Thí điểm biển báo điểm dừng xe buýt theo mẫu mới

Mẫu biển báo mới có chiều cao hơn 3m; mái che có điện chiếu sáng giúp hành khách tra cứu thông tin khi trời tối, đảm bảo an ninh trật tự tại điểm dừng.

 

Nhằm thực hiện mã hoá hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt; cải thiện, đổi mới cách thức thông tin về lộ trình, điểm dừng đỗ và đặc biệt thông tin giờ xe trên hệ thống hạ tầng xe buýt của thành phố, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị đã tiến hành lắp đặt mẫu biển báo điểm dừng xe buýt mới tại vị trí điểm dừng xe buýt số 1 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội).

Mẫu biển báo mới có chiều cao hơn 3m; mái che có điện chiếu sáng giúp hành khách tra cứu thông tin khi trời tối, đảm bảo an ninh trật tự tại điểm dừng. Bên cạnh đó, bảng thông báo mới có diện tích gấp 2 lần biển báo hiện tại, cho phép cung cấp nhiều thông tin về các chuyến buýt; bảng thông tin phía trên mái biển báo sẽ cung cấp thông tin về nhận biết điểm dừng, số hiệu các tuyến dừng, tên điểm dừng giúp hành khách, người lái xe buýt dễ quan sát.

Lắp đặt mẫu biển báo điểm dừng xe buýt mới tại vị trí điểm dừng xe buýt số 1 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội).

Ngay sau khi được lắp đặt, mẫu biển báo điểm dừng xe buýt mới đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, đa số người dân đều cho rằng biển báo hiện tại do lắp đặt từ nhiều năm nên đã xuống cấp, nhiều nơi biển báo bị mờ, mất chữ, thậm chí có những điểm đã thay đổi lộ trình của tuyến buýt. Vì vậy, việc thay đổi, lắp đặt biển báo mới sẽ cải thiện những hạn chế đang tồn tại.

Một số ý kiến đánh giá:

"Trông biển báo mới thế này thì cũng tiện lắm, có mái che rồi chữ to thế này thì người già đọc lại càng dễ. Thông tin cũng đầy đủ, thay vì trước đây mình phải ngước lên mới thấy được thì bây giờ chỉ cần nhìn thẳng là đọc được thôi. Nhưng có lẽ, buổi tối mà bảng biển có đèn bật sáng từ trong ra thì sẽ đọc rõ hơn".

"Lắp biển báo mới thế này thì đẹp, nên làm, nên phát triển ở các điểm khác, người già mắt kém thì người ta cũng đọc được, trước treo lên cây thì có nhìn thấy đâu"

"Biển báo mới hơn ở chỗ trông có vẻ khang trang và dễ đọc hơn nhưng theo tôi nếu biển này nó có hệ thống báo ví dụ xe 50, xe 52 còn bao nhiêu thời gian nữa sẽ đến bến thì nó tốt hơn".

"Biển báo mới sẽ tiện hơn trong việc tra cứu các điểm dừng xe, biển báo cũ chỉ nhìn được vào điểm đầu, điểm cuối thôi. Với những người đi xe lạ thì người ta sẽ không biết được hoặc có thể không tra được trên điện thạoi thì cái này cũng cần thiết".

Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau khi lắp đặt thí điểm mẫu biển báo theo kiểu mới, đơn vị sẽ tiến hành khảo sát, lấy ý kiến phản hồi của hành khách, người dân và các đơn vị liên quan. Thời gian thí điểm từ nay đến tháng 10/2020.

"Hiện nay trung tâm đã lắp đặt mẫu biển báo điểm dừng mới có thiết kế phù hợp với thuần phong mỹ tục và cảnh quan của thủ đô Hà Nội. Biển báo điểm dừng mới sau gần 1 tuần thí điểm cũng nhận được đánh giá cao của người dân đi lại bằng phương tiện công cộng. Biển báo mới cũng giúp cho hành khách tra cứu thông tin về các lộ trình tuyến được thuận tiện, dễ dàng kể cả ban ngày và ban đêm", ông Thái Hồ Phương cho biết.

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, nếu thí điểm thành công, việc lắp đặt biển báo mới sẽ được tiến hành nhân rộng: "Sau thời gian thí điểm, trung tâm sẽ tổng hợp, báo cáo Sở GTVT, trường hợp biển báo mới phát huy tác dụng thì chúng tôi sẽ báo cáo để nhân rộng mẫu điểm dừng mới. Sắp tới, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, thí điểm để lắp thêm màn hình LED để tiện cho việc tra cứu phần mềm tìm buýt để tạo điều kiện cho việc tra cứu thông tin của người dân được thuận tiện".

Việc đầu tư xây dựng các biển báo điểm dừng sẽ góp phần mang đến cho thành phố một hệ thống nhà chờ xe buýt đồng bộ, hiện đại, bảo đảm chất lượng phục vụ nhân dân. Đây cũng chính là “chìa khóa” để xe buýt thực sự hấp dẫn, thu hút thêm người dân sử dụng dịch vụ, qua đó góp phần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận