Siết chặt bữa ăn học đường

Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong bếp ăn bán trú, suất ăn công nghiệp cho học sinh luôn được ngành giáo dục - đào tạo TP.HCM đặt lên hàng đầu.

 

Kiểm tra mỗi ngày

Từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Nguyễn Hiền ở quận 2, TP.HCM đã phối hợp với Công ty TNHH Bùi Thị Kim Chi cung cấp suất ăn công nghiệp cho học sinh bữa trưa và bữa xế. Thay vì chỉ đặt thực đơn theo tuần rồi nhận vào giờ ăn, nhà trường yêu cầu đối tác thực hiện khâu chế biến, nấu nướng bữa trưa ngay tại bếp ăn của trường để đảm bảo tốt nhất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Bà Nguyễn Kim Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hiền cho biết, không chỉ rất kỹ càng trong việc kiểm tra các chuẩn thực phẩm của đơn vị liên kết, nhà trường còn quản lý cả khâu chế biến để chắc chắn mọi thứ đạt quy trình khép kín một chiều. “Đặt công ty nấu tại trường thì cơm nóng, canh nóng, học sinh ăn sẽ an toàn và ngon miệng hơn. Chúng tôi cũng thực hiện việc lưu mẫu đúng theo quy định. Việc kiểm tra các khâu từ nhập thực phẩm, chế biến, chia thức ăn, phục vụ bữa ăn được thực hiện nghiêm túc, liên tục. Ngay sau vụ ngộ độc thực phẩm tại trường bạn, chúng tôi lại siết chặt hơn quy trình này”, bà Thành cho hay.

TP.HCM sẽ siết chặt hơn nữa vấn đề an toàn thực phẩm các suất ăn học đường.

Không đợi đến sau khi xuất hiện vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (quận 2) vào đầu năm học này thì việc siết chặt ATVSTP mới được các trường nhắc đến, mà theo bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1), đó là khâu thực hiện sát sao mỗi ngày. Từ nhiều năm nay, bếp ăn bán trú tại trường đã đi vào hoạt động để mỗi bữa trưa sẵn sàng cơm canh nóng hổi, đủ chất cho hơn 1.000 học sinh.

Quan trọng nhất là khâu cấp phẩm vào đầu giờ sáng. Lúc này, ban giám hiệu nhà trường phân công người kiểm tra kỹ toàn bộ thực phẩm để tránh tình trạng nguồn hàng kém chất lượng. Các đơn vị đối tác cung cấp thực phẩm cho bếp ăn phải đạt tiêu chuẩn mà ngành GD-ĐT TP.HCM yêu cầu, niêm yết danh sách. Bà An cho biết, đặt bếp ăn tại trường rất mệt nhưng bù lại chất lượng suất ăn của học sinh luôn được đảm bảo: “Các cô cấp dưỡng nấu tại chỗ thì sạch sẽ, nóng hổi, phần ăn của các con cũng đầy đặn hơn, nhưng cực vô cùng. Mỗi ngày chúng tôi đều chia nhau luân phiên kiểm tra kỹ mọi khâu vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh, chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến rủi ro lớn. Nhà trường thường xuyên tổ chức cho phụ huynh, học sinh tham gia giám sát chất lượng bếp ăn”.

Nâng chất bữa ăn

Theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, toàn thành phố hiện có 1.620 bếp ăn tập thể, 318 cơ sở suất ăn sẵn, 883 căng tin phục vụ học sinh trong các trường học. Đa phần các đơn vị đều nỗ lực siết chặt chất lượng suất ăn theo cam kết. Thế nhưng, nguy cơ ngộ độc vẫn tiềm ẩn nhiều trong các bữa ăn xế vì các trường chủ yếu chọn các loại chè, bánh, sữa, trái cây chế biến sẵn, dễ bị hư hỏng, ôi thiu trong quá trình vận chuyển, bảo quản do thời tiết nắng nóng kéo dài. Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, việc giám sát trực tiếp giữa các bên cần thực chất, tiến hành liên tục để tránh cái gọi là kiểm tra cho có, cho xong nhiệm vụ. Nếu thực phẩm đầu vào kiểm tra kỹ mà lơi lỏng khâu chế biến, khâu hậu kiểm thì khó đảm bảo tốt chất lượng suất ăn đến tay từng học sinh. Những trở ngại về thời tiết, việc vận chuyển xa xôi đối với các trường đặt suất ăn công nghiệp cũng cần được tính toán kỹ, trong đó chuẩn chất lượng cần quan tâm hàng đầu.

Các trường học tại TP.HCM nỗ lực siết chặt chất lượng bữa ăn cho học sinh.

Sau thời gian phối hợp hiệu quả, mới đây, Sở GD-ĐT TP.HCM và Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố tiếp tục ký kết Kế hoạch liên tịch về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong giai đoạn 2020 - 2022. Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu 100% các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học thực hiện đảm bảo ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định. Và 100% bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học chấp hành các quy định về ATTP, vận hành hệ thống tự kiểm tra ATTP theo 3 cấp trong khối giáo dục. Thành phố sẽ tiếp tục quy trình kiểm tra định kỳ, đột xuất và nêu đích danh những đơn vị chưa đạt chuẩn trên trang thông tin chung.

Đặc biệt, ngành GD-ĐT TP.HCM cũng quy định 100% cán bộ phụ trách ATTP tại các trường, phòng GD-ĐT trên địa bàn phải được tập huấn triển khai hệ thống tự kiểm tra ATTP; 100% người quản lý, nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn được tập huấn kiến thức ATTP, không bị mắc các bệnh lý liên quan trong thời gian sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Việc diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong trường học cũng là yêu cầu cần được triển khai.

Hiện nay, ngành GD-ĐT TP.HCM đang triển khai hệ thống tự kiểm tra ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học, duy trì chế độ báo cáo định kỳ 3 tháng, 6 tháng, hàng năm và báo cáo đột xuất tình hình vận hành theo 3 cấp gồm cấp trường, cấp Phòng GD-ĐT và cấp Sở GD-ĐT. Sắp tới đây, công đoạn này sẽ ngày càng khắt khe hơn với các tiêu chí bổ sung nhằm quản lý tốt nhất có thể nguồn thực phẩm từ đơn vị cấp phẩm đến suất ăn trên tay mỗi học sinh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận