Đề xuất giải pháp tổng thể, cải tạo sông Tô Lịch: Cần xem xét kỹ lưỡng

  • 24/09/2020 12:00:00
  • Thành Công
  • Xã hội
  • 0

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh, được chuyên gia nhìn nhận là một ý tưởng tốt, tuy nhiên cần xem xét kỹ lưỡng…

 

Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh của Cty Cổ phần tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) gửi thành phố Hà Nội mới đây, được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhìn nhận là một ý tưởng tốt, tuy nhiên cần xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng…

Hồi sinh sông Tô Lịch?

Theo đề xuất của JVE, việc Hà Nội xây cống bao thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch mặc dù có ý nghĩa lớn trong việc thu gom nước thải không cho chảy vào sông Tô Lịch, giải quyết được vấn đề không làm gia tăng trạng thái ô nhiễm, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ô nhiễm nước thải ở bên ngoài, còn phần bên trong lòng sông thì chưa xử lý được. Đơn vị này cho rằng, có 3 vấn đề chưa được xử lý gồm: Thứ nhất, mùi hôi thối do tầng bùn đáy vẫn chưa được xử lý triệt để; Thứ hai, tầng bùn đáy tích tụ trong lòng sông dù nạo vét cơ học cũng chưa xử lý được tận gốc vấn đề và vẫn có nguy cơ tái ô nhiễm; Thứ ba, nước trong lòng sông đã và đang bị ô nhiễm thì chưa xử lý được tận gốc. Theo JVE, nước trong sông Tô Lịch không được lưu thông, tù túng, từ đó phát sinh ô nhiễm và biến thành một “hồ tù” và cần có giải pháp như áp dụng công nghệ sục khí nano của Nhật Bản để phân hủy tận gốc toàn bộ chất hữu cơ ô nhiễm, bùn hữu cơ ở đáy sông và kè bờ thẳng đứng, kè đáy để tránh phát sinh ô nhiễm.

Phối cảnh đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành  công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh của JVE

Được biết, công nghệ sục khí nano đã từng được JVE thử nghiệm trên một khu vực nhỏ thuộc sông Tô Lịch và bước đầu thu được kết quả nhất định.

Theo đề xuất của JVE, sông Tô Lịch với chiều dài 15km sẽ là Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh với dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách tham quan. Dọc hai bên sông là nơi sạch nhất, đẹp nhất, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí của người dân và du khách. Dọc theo bờ sông dài 15km cũng sẽ tái hiện chiều dài lịch sử Việt Nam…

Cần nghiên cứu kỹ

Việc cải tạo, hồi sinh sông Tô Lịch là mong muốn của mọi người dân Thủ đô. Hà Nội cũng đã triển khai nhiều dự án cụ thể trong suốt hàng chục năm qua nhằm hồi sinh dòng sông. Tuy nhiên, trước đề xuất của JVE, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng đây là một đề xuất táo bạo nhưng có phần lãng mạn.

Hiện nay, TP. Hà Nội đang triển khai việc thu gom nước thải sinh hoạt 2 bên bờ sông. Nước thải sau khi thu gom sẽ được xử lý tại 2 trạm xử lý nước thải là Trạm xử lý Yên Sở (đã vận hành) và trạm Yên Xá (đang xây dựng), rồi sau đó bổ cập lại nước cho sông Tô Lịch cùng với các nguồn nước khác (nước Sông Hồng, qua Hồ Tây).

Các chuyên gia trong nước đều cho rằng, không nên kè đáy dòng sông, vì như thế sông sẽ giống như một mương thoát nước. Việc kè hai bên bờ cũng phải là kè hở, như thế mới thuận lợi cho việc xử lý ô nhiễm. Nguồn lực để xử lý ô nhiễm, hồi sinh sông Tô Lịch rất lớn, do vậy cần các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể, mục tiêu là giải bài toán ô nhiễm, tạo môi trường cảnh quan trong lành, sau đó mới tính đến các giải pháp khác.

GS. Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, trong quy hoạch sông Tô Lịch, việc cần thiết hiện nay là phải đưa ra các phương án tốt nhất làm sạch dòng sông này. Không nên xây dựng các công trình quy mô, tầm cỡ “đè” lên sông mà tôn trọng tự nhiên, tạo cảnh quan thiên nhiên hài hòa sẽ là giải pháp tốt nhất. Ý tưởng phát triển du lịch, tàu thuyền trên sông cũng không khả thi do đây là con sông có độ dốc lớn để thoát nước. Việc xây dựng, tác động quá lớn vào dòng sông bằng những công trình tầm cỡ sẽ có nguy cơ “phá nát” cảnh quan thiên nhiên.

KTS Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, chuyên gia về kiến trúc cảnh quan, nhận định: Hà Nội đã mất hàng chục năm và nhiều triệu USD cho dự án thoát nước và xử lý nước thải lấy sông Tô Lịch làm “xương sống”, nhưng TP vẫn còn ngập úng, ô nhiễm nước tràn lan. Vậy cần phải làm rõ về giải pháp kỹ thuật là liệu dự án này có mâu thuẫn gì với dự án thoát nước thực hiện cống ngầm đô thị, đầu tư Nhà máy xử lý nước Yên Xá...

Cẩn trọng vấn đề văn hóa - tâm linh

Sông Tô Lịch khởi nguồn (được chia nước) từ sông Hồng (ở khoảng Chợ Gạo, Hồ Khẩu, qua Hàng Đường, Hàng Lược), rồi chạy một vòng quanh  2 mặt của Kinh thành Thăng Long, cùng với sông Hồng và sông Kim Ngưu tạo thành 4 mặt hào thiên nhiên bảo vệ thành Thăng Long. Và còn phải kể đến những đền miếu dọc sông, dù sông xưa đã mất nhưng đền miếu đến nay vẫn còn dấu tích. Mỗi di tích đều lưu chứa những giá trị văn hóa, lịch sử và cả những câu chuyện thần linh mà dân gian truyền tụng…

Sông Tô Lịch không chỉ là con sông đẹp, thơ mộng để “Em chèo thuyền ghé sát thuyền anh” mà còn là “con sông thiêng”, “con sông văn hóa” gắn chặt với dòng chảy văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Hơn thế, dòng sông Tô Lịch xưa còn mang giá trị hữu dụng trong giao thông - thương mại, kết nối thành mạng lưới, góp phần quan trọng để Thăng Long - Hà Nội trở thành đầu mối của cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Tiến sĩ sử học, nhà nghiên cứu Ngô Vương Anh cho rằng, với bề dày văn hóa của riêng của dòng sông trong dòng chảy lịch sử - văn hóa chung Thăng Long - Hà Nội, sông Tô Lịch xứng đáng là một “dòng sông văn hóa - lịch sử” và hoàn toàn có thể lột xác - từ một dòng sông hộ thành, một đường giao thông thủy nội địa trong lịch sử để phát triển thành “dòng sông du lịch”, là công viên văn hóa, là điểm nhấn cảnh quan của Hà Nội và cả nước. Trên mặt và ở hai bờ dòng sông này có nhiều không gian để tạo dựng những công trình văn hóa - du lịch, những không gian công cộng mới chứa đựng và chuyển tải những ý tưởng mới. Tuy nhiên, ý tưởng cũng có nhiều vấn đề cần được xem xét kỹ. 

Theo TS. Ngô Vương Anh, điều dễ nhận ra và được nhiều người đồng ý là phải kiểm soát và xử lý được toàn bộ nước thải trước khi cho nhập dòng vào Tô Lịch. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ, đồng tâm, hợp lực từ ba phía: nhà quản lý - nhà đầu tư - nhà khoa học. Có được cảnh quan, môi trường tốt rồi mới có thể nói đến chuyện xây dựng phát triển không gian, cảnh quan và tạo ra những sản phẩm du lịch, văn hóa. Khi đó ngoài ba bên kể trên còn cần thêm sự đồng thuận của các cộng đồng cư dân dọc hai bên sông./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận