; nhiều hộ thoát nghèo nhưng vẫn rơi vào cận nghèo; còn tình trạng hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh. Nhiều chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cần các giải pháp để đảm bảo tính bền vững. Một số huyện vẫn chưa đạt chỉ tiêu giảm nghèo qua các năm. Một số huyện chưa chú trọng chỉ đạo cấp xã xây dựng kế hoạch giảm nghèo, có xã ban hành kế hoạch giảm nghèo nhưng chưa có giải pháp đến từng hộ, phân công nhiệm vụ chưa cụ thể, thiếu nguồn lực thực hiện. Nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh lớn nhưng chưa đáp ứng đủ, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của hộ nghèo về nhà ở, nước sạch, vệ sinh. Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách giảm nghèo cho nhân dân, đặc biệt là cho người dân ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương còn chưa được chú trọng, quan tâm đúng mức.
Để hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đề ra, theo ông Lê Minh Hành, trong thời gian tới, Thanh Hóa cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp một cách quyết liệt đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở các huyện miền núi;khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ý lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh cải cách hành chính, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc, giày da, chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ, du lịch cộng đồng,... nhằm dạy nghề, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Xác định phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâmđể giảm nghèo nhanh và bền vững.Tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp…./.
Bùi Cư