Vận chuyển đồ ăn: Nguy cơ trong chuỗi lây truyền dịch bệnh

  • 26/08/2020 04:15:51
  • VOV GIAO THÔNG
  • Xã hội
  • 0

Ưu điểm của dịch vụ gọi đồ ăn qua hệ thống người vận chuyển là không phải tập trung ở một điểm để ăn uống, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, nhưng còn đó nỗi lo.

 

Sự e ngại đó là hệ thống này chưa được chính những người trong cuộc và các cơ quan chức năng dành sự quan tâm đúng mực.

Dịch vụ vận chuyển đồ - Tiện lợi nhưng nhiều rủi ro!

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gọi đồ ăn qua hệ thống người vận chuyển (shipper) là ưu tiên hàng đầu của cư dân thị thành. Nó cũng là lựa chọn thiết yếu khi các khu vực nguy cơ, cộng đồng dân cư, khu chợ bị cách ly, tạm thời đóng cửa.

Ưu điểm của dịch vụ này là người dân không phải tập trung ở một điểm để ăn uống, hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, cũng có sự e ngại khi hệ thống này chưa được chính những người trong cuộc và các cơ quan chức năng dành sự quan tâm đúng mực.

Các cửa hàng chưa ý thức việc kiểm tra thân nhiệt shipper trước khi giao hàng, chưa chú ý việc xếp hàng thiếu giãn cách của họ trước khu vực lấy hàng, chưa có quy trình, tiêu chuẩn chung trong giao nhận hàng để phòng tránh dịch bệnh. Bản thân shipper không chịu bất cứ kiểm soát nào về tình trạng sức khỏe từ cơ quan chủ quản (hoặc công cụ giám sát qua ứng dụng di động), ngoại trừ chính ý thức chủ quan của họ tại thời điểm làm việc.

Dịch vụ giao đồ ăn đắt khách mùa COVID 19. Ảnh: VOV

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, gia đình chị Hoàng Thị Yến trú tại Hà Đông (Hà Nội) đã lựa chọn hình thức mua sắm online, giao đồ ăn tại nhà để hạn chế tiếp xúc nơi đông người và phòng, chống dịch bệnh. Đồ ăn hàng ngày được người giao hàng đưa đến nhà hoặc nơi làm việc, còn thực phẩm sẽ được chị Yến đặt hàng online qua các siêu thị hoặc chợ trực tuyến.

“Từ khi dịch bệnh gia đình tôi cũng chuyển sang mua đồ ăn nhiều hơn. Có những ngày cũng phải 5 đến 6 đơn, ít thì cũng phải 2 đến 3 đơn. Cũng biết là tiếp xúc nhiều với người lạ sẽ tăng nguy cơ bùng phát dịch nhưng mà thà nhận đồ từ người ship hàng còn hơn chen nhau vào cửa hàng mua đồ”.

Tương tự là lý do mà chị Hà Thị Thảo, người dân sống tại quận Hoàn Kiếm, đưa ra để ưu tiên việc đặt đồ online: “Các cửa hàng ăn ở Hà Nội hiện nay đang thực hiện giãn cách khách hàng nên cũng không có nhiều chỗ để ngồi. Có đi ăn thì cũng phải mua về nhà ngồi mà đi đường thì dịch bệnh nhiều nên tôi thường gọi ship.Nhận hàng từ ship sợ thì vẫn sợ nhưng vẫn phải nhận vì cũng chẳng còn cách nào khác”.

Mùa dịch bệnh, tâm lý người tiêu dùng đã dịch chuyển sang giao dịch online, do vậy, vai trò của người giao hàng ngày một quan trọng. Song song với khối lượng công việc nhiều hơn, thu nhập cao hơn, người làm nghề giao hàng cũng gặp nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh khi tiếp xúc với rất nhiều người mỗi ngày.

Bản thân anh Nguyễn Ngọc Chi, một nhân viên chuyên giao đồ ăn nhanh, cũng luôn phải đề cao cảnh giác phòng dịch khi đi làm: “Tiếp xúc với nhiều người tôi cũng rất lo ngại về vấn đề đó nhưng mình có biện pháp là khi giao hàng phải đeo khẩu trang, gọi điện trước để thông báo cho khách để họ biết mình đang đến đâu và biết trước lịch để nhận hàng, phải giữ khoảng cách với khách và yêu cầu khách sát khuẩn trước khi nhận đồ”.

Cần đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất, đun nấu đến đóng gói và giao nhận hàng.

Các chuyên gia dịch tễ, chuyên gia về sức khỏe cộng đồng đều cho rằng, việc đặt hàng, ship đồ ăn qua ứng dụng online là cách thức để người dân thích ứng với tình hình bình thường mới, khi được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, đảm bảo giãn cách an toàn.

Mặc dù vậy, mấu chốt vẫn là thực hành tốt các vấn đề đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất, đun nấu đến đóng gói và giao nhận hàng. Theo bác sĩ Phạm Quang Thái – Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vấn đề này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt trong nhóm các hàng quán kinh doanh ăn uống.

Không khó để bắt gặp quá trình chế biến, nấu nướng và đóng gói rất sơ sài, thiếu quy trình phòng dịch trên đường phố các đô thị lớn hiện nay.

“Những người trong khu sản xuất mà lại không được bảo hộ kỹ càng thì vẫn có thể lây nhiễm. Nếu muốn đảm bảo an toàn nhất thì người đún nấu phải đảm bảo là khẩu trang, có găng tay. Găng tay đó phải được thay thường xuyên chứ không phải là một ngày vẫn dùng đi dùng lại găng tay đó. Shipper cũng phải có khẩu trang, găng tay.”

Đi sâu hơn vào các khâu giao nhận hàng, bác sĩ Phạm Quang Thái nhấn mạnh: các đơn vị cung cấp dịch vụ cần hết sức lưu ý và phải thể hiện được sự chuyên nghiệp, vì lợi ích cộng đồng qua việc nhắc nhở, giám sát và quy định cụ thể về các dụng cụ cho nhân viên shipper.

“Ngay cả những thùng đồ của Shipper cũng nên có việc kiểm soát thường xuyên, làm vệ sinh, sát trùng. Người đến nhận thì phải nhắc nhở họ là đeo khẩu trang trước khi mà họ nhận đồ. Sau khi chuyển đồ xong thì làm động tác sát trùng tay. Phải đảm bảo an toàn cho bản thân những người shipper và an toàn cho cả nơi trao hàng cũng như nơi nhận hàng”.

Người dân cần có sự chủ động để dự phòng cho bản thân như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi nhận hàng. Ảnh: Pháp luật

Về phía khách hàng đặt ship đồ ăn, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị cho rằng, khi sử dụng các dịch vụ giao hàng từ xa, người dân cần có sự chủ động để dự phòng cho bản thân như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi nhận hàng.

“Trong thời điểm hiện tại thì không thể đảm bảo 100% về mức độ an toàn trong việc ship hàng. Đặc biệt là nguy cơ virus tồn tại trên bề mặt tiếp xúc như bề mặt gói hàng hay tiền mặt. Vì vậy các bạn nên sử dụng các dịch vụ của những nơi có uy tín để chuyển khoản, thanh toán qua ví điện tử hoặc thẻ tín dụng, qua đó hạn chế giao dịch bằng tiền mặt.”

Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình, khoa Vận tải Kinh tế, Đại học GTVT cho rằng, mô hình giao hàng lẻ rất phát triển ở các đô thị. Mặc dù tính cạnh tranh trong ngành khá cao, song do nhu cầu thị trường, nhân lực, vật lực có sẵn nên đa số các doanh nghiệp giao hàng lẻ chỉ cần tập trung vào các phần mềm kết nối, giám sát quá trình giao nhận.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc xây dựng quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho bản thân shipper cũng như khách hàng lại hầu như không có.

“Đa số các doanh nghiệp đều có các quy trình chung, nhưng để chi tiết thành quy trình vận hành tiêu chuẩn SOP (quy trình thao tác chuẩn) thì không phải doanh nghiệp nào cũng có. Hầu hết các doanh nghiệp đều để cho shipper tự chủ động. Trong bối cảnh dịch bệnh thì không phải lúc nào shipper cũng có kiến thức nền tảng, cơ bản để giữ an toàn cho mình và cho khách hàng.”

Trước tình hình này, theo Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình, các doanh nghiệp giao hàng lẻ cần tự nâng cao sức cạnh tranh của bản thân, tạo điểm đột phá qua việc xây dựng quy trình chuẩn về giao nhận hàng. Trong đó cần chú trọng về vấn đề phòng dịch trong việc nhận hàng, giao hàng, thanh toán.

Các doanh nghiệp giao hàng lẻ cần tự nâng cao sức cạnh tranh của bản thân, tạo điểm đột phá qua việc xây dựng quy trình chuẩn về giao nhận hàng.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Bình thường mới” và “an toàn mới”

Sau đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ nhất, từ tháng 4/2020 tới nay, nhà chức trách liên tục nhắc tới khái niệm “Bình thường mới”, chỉ một giai đoạn mà nhịp sinh hoạt, làm việc, học tập của người dân được trở lại sau lệnh giãn cách toàn xã hội.

Đây là nhịp sống bình thường nhưng ở một trạng thái hoàn toàn mới.

Những thói quen cố hữu bấy lâu, thậm chí văn hóa lâu năm cũng được khuyến cáo phải thay đổi. Chẳng hạn: Trước gặp nhau tay bắt mặt mừng, nay gặp nhau không vồ vập, không bắt tay. Trước về tới nhà là sà vào người thân, nay cần thay ngay quần áo, tắm rửa. Trước ốm đau đến ngay bệnh viện, nay gọi điện thoại trước cho nhân viên y tế để được tư vấn. Trước hay giao lưu gặp gỡ, nay hạn chế mời khách tới nhà và cũng hạn chế tới nhà người khác.

Cuộc sống bình thường mới cũng kéo theo những tiêu chuẩn an toàn cá nhân phải đẩy lên một mức mới, cao hơn và nghiêm khắc hơn. Nếu như trước đây, đó là việc của từng cá thể trong cộng đồng, thì nay, an toàn của một người cũng là an toàn của cả khu phố, cả một thành phố. Chỉ cần có một ca mắc, đó chính là một ổ dịch mà nếu không kịp khoanh vùng, phát hiện, sẽ lây lan và bùng phát với tốc độ rất cao.

Loài người rất giỏi thích ứng, những tiêu chuẩn mới dù khó và khác biệt đến đâu, chúng ta vẫn có thể xoay sở. Chưa kể, nếu suy xét kỹ, thực chất những tiêu chuẩn ấy không mới, thậm chí là những điều đương nhiên để đảm bảo vệ sinh, an toàn.

Đã bao lâu người lớn nhẫn nại rửa tay đủ 1 phút, với 4 trên 6 bước được lặp lại 5 lần, như lũ trẻ vẫn được dạy và thực hành ở trường? Đã khi nào người lớn nghiêm túc suy nghĩ về những lần “nhắm mắt cho qua” khi ngồi quán xá vỉa hè mà biết thừa vệ sinh thiếu đảm bảo? Mất bao lâu để những thói quen tùy tiện, cẩu thả và vô trách nhiệm trong giao tiếp, trò chuyện, ăn uống được dẹp bỏ?

Trong những bộ phim viễn tưởng, công nghệ hiện đại mang tính tương lai là “thủ phạm” chính khiến loài người trở nên ít giao tiếp, không còn hứng thú tương tác trực tiếp với nhau. Còn hiện tại, đó lại là virus SarsCoV2, nó đã làm thay đổi cách thức xã hội vận hành.

Cả hai tác nhân ấy đều gây ra những thiệt hại, và cũng đều có ảnh hưởng tích cực nhất định. Công nghệ giúp con người thích ứng được trong tình hình dịch bệnh, còn loài virus nhỏ bé kia giúp con người nhận thức lại về lối sống, nhận thức lại về những tiêu chuẩn an toàn vốn dĩ nhiên phải có, nhưng đã bị vô tình hay hữu ý bị bỏ qua.

Nhiều năm tới, rất có thể loài người sẽ phải nhìn về quá khứ trước năm 2019 với sự nuối tiếc./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận