Tác động hai chiều của smartphone tới sinh viên
Một khảo sát về “Cuộc sống của sinh viên trong thời đại kỹ thuật số” năm 2015 của BrandVietnam (Thông tin Thương hiệu và Marketing toàn diện tại Việt Nam) cho thấy, có tới 65% sinh viên Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh (smartphone). Và sinh viên (SV) Việt Nam dành khoảng 5,1 tiếng mỗi ngày cho internet với những hoạt động phổ biến nhất: Gọi điện thoại, nhắn tin, lướt web, dùng mạng xã hội (MXH). Ngoài ra, SV còn dùng smartphone để chơi game và mua hàng trực tuyến.
Qua khảo sát của chúng tôi với SV ở nhiều trường đại học cũng chứng minh: Gần như 100% SV hiện nay sử dụng smartphone, nếu như không muốn nói là có nhiều SV có tới hơn 1 chiếc smartphone.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay thì việc SV dùng smartphone là điều tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn là: Smartphone ảnh hưởng như thế nào tới việc học tập và rèn luyện của SV?
Về mặt lợi ích của smartphone với SV, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Smartphone là một công cụ rất đa năng, thuận tiện, hữu ích cho SV trong việc tìm hiểu, tiếp cận thông tin, kiến thức xã hội, phát huy tri thức về lịch sử, văn hóa... một cách đa dạng, phong phú. Smartphone cũng là công cụ để SV tương tác với giáo viên, các nhóm làm việc trong học tập, còn có thể kết nối với các nhóm xã hội ở bên ngoài để bổ sung, làm “giàu” cho các bài tập của mình. Thứ ba, đó còn là công cụ để chụp ảnh, quay video, ghi âm để hỗ trợ SV học tập”.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là smartphone cũng mang đến không ít những tác động tiêu cực tới việc SV học tập. Một trong các tác hại đó là nó tiêu tốn rất nhiều thời gian, dẫn đến quỹ thời gian dành cho học tập của SV bị giảm. Phạm Diễm Quỳnh, SV trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Không ít bạn dùng điện thoại ngay trong giờ học nên không tập trung nghe giảng. SV sử dụng smartphone sẽ mang đến những tiêu cực nhiều hơn vì giảng viên không sát sao như giáo viên các cấp học phổ thông nên SV sử dụng điện thoại trong giờ học tự do hơn”.
Quá trình học tập của SV thường bị gián đoạn bởi các ứng dụng của điện thoại thông minh và họ không kiểm soát được việc học của mình. SV càng nghiện smartphone thì khả năng tự học và kết quả học tập càng giảm. Giới trẻ trở nên phụ thuộc vào smartphone và bỏ qua những giá trị sống thực.
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng cho rằng: “Vì tính tiện lợi của smartphone khiến SV dễ xao nhãng mục tiêu học tập và sa đà vào chát, đọc các thông tin không gắn với học tập. Những SV không có mục tiêu, ý chí, định hướng học tập rõ ràng càng dễ bị cuốn theo những tương tác không hữu ích trên mạng xã hội, có thể bị lôi kéo và sa đà vào các thông tin độc hại hoặc vào những hành động đi theo hiệu ứng đám đông”.
Để smartphone là “người bạn” hữu ích của sinh viên
Dù có những hạn chế nhất định, nhưng nếu sử dụng smartphone một cách hợp lý thì đó là công cụ rất hữu hiệu để hỗ trợ SV học tập thuận tiện hơn: học ở mọi nơi, mọi lúc, tìm kiếm tài liệu tham khảo, học trực tuyến, đọc E-book, thu thập thông tin giáo dục trên web của trường, download tài liệu, thu âm bài giảng trên lớp, học ngoại ngữ, sao lưu tài liệu học tập, tải các ứng dụng học tập... để có thể cập nhật được nhiều kiến thức mới bên cạnh các kiến thức đã được tiếp nhận trên giảng đường.
Bày tỏ về việc làm thế nào để smatphone trở thành người bạn hữu ích của SV trên con đường học tập, Nguyễn Đức Cường, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “SV cần phân bổ thời gian sử dụng hợp lý cho các hoạt động giải trí trên điện thoại thông minh, kết hợp với mục đích học tập nếu muốn có kết quả học tập tốt hơn. Tránh dùng smatphone để chơi game trong giờ học, hoặc lên mạng, truy cập những trang web có nội dung không lành mạnh... Smartphone cũng có thể thay thế được máy ảnh, laptop, máy quay nên nó càng có ích, nhất là với SV ngành báo chí hoàn toàn có thể chụp ảnh viết tin, dựng video bằng smartphone”. Trần Thị Hoàng Vinh, SV trường Đại học Hà Nội cũng khẳng định: “Không nhất thiết phải có smartphone trong quá trình học tập bởi SV có thể gặp trực tiếp giảng viên hoặc các bạn để hỏi bài. Hơn nữa, vẫn có tài liệu giấy để học”.
Trao đổi về việc giúp SV có cách sử dụng smartphone hiệu quả hơn cho việc học tập, TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục cho biết: “Từ năm 2010, SV đã bắt đầu sử dụng smartphone để lập nhóm trao đổi thông tin về trường lớp cũng như bài học. Mặt trái của việc sử dụng smartphone là SV sẽ bị sa đà vào MXH, nghiện lướt mạng, chát messenger... Có bạn ngồi trong lớp lướt facebook khiến khả năng học tập bị giảm sút. Những SV thi trượt mà đọc các bài viết của bạn bè khoe thành tích sẽ dễ dẫn đến tình trạng buồn nản, mất nhuệ khí học tập. Vì thế, khi sử dụng smartphone, SV phải vượt qua được một vài tác hại của nó”.
Theo TS. Vũ Thu Hương, đã có trường hợp SV nghiện smartphone đến mức đi ngủ cũng cầm trên tay. Bạn ấy khi bị thi trượt đã có suy nghĩ hết sức tiêu cực. Một trong những lý do của hiện tượng này là do bạn ấy đọc các status khoe điểm của bạn bè và cảm thấy rất chán nản. Trong khi đó, việc sử dụng smartphone giúp thành tích học vượt trội là không thể có. Bạn nào có chí học tập và phương pháp học tập tốt thì sẽ thành công và ngược lại. Smartphone không hữu dụng đến mức thay đổi con người.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng cho rằng, nhà trường cần có quy chế, quy định về việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Trừ một số những môn học nào cần tìm kiếm thông tin có thể sử dụng điện thoại, nhưng cũng phải có quy định rõ ràng cho những môn học đó. Trên thực tế, đã có lệnh cấm sử dụng smartphone trong giờ học chính và tôi ủng hộ điều này. “Về phía SV, phải có và giữ vững mục tiêu, định hướng rõ ràng trong học tập để không dễ dàng bị sức hút của smartphone cuốn đi”, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng nhấn mạnh./.
Các ý kiến:
Nguyễn Đức Cường, SV Học viện Báo chí và Tuyên truyền:
Em thường xuyên sử dụng smartphone cho việc kết nối với mọi người và trong công việc như quản lý một số trang facebook. Những bạn sử dụng smartphone cho việc học online, thường là học ngoại ngữ, trao đổi nhóm hoặc làm việc là có nhưng không nhiều, mà chủ yếu dùng thiết bị này để truy cập MXH, tương tác với bạn bè.
Phạm Phương Linh, SV trường Đại học Sư phạm:
Mặt tích cực là nhờ smartphone, SV được hỗ trợ trong học tập khi cần, vì các giảng viên chỉ là người hướng dẫn còn SV phải tự tìm hiểu, tìm tài liệu liên quan đến học tập. Nhiều bạn sử dụng smartphone để hỗ trợ cho học tập thực sự hữu ích vì nó rất tiện cho việc lưu trữ tài liệu và tra cứu thông tin hoặc tra từ điển online rất hiệu quả. Các bạn còn lập nhóm để trao đổi về học tập.
Phạm Diễm Quỳnh, SV trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
Nhiều bạn mê mải với smartphone nên thức khuya khiến sức khỏe bị tàn phá. Việc nghiện smartphone còn khiến SV thiếu đi những kỹ năng mềm như giao tiếp, xử lý tình huống..., và rất khó để tự đứng vững trên đôi chân của mình khi bước ra ngoài xã hội. Công nghệ sinh ra là để phục vụ con người. Vì thế, phải biết cách làm chủ nó thay vì để nó làm chủ mình. Nhiều bạn SV nhận thức được điều này nhưng đã không nghiêm túc với bản thân để thoát ra được sức lôi cuốn của smartphone.
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục:
Sinh viên nên chủ động tắt các thiết bị smartphone khi vào học và chỉ nên mở nó ra khi có yêu cầu của giảng viên. Việc tìm kiếm thông tin cũng không nên quá phụ thuộc vào internet vì có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng. Các bạn rất nên tham khảo thông tin trong sách, đến thư viện làm việc để bổ sung kiến thức cho mình. Mỗi ngày, các bạn nên tự quy định sẽ sử dụng smartphone trong thời lượng từ 1 - 3h. Ngoài thời gian đó, chúng ta hãy đóng máy lại để vui chơi và học tập. Chắc chắn với lịch trình như vậy, các bạn sẽ ko bị smartphone làm ảnh hưởng đến cuộc sống”.