Chuẩn bị cho con vào lớp 1, chị Phạm Phương Thảo (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nhanh chóng tìm đến dịch vụ xe đưa đón học sinh tại nhà. Từ kinh nghiệm bản thân sử dụng xe đưa đón tại nhà đến nơi làm việc, chị Thảo cho rằng, dịch vụ này phù hợp với điều kiện gia đình: "Chỗ làm việc của em cũng dùng dịch vụ xe đưa đón gần chục năm nay rồi. Quá tốt và rất ủng hộ, bởi không bụi bặm, an toàn và đúng giờ. Trên xe các bạn không phải hít bụi, không hề nắng, trời mùa đông lạnh không bị lạnh, trời mưa không bị mưa".
Tuy vậy, nhiều phụ huynh học sinh dù sử dụng dịch vụ xe đưa đón, song cũng không ít lo lắng: "Hiện tại nhà trường chỉ thông báo đeo khẩu trang vơi smang nước rửa tay khô do học sinh tự trang bị. Nên bây giờ tự bảo vệ mình là chính thôi".
"Tôi cũng khá lo lắng bởi vì tôi cũng có con nhỏ đang học tiểu học và em bé thì cũng đi xe buýt hàng ngày tới trường".
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều nhà trường tổ chức xe đưa đón cũng có những biện pháp phòng dịch để đảm bảo sức khỏe học sinh. Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho biết, hiện toàn trường có khoảng 1.500 học sinh cả 3 cấp học sử dụng xe đưa đón.
Để đảm bảo phòng dịch cho học sinh, nhà trường đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng đưa đón học sinh đảm bảo vệ sinh phương tiện và người lái. Các xe đều được tổng vệ sinh và phun thuốc diệt khuẩn ít nhất mỗi lần 1 ngày.
Trên xe trang bị nước sát khuẩn cho học sinh trước khi lên xuống xe. Toàn bộ quá trình đó, tất cả học sinh, cán bộ phụ trách đưa đón và lái xe đều phải mang khẩu trang. Thầy Nguyễn Xuân Khang cho biết: "Trước khi cho học sinh đến trường bằng phương tiện xe của gia đình hoặc là phương tiện xe buýt của trường thì gia đình đều phải kiểm tra tình trạng sức khỏe của con, động tác bắt buộc là đo nhiệt độ. Nếu học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở sẽ báo cho giáo viên chủ nhiệm, và đưa con đến cơ sở y tế để khám bệnh".
Về phía doanh nghiệp vận tải, bà Khuất Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHH An Du - một trong những đơn vị thực hiện việc đưa đón học sinh trên địa bàn Hà Nội cho biết, từ thực tế triển khai đợt dịch Covid-19 diễn ra đầu năm, đơn vị này cũng thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh: "Hàng ngày có lau chùi xe và 1 tuần một lần xịt sát khuẩn bằng CloraminB. Còn bên trường mỗi lần xe đến, học sinh vào trường thì lại sát khuẩn tay một lần nữa".
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã quy định riêng 1 chương về xe đưa đón học sinh, từ phương tiện, màu sơn nhận diện. Riêng với học sinh tiểu học và mầm non phải có cái dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi học sinh hoặc phải sử dụng ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi.
Theo ông Thủy, mặc dù với trường hợp cụ thể về dịch Covid-19 không quy định trong luật, song nhà trường và doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ hướng dẫn của từng địa phương: "Cái này quy định đối với đơn vị kinh doanh vận tải hoặc cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức hoạt động đưa đón thì phải đảm bảo những quy định như vậy".
Các ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, nhất là tại trường học – nơi tập trung đông học sinh, vai trò của nhà trường, của doanh nghiệp đảm nhiệm việc đưa đón học sinh càng cần được đề cao để góp phần phòng dịch, đảm bảo an toàn cho các em mỗi buổi đến trường.
Năm học mới đã cận kề, việc sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh cũng là cần thiết vừa đảm bảo an toàn và giảm số chuyến lượt xe không cần thiết cho phụ huynh. Tuy vậy, điều này cũng đòi hỏi sự chung tay không chỉ của phụ huynh, nhà trường, của doanh nghiệp vận tải để đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh khi sử dụng dịch vụ xe đưa đón.
Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Không phó mặc cho nhau”
Việc đăng ký dịch vụ xe đưa đón học sinh đã được các nhà trường hướng dẫn, tổ chức cho phụ huynh ngay khi có thông báo trúng tuyển và làm hồ sơ nhập học. Cho đến nay, danh sách đã chốt. Phương án tổ chức đưa đón thế nào đều đã được các trường chuẩn bị, dưới sự hướng dẫn của ngành y tế, ngành giáo dục các địa phương.
Sự băn khoăn của phụ huynh là điều dễ hiểu, khi mức thu dịch vụ xe đưa đón hầu như chưa có thông báo tăng lên, có nghĩa rằng chưa có phương án tăng số phương tiện để giãn cách mật độ học sinh trên xe.
Các biện pháp vệ sinh, sát khuẩn, đeo khẩu trang là rất cần thiết, nhưng với học sinh nhỏ tuổi như mầm non, lớp 1 lớp 2, không dễ thực hiện đầy đủ, chu đáo các quy định này.
Chưa kể, mùa tựu trường năm nay thời tiết miền Bắc vẫn oi nóng, các xe vẫn phải sử dụng điều hòa 100%, hành trình đưa đón qua những con phố chật chội ở đô thị có thể kéo dài hàng chục phút hoặc cả tiếng đồng hồ. Tất cả các yếu tố này đều dẫn đến các nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh.
Thêm một áp lực cho các nhà trường và thầy cô giáo khi bước vào năm học mới, ngoài chuyện đảm bảo chương trình dạy và học trong điều kiện bình thường mới, còn là chuyện an toàn giao thông, an toàn phòng dịch từ hoạt động đưa đón học sinh.
Trong khi, các quy định bổ sung về nhóm phương tiện này vẫn đang ở dạng dự thảo. Còn hướng dẫn của ngành y tế có được thực hiện đầy đủ thường xuyên hay không, lại phụ thuộc vào nhiều bên cùng tham gia trong hoạt động đưa đón trẻ.
Bởi thế, để giảm đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ hoạt động của xe buýt trường học, cần sự nỗ lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Trước tiên và trên hết là các nhà trường.
Ngoài việc siết chặt quy trình hoạt động xe đưa đón trẻ như hướng dẫn của Bộ Giáo dục đào tạo, Sở Giáo dục đào tạo và của ngành giao thông, trong năm học mới này, các nhà trường sẽ có thêm trách nhiệm theo dõi thực hiện vệ sinh phòng dịch của đơn vị cung cấp dịch vụ.
Mọi sự chểnh mảng, thiếu nghiêm túc hay sơ suất của nhân viên phục vụ trên xe trong quá trình tiếp xúc, quản lý học sinh đều cần được cán bộ giáo viên nhà trường trên giám sát, nhắc nhở kịp thời, sẵn sàng đề nghị thay đổi hợp đồng nếu đơn vị cung cấp dịch vụ không chấn chỉnh.
Bản thân các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường làm công tác này, hay các nhân viên công ty cung cấp dịch vụ buýt trường học sẽ cần luôn đề cao ý thức giữ gìn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh mọi lúc mọi nơi, chứ không chỉ trong quá trình đưa đón trẻ. Bởi an toàn sức khỏe của họ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của hàng chục học sinh trên mỗi chuyến xe.
Còn về phía phụ huynh học sinh, rõ ràng không thể phó mặc cho nhà trường hay công ty đưa đón. Nếu trẻ em không được bố mẹ rèn luyện, thực hành các thói quen cần có như rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang đúng cách, tôn trọng quy định và hợp tác với thầy cô, với nhân viên xe đưa đón…thì các biện pháp phòng dịch trên xe sẽ không đạt hiệu quả.
Sức khỏe của trẻ em sẽ cần được theo dõi sát sao từ chính gia đình, để nếu có các yếu tố nguy cơ hoặc biểu hiện bất thường, thì liên lạc ngay với nhà trường, liên hệ với bên y tế, tạm dừng cho con đến lớp, dừng sử dụng dịch vụ xe đưa đón.
Một cái chặc lưỡi của phụ huynh, chủ quan cho rằng con mình ho sốt chỉ là do viêm họng rồi vẫn cho lên xe buýt đến trường, có thể sẽ khiến hàng chục học sinh khác cùng thầy cô và nhân viên đưa đón phải trải qua nhiều tuần hồi hộp theo dõi, chờ xét nghiệm.
Cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn dài phía trước, trong khi buýt trường học vẫn là lựa chọn an toàn, phù hợp cho học sinh. Những thay đổi về ý thức phòng dịch, sự cẩn thận và trách nhiệm thường xuyên từ các nhà trường, các gia đình và đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ là chìa khóa để duy trì hoạt động buýt học đường một cách an toàn, trong điều kiện mới./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN