Đội ngũ thầy thuốc phải mặc đồ bảo hộ kín bưng, làm việc nhiều giờ trong môi trường có nhiều nguy hiểm, không được phép sai sót bất cứ khâu nào để cứu chữa những người mắc Covid-19 xuyên ngày đêm.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng, tính đến trưa ngày 11/8, địa phương ghi nhận 273 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4 ca được điều trị khỏi, 12 ca tử vong, hiện đang điều trị 257 ca. Trong số này có 58 ca điều trị tại Bệnh viện Phổi, 184 ca điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, 2 ca điều trị tại Bệnh viện Quảng Nam và 13 ca điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Trước khi Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, các đơn vị liên quan đã tiến hành vận chuyển bệnh nhân đang điều trị các bệnh liên quan đến phổi về các cơ sở tuyến huyện. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống các phòng chức năng, máy móc, giường bệnh để làm nơi điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 cũng được đội ngũ thầy thuốc từ Trung ương đến địa phương giám sát chặt chẽ.
Được tăng cường chi viện cho Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, người mang biệt danh “bác sĩ 91”) suốt nhiều ngày qua cùng nhiều thầy thuốc luôn túc trực ngày đêm để chữa trị, cấp cứu, hồi sức cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.
Khu vực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được thiết kế khép kín, khu vực ra vào riêng biệt, đảm bảo an toàn cho từng cán bộ thầy thuốc khi làm việc tại đây.
Tầng 1 được thiết kế điều trị cho 6 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, tầng 2 điều trị bệnh nhân nhẹ hoặc đang phục hồi. Tại khu vực tầng 2, nhiều bệnh nhân đang có dấu hiệu phục hồi tốt, có thể tự đi lại, trò chuyện cùng các thầy thuốc.
Lê Bảo - Minh Thùy