Dịch bạch hầu ở Đắk Lắk vẫn chưa được khống chế

  • 01/09/2020 11:25:18
  • Nam Trang/VOV-Tây Nguyên
  • Xã hội
  • 0

Dù đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách trong phòng chống, song đến nay bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk vẫn diễn biến phức tạp, số ca bệnh không ngừng tăng .

 

Hiện nay, Đắk Lắk đã ghi nhận 39 trường hợp mắc bạch hầu, tại 13 xã của 5 huyện trên địa bàn tỉnh. Dù đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách trong phòng chống dịch bệnh bạch hầu, song đến nay bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk vẫn chưa được ngăn chặn mà còn diễn biến phức tạp, số ca bệnh không ngừng tăng .

Đắk Lắk phải làm gì để khống chế dịch bạch hầu, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú khu vực Tây Nguyên có cuộc phỏng vấn ông Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk.

PV: Thưa bác sĩ Trịnh Quang Trí, nhìn từ số liệu thống kê tình hình dịch bạch hầu tại Đắk Lắk có thể thấy rằng, những ca bệnh bạch hầu mới lại xuất hiện lặp lại tại 13 xã của 5 huyện là Lắk, M’Drak, Krông Bông, Cư Mgar và Cư Quin. Theo lý thì khi bạch hầu xuất hiện tại đâu, công tác xử lý ca bệnh, vùng dịch sẽ được ngành y tế thực hiện theo đúng quy trình của Bộ y tế và những người trong vùng dịch cũng được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Vậy vì sao dịch bệnh vẫn xuất hiện trở lại tại những huyện đó thưa bác sĩ?

Ông Trịnh Quang Trí: Bạch hầu là cái bệnh có vắc-xin phòng bệnh, tuy nhiên so với những vắc-xin khác thì miễn dịch trong vắc-xin bạch hầu thì không kéo dài được lâu và không bền vững như các vắc-xin khác. Có thắc mắc là vì sao có những trường hợp tiêm một mũi vắc-xin bạch hầu rồi mà vẫn phát bệnh? Ở đây chúng tôi khẳng định lại thông tin, vắc-xin bạch hầu là một vắc-xin có nguồn gốc từ giải độc tố bạch hầu, để tạo được miễn dịch thì phải tiêm ít nhất 2 mũi, cách nhau 1 tháng. Sau khi tiêm mũi thứ 2 thì thời gian vào khoảng 2 tuần mới bắt đầu có đáp ứng miễn dịch do vậy nếu chỉ tiêm một mũi thì khả năng phòng bệnh bạch hầu thì hầu như không có.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu là giải pháp hiệu quả và lâu dài.

PV: Vâng, như vậy thì theo liệu trình tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu thời điểm này chúng ta quay trở lại tiêm mũi 2 cho người dân trong vùng có ca bệnh. Vấn đề này được ngành y tế tiếp tục triển khai như thế nào thưa ông?

Ông Trịnh Quang Trí: Hiện nay có một khó khăn trong triển khai phòng chống bạch hầu đó là vấn đề triển khai tiêm vắc-xin. Theo Quyết định 3054 của Bộ y tế có chủ trương tiêm vắc-xin phòng chống bạch hầu cho toàn bộ người dân ở các tỉnh Tây Nguyên. Ở Đắk Lắk theo kế hoạch được Ủy ban tỉnh phê duyệt thì chúng ta sẽ triển khai tiêm vắc-xin vào khoảng gần 3,8 triệu liều vắc-xin cho toàn tỉnh. Tuy nhiên hiện nay do nhu cầu tăng đột biến như thế các nhà sản xuất vắc-xin hiện nay chưa cung ứng đủ nguồn vắc-xin mà chúng ta phải tính đến lộ trình, chúng ta biết từ ngày 15-20/7 thì mới bắt đầu có kế hoạch tiêm vắc-xin chống dịch tại các xã có ca bệnh. Cho đến hiện nay tổng số mũi vắc-xin mà Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã triển khai tiêm ở 13 xã có dịch là vào khoảng gần 200.000 liều. Để giải quyết triệt để vấn đề bạch hầu thì không có cách nào tốt hơn là phải tiêm chủng vắc-xin cho toàn bộ người dân ở địa bàn có nguy cơ mắc bệnh.

PV: Vậy trong lúc chờ đợi đủ nguồn vắc-xin, mình phải triển khai những giải pháp như thế nào để hạn chế sự bùng phát của dịch bệnh này, thưa bác sĩ?

Ông Trịnh Quang Trí: Trước tình hình dịch như thế, chúng tôi có biện pháp ưu tiên tiêm vắc-xin phòng bạch hầu thì tập trung vào các xã có dịch, tiếp đó sẽ triển khai tiêm ở những huyện có nhiều ca bệnh. Sau khi hết những xã, huyện có nhiều ca bệnh thì mới triển khai ở những xã phường còn lại. Dự kiến kế hoạch tiêm vắc-xin cho người dân trên toàn tỉnh thì có lẽ phải đến giữa năm 2021 mới hoàn thành việc này được. Hiện nay trong tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lan rộng, chúng tôi khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi tiếp xúc đông người hoặc đi ra ngoài phải đeo khẩu trang để bảo vệ cá nhân, tránh lây lan từ người này sang người khác. Còn các biện pháp lâu dài thì bắt buộc chúng ta phải thực hiện vấn đề tiêm chủng.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

 

Bình luận

    Chưa có bình luận