Dự án này được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề ngập do triều cường, góp phần “giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng"...
Câu chuyện chống ngập, xóa ngập tại TP.HCM tuy không mới nhưng chưa bao giờ giảm độ nóng; bởi mỗi năm thành phố luôn có những dự án đã, đang và sẽ thi công. Đã có nhiều dự án được khởi công và kéo dài hàng chục năm qua, thế nhưng cho đến nay, mỗi khi mưa đến, ngập vẫn hoàn ngập và được người dân đùa vui rằng- đó là “đặc sản” của TP.HCM.
Dự án ngăn triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM vừa được công bố chuẩn bị “cán đích” vào cuối tháng 12/2020 đã trở thành đề tài nóng, thu hút dư luận.
"Nói chung, mình cảm thấy vui và hy vọng khi mà dự án ấy đi vào hoạt động thì sẽ giải quyết được tình trạng thủy triều dâng, ngăn được thủy triều, hạn chế được tình trạng ngập. Hy vọng nó sẽ phát huy được hiệu quả. Và Tp.HCM sẽ không còn tình trạng ngập do triều cường gây ra".
"Cứ 1 trận mưa lớn là nước tràn vào nhà, cho nên đối với người dân ở đây cũng rất mong và khao khát".
"Hy vọng nó sẽ đem lại hiệu quả tích cực, để cho người dân mình không còn cái cảnh ngập nước, xe chết máy thì rất khổ".
Dự án chống ngập này được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho quy mô diện tích 750km2, chạy qua địa phần nhiều quận, huyện, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và chống ngập một phần cho khu vực trung tâm thành phố.
Hơn nữa, dự án này còn giúp TP.HCM cải thiện được một trong những vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua trong công tác chống ngập đô thị, đó là vấn đề về điều tiết mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Theo các chuyên gia, dự án chống ngập này có ý nghĩa với người dân ở TP.HCM. Nguyên nhân là địa hình tự nhiên của thành phố có 75% diện tích thấp dưới 2 mét lại nằm liền kề biển Đông, thường xuyên bị triều cường uy hiếp. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ngập nước nhưng nếu dự án này được hoàn thành, hệ thống cống ngăn triều và đê bao ở khu vực sẽ ngăn chặn các đợt triều cường.
Ngoài ra, hệ thống máy bơm công suất lớn ở khu vực cống này cũng giúp cho việc thoát nước ở những thời điểm mưa lớn rất nhiều.
Ông Nguyễn Tâm Tiến (Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, chủ đầu tư dự án) cho biết, đến nay dự án đã đạt 88% tiến độ. Công việc còn lại không lớn chủ yếu là xây kè xung quanh các cống ngăn triều, tuy nhiên còn phải chờ bàn giao mặt bằng của khoảng 36 hộ dân thuộc huyện Nhà Bè. Hiện nay tiền đền bù đã có, phương án đền bù cũng đã lên, người dân cũng đồng thuận chỉ còn vướng ở khâu thẩm định giá nên chưa thể đền bù cho người dân.
"Dự án ngăn triều trong tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành. Thực ra cũng đã đạt đến khối lượng 87,88% rồi, chủ yếu còn lại đa phần là công tác hoàn thiện nhỏ, và các kè bên các cống. Và chúng tôi cam kết rằng, chất lượng của công trình này là chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Theo cam kết của thành phố là 3 năm nhưng mà chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm là 5 năm.”
Tại buổi khảo sát trên mới đây, ông Võ Văn Hoan (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) đánh giá cao những nỗ lực của các ban ngành và Tập đoàn Trung Nam. Ông Hoan cũng cho rằng, để dự án ngăn triều sớm đưa vào vận hành, thời gian tới, thành phố sẽ gấp rút tổ chức phương án vận hành cống, kiểm tra công trình, quản lý dự án và làm các thủ tục thanh toán cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, thành phố cũng lên phương án chuẩn bị cho việc vận hành công trình có thể phát sinh một số vấn đề khi đóng toàn bộ 6 cửa van thì khu vực trung tâm thành phố sẽ không ngập nhưng vùng ngoại ô, bên ngoài cống mực nước chắc chắn sẽ dâng lên, tác động tới một số hộ dân khác.
“Lãnh đạo thành phố cùng với Trung Nam và tất cả sở ngành, quận huyện có liên quan, cũng đã có nhiều nỗ lực, phối hợp rất tốt, để chúng ta thống nhất cách xử lý. Phối hợp giữa thành phố với các cơ quan trung ương, để chúng ta tìm con đường giải quyết những khó khăn vướng mắc của dự án. Và có thể nói là, chúng ta đã vượt qua được những khó khăn này.”.
Thực tế, dự án này không thể về kịp tiến độ; thậm chí buộc phải ngưng thi công suốt một thời gian dài từ việc chậm tiến độ thầu thi công cho đến cơ chế quản lý, nguồn vốn. Đây là vấn đề nhức nhối, cần được giải quyết nhanh.
Mời quý vị đến với góc nhìn của VOVGT qua bình luận nhan đề: “TP. Hồ Chí Minh với dự án ngăn triều 10.000 tỷ: Xắn tay đồng lòng mới cán đích”.
Dự án chống ngập do thủy triều có số vốn 10.000 tỷ của TP.HCM khởi công cách đây gần hơn 4 năm, sau nhiều “ lùm xùm” đang tiến dần về đích. Tuy nhiên cũng như nhiều dự án trọng điểm khác của thành phố, vấn đề chậm tiến độ, lỗi hẹn từ năm này qua năm khác đã xảy ra; dự án kéo dài đến 4 năm thay vì 2 năm như kế hoạch.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân được các bên liên quan luôn đưa ra là do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Dự án hiện đang vướng một số hộ dân ở Nhà Bè và Bình Chánh nên chưa thể thi công dứt điểm và bàn giao trong tháng 10 mà sẽ lùi lại đến hết năm nay. Mới đây thực hiện yêu cầu của lãnh đạo UBND TP, 2 huyện này cam kết sẽ hỗ trợ bàn giao mặt bằng sớm nhất cho đơn vị thi công Trung Nam.
Những ngày qua, lãnh đạo TP cùng các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến dự án; tổ chức kiểm tra, đôn đốc liên tục; tìm cách tháo gỡ khó khăn cho dự án. Điều này cũng thể hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là ở nơi nào việc giải ngân vốn đầu tư công chậm thì người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm.
Dự án chống ngập do triều được thi công theo hình thức BT( đầu tư- chuyển giao) khi khởi công là một tin vui đối với mỗi người dân thành phố. Với 6 cống chống ngập xây dựng tại nhiều quận, huyện phía Nam khi dự án đưa vào hoạt động sẽ góp phần đáng kể vào việc giải bài toán chống ngập lụt của thành phố bấy lâu nay.
Việc dự án đang ở giai đoạn nước rút đặt ra các công việc cụ thể, chi tiết mà lãnh đạo thành phố cũng đã lưu ý phải làm trong thời gian tới để dự án phát huy hiệu quả. Theo đó các khâu quản lý, vận hành, khai thác cần được đảm bảo; xử lý được yêu cầu ngăn nước xâm nhập vùng trong nhưng lại không gây ngập lụt vùng ngoài cống.
Đi cùng đó là vấn đề duy tuy, bảo dưỡng để các cống đập thực sự có chất lượng lâu dài. Một yêu cầu nữa là vấn đề thanh quyết toán dự án; đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư; khai thác tiềm năng, thế mạnh mà dự án mang lại vv... Các yêu cầu kể trên nếu không được tính toán đầy đủ, làm có trách nhiệm rất có thể sẽ lại tiếp tục rơi vào lúng túng, sử dụng kém hiệu quả.
TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức với các với tác động kép của nước biển dâng, triều cường và sụt lún. Ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu còn có yếu tố chủ quan, do chính sự phát triển quá nóng về đô thị thiếu sự kiểm soát. Tình trạng ngập lụt, sụt lún đang diễn ra ở nhiều nơi đã đến lúc báo động. Thành phố đang triển khai các dự án quan trọng cho giai đoạn 2 của chương trình chống biến đổi khí hậu.
Từ kinh nghiệm dự án chống ngập giai đoạn một 10.000 tỷ vừa qua cho thấy, nếu các cấp, các ngành của thành phố không đồng tâm, hiệp sức xắn tay giải quyết các vướng mắc, khó khăn; còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thời gian tới, nhiều công trình, dự án trọng điểm khác của thành phố sẽ lại chậm tiến độ; các bức bối về đô thị tiếp tục không được giải quyết.
Khi đó thiệt thòi sẽ là rất lớn đối với mỗi người dân và chính quyền thành phố cả trước mắt và lâu dài./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN