Nhiều chiêu trò chiếm đoạt lợi ích của người mua nhà ở xã hội

Thời gian qua xuất hiện những biến tướng ở nhiều dự án nhà ở xã hội, với nhiều 'chiêu trò'… móc túi khách hàng, khiến người nghèo vốn đã 'khó' nay càng khó.

 

Gia đình anh N.T lập nghiệp ở Hà Nội đã hơn 10 năm, với đồng lương ít ỏi từ công việc văn phòng, vợ chồng anh phải đi thuê nhà trọ nhiều nơi trên khu vực Mỹ Đình. Tuy nhiên, với mong muốn có nơi chốn ổn định, hai năm nay, vợ chồng anh đã nộp hồ sơ đăng kí bốc thăm tại một số dự án nhà ở xã hội nhưng đều… trượt.

Quá mệt mỏi vì tỷ lệ bốc trúng khá mong manh, mới đây anh đã tìm tới sàn bất động sản để hỗ trợ mua suất tại dự án K1 Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội (hay còn gọi là NHS Phương Canh) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS là đại diện liên danh.

Nhiều chủ đầu tư nhà ở xã hội đã ngầm bắt tay với các sàn bất động sản để hưởng lợi. Ảnh minh họaTheo đó, anh đã phải chi 40 triệu đồng để có được một suất quyền mua căn hộ.

"Quy trình là môi giới tiếp xúc mình, rồi kí một hợp đồng thỏa thuận việc mua suất và phải đặt tiền cọc 20 triệu đồng. Đến ngày có đầy đủ hồ sơ mình mang đến nộp chủ đầu tư, nộp xong ra phải thanh toán nốt số tiền còn lại, tức là thanh toán đủ số tiền mà mình mua suất. Sau đó đến ngày đến giờ môi giới sẽ dạy mình cách bốc thăm, sáng sớm ngày bốc thăm, lúc đang xếp hàng môi giới nói với mình anh cứ chọn cho em cái phiếu màu hồng, em đã bốc trúng và có căn", anh N.T chia sẻ.

Còn anh Q.H chia sẻ, sau nhiều lần bốc thăm không thành, hồi tháng 7 vừa qua anh phải chấp nhận chi tới 70 triệu đồng cho môi giới để đảm bảo suất mua căn 2 phòng ngủ, diện tích 70m2 tại dự án nhà ở xã hội IEC Tứ Hiệp Thanh Trì (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Cơ điện).

Với khoản phí này, cộng với 70% vốn vay ngân hàng đang là gánh nặng nợ nần đối với gia đình trẻ này.

Liên hệ với một số sàn bất động sản với vai trò khách mua nhà tại dự án nhà ở xã hội IEC, ngay lập tức các nhân viên tại đây sẵn sàng trưng ra bảng hàng... như mua bán nhà thương mại.

Để đẩy nhanh tiến độ “chốt căn”, một nhân viên tên H cho biết, dự án IEC đã hết 3 đợt bốc thăm nên số lượng căn hộ không còn nhiều, khách hàng cần chốt sớm, nếu chậm phí sẽ tăng: Nếu chị chọn hướng đông nam giá chênh nó rơi vào tầm gần 100 triệu, còn hướng tây bắc rơi vào tầm 75-80 triệu. Chị mà vào tầm này nếu là căn góc thì 01 hướng đông bắc thì nó còn rơi vào tầm 160 triệu cơ. Đợt này vào còn hợp lý chứ mà cất nóc lên xong hết 3 tòa em sợ giá nó còn đẩy lên nữa cơ.

Theo chị T - một người có thâm niên trong giới sale bất động sản, hiện nhiều chủ đầu tư nhà ở xã hội đã ngầm bắt tay với các sàn bất động sản để hưởng lợi.

Theo đó, các sàn bất động sản sẽ đứng ra huy động người thân (có trả phí) đứng ra nộp hồ sơ vào dự án để lấp đầy số lượng “ôm căn”.

Sau đó, thông qua mạng xã hội họ sẽ rao bán với giá chênh cả trăm triệu đồng cho những người có nhu cầu thật để hưởng lợi.

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nếu chủ đầu tư và sàn bất động sản bắt tay để hưởng lợi từ dự án nhà ở xã hội thì đã vi phạm Luật Hình sự, có thể đưa ra truy tố: "Tôi cho rằng nếu phát hiện ra ở đâu có chuyện bắt tay đứng trên lợi ích, chiếm đoạt lợi lích của người thu nhập thấp mà đáng lẽ họ được thụ hưởng thì chắc chắn là họ vi phạm vào khung hình sự rồi. Và hoàn toàn có thể đưa ra truy tốt khi kiểm tra phát hiện ra. Tức là chiếm đoạt tài sản của người khác tức là thuộc phạm vi hình sự".

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, các quy định hiện hành chưa làm rõ trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý đối với những trường hợp vi phạm; không ràng buộc được trách nhiệm kiểm tra, giám sát các dự án nhà ở xã hội.

Bởi vậy, chính sách này chưa thực sự đến được với người nghèo, người thu nhập thấp tại đô thị, trong khi lại làm “giàu” cho những người nhiều đối tượng khác./.

Hoàng Hà/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận