Như vậy là điều không mong muốn đã xảy đến. Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, mới đây, Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp mắc Covid-19 tại Đà Nẵng. Tình hình dịch bệnh tại thành phố này hiện nay ra sao? Việc giãn cách xã hội tại Đà Nẵng cần được thực hiện ở quy mô như thế nào? Người dân cần làm gì để đối phó với dịch bệnh? Người từ Đà Nẵng đến các tỉnh thành khác có phải khai báo y tế không? Liệu đây đã phải là làn sóng mới của dịch bệnh Covid-19 ở nước ta hay không. Đó là những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Câu trả lời sẽ có trong cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
PV: Thưa Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng hiện nay? Và việc giãn cách xã hội tại thành phố này cần được thực hiện ở quy mô như thế nào?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trong thời gian vừa rồi, sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, mất cảnh giác. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm và tử vong rất cao. Việt Nam vẫn phải thực hiện đón công dân ở nước ngoài về nước. Chúng ta đã phát hiện 1 số đối tượng nhập cảnh trái phép vào nước ta, cộng với tư tưởng chủ quan của người dân, chúng tôi quan ngại dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại, đặc biệt là sau khi xuất hiện 2 ca bệnh cộng đồng ở Đà Nẵng.
Hiện nay chưa nên áp dụng giãn cách xã hội cho toàn thể thành phố Đà Nẵng, mà nên chọn theo cụm dân cư, khu phố mà bệnh nhân sinh sống. Ngay trong Bệnh viện Đà Nẵng cũng chọn khu vực Trung tâm Tim mạch, nơi bệnh nhân 416 đến chăm sóc mẹ để thực hiện giãn cách, phong tỏa theo tinh thần chỉ thị 16.
PV: Qua thực hiện việc truy vết 2 ca bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng thì ngành y tế đã phát hiện được nguồn lây bệnh, tức là ca bệnh F0 chưa, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Hiện nay vẫn chưa phát hiện được nguồn lây cho 2 bệnh nhân này và coi 2 ca bệnh này như là ca bệnh F0 để thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch.
PV: Theo ông thì hiện nay người dân và khách du lịch tại Đà Nẵng cần làm gì để đối phó với Covid-19?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Trước hết người dân không được chủ quan, lơ là trước tình hình diễn biến dịch bệnh, đặc biệt phải tuân thủ việc đeo khẩu trang tại các nơi đông người, người dân Đà nẵng hạn chế đến nơi đông người, thực hiện việc rửa tay sát khuẩn, tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ y tế về công tác phòng chống dịch bệnh. Sàng lọc thông tin và chỉ nhận những thông tin chính thống từ Bộ y tế.
PV: Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiến hành xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Vậy, ông có dự báo gì về số ca dương tính trong cộng đồng thời gian tới?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia đánh giá dự báo tình hình diễn biến dịch vẫn có nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên, chưa coi đây là làn sóng thứ 3, nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống cao hơn 1 mức so với thực tế. Thậm chí Bộ Y tế đang có hướng đưa tất cả các đối tượng F2 đi xét nghiệm.
PV: Một vấn đề đang được rất nhiều địa phương quan tâm, đó là những người từ Đà Nẵng đến các tỉnh thành khác có phải khai báo y tế không, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đối với người dân và du khách từ Đà Nẵng trở về các địa phương khác, Bộ Y tế đã đề nghị thực hiện phương án từ 0 giờ ngày 27/7 phải khai báo y tế, tự theo dõi sức khỏe của mình. Nếu có vấn đề gì thì phải đến các cơ sở y tế để được khám và lấy mẫu xét nghiệm. Phương án này mới chỉ là kiến nghị của Bộ Y tế, đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!
Văn Hải/VOV.VN