Ngay sau khi được công bố, Dự luật đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi đây là lần đầu tiên có một dự thảo luật tách bạch riêng lĩnh vực đảm bảo TTATGT ra khỏi vấn đề hạ tầng.
Dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ: Có gì mới?
Với 8 chương 93 điều, Dự thảo Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ bao gồm các nội dung quy định về: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Ngay sau khi được công bố, Dự luật đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Bởi đây là lần đầu tiên có một dự thảo luật tách bạch riêng lĩnh vực đảm bảo TTATGT ra khỏi vấn đề hạ tầng. Trước đó, lĩnh vực này được quy định chung tại Luật Giao thông đường bộ.
Tại Dự luật này, các thuật ngữ đã rất quen thuộc nhưng lần đầu tiên được “khái niệm” một cách hệ thống, như: thế nào là “trật tự, an toàn giao thông đường bộ” và “bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, thế nào là “quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, hay “ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ” là gì?
Điểm nổi bật của Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT so với các luật trước đó, là mức độ chi tiết cụ thể của các quy tắc giao thông đường bộ, như quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách.
Dự thảo cũng làm rõ hơn một số quy định mà lâu nay có thể dẫn đến những cách hiểu khác nhau, như quy tắc về sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe.
Tốc độ tối đa của các xe trọng tải lớn khi lưu thông trên cao tốc, khoảng cách an toàn giữa các xe tùy theo tốc độ, thời tiết, điều kiện mặt đường và địa hình… cũng được bổ sung hoặc điều chỉnh quy định lại, tại Luật này.
Ngoài việc làm chi tiết và chặt chẽ hơn các quy định về từng lĩnh vực của công tác đảm TTATGT, thì vấn đề quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan trong lĩnh vực này cũng được quy định rất rõ ràng. Trong đó, đáng chú ý, có một số thay đổi về đầu mối quản lý đối với công tác quản lý sát hạch lái xe, quy định về cơ quan chịu trách nhiệm sau cùng đối với hành vi của người tham gia giao thông, gắn trách nhiệm của Bộ Công an trong khâu nghiệm thu đánh giá về an toàn giao thông đối với các công trình giao thông đường bộ trước khi đưa vào khai thác; trách nhiệm trong điều chỉnh, thay đổi hệ thống báo hiệu đường bộ và trong tổ chức giao thông.
Lý giải về tính cấp thiết của Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, tại Dự thảo Tờ trình Luật này, Bộ Công an đánh giá: TNGT ở Việt Nam từ 2009 đến nay tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao so với thế giới, và có đến 90% nguyên nhân từ vi phạm của người tham gia giao thông. Ngoài ra, vấn đề quản lý hành vi giao thông, quản lý phương tiện, bằng lái… vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của Quản lý nhà nước đối với công tác đảm bảo TTATG. Với các lý do đó, Bộ Công an cho rằng, sự ra đời của Luật Bảo đảm TTATGT là cần thiết để hoàn thiện quy định pháp luật, giải quyết những vấn đề cấp thiết vừa nêu.
Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT sẽ tác động như thế nào đến xã hội?
Để rõ hơn khả năng và các hướng tác động có thể xảy ra nếu Luật Bảo đảm TTATGT được thông qua, phóng viên có cuộc phóng vấn ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.:
PV: Thưa ông, hiện nay Bộ Công an đang soạn thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Vậy xét từ bối cảnh ra đời của dự thảo luật cũng như là một số nội dung được đề cập trong dự thảo luật này. Theo ông, khi luật được ban hành thì nó sẽ tác động xã hội như thế nào?
Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy rằng luật này ra đời thì chắc chắn nó sẽ tác động tốt đến người tham gia giao thông, đến các cơ quan quản lý giao thông. Bởi vì luật này có rất nhiều chương, điều cụ thể hóa hơn, quy định rõ trách nhiệm của người tham gia giao thông, cũng như trách nhiệm của người thực thi việc bảo đảm ATGT, đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải, thì tôi thấy nó sẽ có tác động tốt hơn.
Trong đó, tôi được biết là rất nhiều những điều luật khung pháp lý nghiêm hơn và chế tài nghiêm khắc hơn. Chế tài nghiêm khắc hơn thì cũng mang tính răn đe nhiều hơn. Cho nên cũng cảnh báo đối với những người tham gia giao thông mà có hành vi không bảo đảm các quy định của Luật.
PV: Vậy còn mặt tác động tiêu cực của dự án luật này. Chẳng hạn, người tham gia giao thông sẽ bị tác động như thế nào khi mà dự luật được ban hành?
Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy là người tham gia giao thông trước hết là phải tuân thủ các quy định. Thứ hai là người thực thi để đảm bảo trật tự an toàn giao thông thì cũng phải thấy rằng là có những vấn đề an toàn giao thông xảy ra những trường hợp vi phạm hoặc không an toàn giao thông thì cũng không phải do người dân, mà có khi lại do chính cơ quan quản lý nhà nước. Là vì sao? vì nếu anh không đảm bảo hạ tầng giao thông tốt, anh cắm biển mà lại bị che khuất đi, rồi cứ nói đấy là do người tham gia giao thông. Hoặc là mình vừa mới cắm xong buổi sáng, buổi chiều đã phạt thì người dân chưa thích ứng. Đấy không thể tại người dân được! Những trường hợp như thế thì theo tôi là nhắc nhở hướng dẫn cho người dân hơn là phạt người ta.
Bộ Công an đề xuất chuyển việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho Bộ Công an phụ trách, thay vì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) như hiện nay.
Tại sao chuyển công tác sát hạch cấp GPLX về Bộ Công an quản lý?
Một trong các nội dung rất đáng chú ý tại dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an soạn thảo, đó là đưa công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe về Bộ Công an quản lý. Vì sao có đề xuất điều chuyển này? Phóng viên VOVGT có cuộc trao đổi cùng Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an, đơn vị chịu trách nhiệm chính xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm TTATG.
PV: Thưa Đại tá Đỗ Thanh Bình, ông có thể nói rõ là lý do vì sao Ban soạn thảo có đề xuất như vậy?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trên cơ sở tổng kết Luật giao thông 2008 và chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chúng tôi thấy rằng liên quan đến trực tiếp gây mất an toàn và mất trật tự giao thông chính là người điều khiển giao thông. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi cho rằng giấy phép lái xe không phải đơn thuần như các loại giấy phép khác mà nó gần như là để khẳng định anh đủ kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn và đã an toàn thì phải có cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn.
Luật giao thông 2008 không chỉ rõ chịu trách nhiệm về an toàn là cơ quan nào. Đây chính là một bất cập và chúng tôi mới tham mưu để đề xuất xây dựng Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông phải quản lý không những là cấp giấy phép lái xe còn quản lý cả quá trình.
Sau đó là quản lý hành vi, tức là anh có vi phạm về hành chính về tham gia giao thông hay không rồi liên quan đến quản lý dân cư thì tất cả dữ liệu đó hiện nay theo chức năng, nhiệm vụ là đang được giao cho lực lượng Công an. Chúng tôi cho rằng phải siết chặt kể cả sản phẩm an toàn là đầu ra để làm sao cho xã hội an toàn hơn. Yêu cầu của chúng tôi đối với một người tham gia giao thông về mặt an toàn sẽ cao hơn và sát thực tiễn hơn so với tình hình giao thông vào Việt Nam.
PV: Theo ông, nếu như đề xuất này được thông qua thì nó sẽ có những tác động xã hội như thế nào?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trước hết, lực lượng Công an trước 1995 đã là người được giao sát hạch và quản lý GPLX. Hai là, chúng tôi là người trực tiếp tuần tra kiểm soát phát hiện vi phạm, điều tra các vụ tai nạn giao thông thì chúng tôi có đủ thông tin để đánh giá những cái đạt được, những cái còn bất cập để hoàn thiện về chương trình đào tạo, về chương trình sát hạch để làm sao người tham gia giao thông khi được cấp giấy phép lái xe sẽ đảm bảo chất lượng tốt hơn.
PV: Những học viên hoặc những người sở hữu bằng lái hiện nay sẽ có sự thay đổi hoặc tác động như thế nào từ việc đưa công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông về Bộ Công an?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Những giấy phép lái xe đang có hiệu lực thì vẫn bình thường, đến khi luật có hiệu lực thì sẽ có hướng dẫn để chuyển đổi thôi chứ không phải là sát hạch lại. Còn những học viên mới thì từ ngày nào có hiệu lực thì anh phải chấp hành theo một nội dung sát hạch. Tôi cho rằng là không có vướng mắc tác động liên quan.
Với các thuyết trình của cơ quan soạn thảo, với phân tích từ các nhà lập pháp, các bạn thấy thế nào về Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT mà Bộ công an vừa đưa ra lấy ý kiến? Bạn đánh giá thế nào về các hướng tác động của Dự luật này đối với xã hội (nếu được thông qua)?
Và đối với công việc, cuộc sống, nghề nghiệp của bạn, những quy định mới có khả năng tác động ra sao? Bạn mong muốn dự thảo Luật bảo đảm TTATGT được điều chỉnh như thế nào, hay có góp ý gì cho dự luật?
Để bày tỏ ý kiến, góp ý cho Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, xin mời quý vị và các bạn gọi tới VOVGT với số hotline 02437.91919, chia sẻ qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.
Theo VOVGIAOTHONG.VN