Không có cơ sở khẳng định 90% người dân ăn 'gạo bẩn'

Theo các chuyên gia, thông tin về 90% người dân Việt Nam đang ăn gạo 'bẩn' là võ đoán và không có cơ sở khoa học.

 

Làm rõ hơn về thông tin này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, về góc độ vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ có sản phẩm có đạt tiêu chuẩn về an toàn hay không an toàn.

Để khẳng định gạo có an toàn cho người Việt Nam và xuất khẩu hay không? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên giám sát và lấy mẫu trên diện rộng để đánh giá mức độ an toàn của gạo. Giám sát diện rộng là phải có đủ số mẫu và lấy ở ngẫu nhiên thị trường trên cả 3 miền trên cả nước để đảm bảo gạo được trồng ở tất cả các vùng sinh thái và phân tích đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Kết quả kiểm soát trên diện rộng cho thấy, năm 2017 đã lấy 150 mẫu gạo, năm 2018 là 169 mẫu thì không phát hiện mẫu nào có chất cấm, có một số mẫu có tồn dư nhưng đều dưới ngưỡng cho phép. Ngưỡng cho phép ở Việt Nam được thiết lập trên cơ sở của Tiêu chuẩn của Codex nên sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng ở Việt Nam đều có tiêu chuẩn như nhau. Như vậy không thể nói là 90% gạo “bẩn” được”, ông Tiệp nói.

Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho biết, ngày càng có nhiều diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… nhưng so sánh giữa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với gạo sản xuất truyền thống thì về mặt an toàn là không khác nhau, còn chất lượng thì có khác nhau nên mới có giá khác nhau.

Cục bảo vệ thực vật khẳng định, gạo là mặt hàng có nguy cơ rủi ro rất thấp. Các tỉnh phía Nam thường có giai đoạn cuối cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa để trừ bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt. Loạt phun cuối thường được phun kép, muộn nhất cũng trước thu hoạch từ 20 đến 25 ngày.

Theo các chuyên gia, thông tin về 90% người dân Việt Nam đang ăn gạo “bẩn” là Võ đoán và không có cơ sở khoa học.Trong khi đó, các loại thuốc phòng trừ các bệnh trên có thời gian cách ly dài nhất cũng thường chỉ 7 ngày. Vì vậy kể cả trong trường hợp nông dân phải phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật muộn, nguy cơ rủi ro có tồn dư trên gạo vượt mức dư lượng tối đa cho phép là vô cùng thấp.

Với các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ, các đợt phải phun thuốc muộn rất ít xảy ra, thường muộn nhất để trừ rầy lứa 6, lứa 7. Lúc này lúa mới chỉ “chắc xanh đến đỏ đuôi”. Vì vậy từ lúc phun tới lúc lúa gặt, thời gian còn khoảng 15 đến 20 ngày nên nguy cơ tồn dư thuốc trên gạo là rất thấp.

Những năm qua ngành nông nghiệp cũng như các địa phương, nông dân, hợp tác xã phối hợp với các doanh nghiệp tích cực triển khai các chương trình sản xuất bền vững an toàn, tiết kiệm, sử dụng khoa học và hạn chế tối đa việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa.

Có những vùng 10 năm qua không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ trên lúa mà sử dụng các biện pháp hữu cơ. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật nói:

“Hiện nay là người dân tự quyết định là sử dụng thuốc gì trên cánh đồng của họ và họ có nhận thức rất tốt. Đầu tiên có sử dụng thuốc hay không. Thứ hai nếu phải sử dụng thuốc gì cũng phải lựa chọn như: chế phẩm sinh học, hoặc loại thuốc diệt trừ đúng đối tượng dịch hại đó chứ không phải phun không kiểm soát. Hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều có chương trình giám sát đối với các cây trồng chính trong đó có gạo. Do vậy cũng sẽ tập trung chính vào những hoạt chất trong quá trình kiểm soát”, ông Trung khẳng định.

Cũng phải nói thêm rằng, 8 tháng qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 6,5 triệu đến 6,7 triệu tấn gạo, đặc biệt là khi tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thì thị trường nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm./.

Minh Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận