Đã hơn 2 năm sau khi phá dỡ để sửa chữa, cải tạo công trình nhà gác chắn tại đường ngang Km25+200 tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (Hà Nội) đến nay công trình này vẫn chưa được triển khai xây dựng do một số hộ dân cản trở thi công.
Điều này đang gây ra nhiều hệ lụy, uy hiếp đến an toàn chạy tàu, an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông qua đường ngang này.
Theo tìm hiểu của Phóng viên VOV Giao thông, đường ngang Km25+200 là điểm giao cắt giữa Quốc lộ 1A cũ và tỉnh lộ 437, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá cao, đặc biệt vào giờ cao điểm nơi đây thường xảy ra ùn tắc. Đây là đường ngang tiêu chuẩn cấp 2 có người gác. Trong đó, nhà gác chắn là một hạng mục thuộc công trình này, được lắp các thiết bị thông tin, tín hiệu để điều hành giao thông đường sắt - đây cũng là nơi làm việc của nhân viên gác chắn trong ca trực gác đường ngang.
Từ nhiều năm nay công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các thiết bị thông tin tín hiệu phục vụ an toàn chạy tàu, cũng như ảnh hưởng tới điều kiện làm việc của những người làm nhiệm vụ trong ca gác.
Trước thực trạng đó, phương án sửa chữa, cải tạo công trình này đã được Bộ GTVT phê duyệt theo danh mục sản phẩm dịch vụ công ích trong lĩnh vực quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2018. Và từ tháng 4/2018, Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh đã tiến hành phá dỡ nhà gác chắn cũ.
Tuy nhiên, khi tiến hành sửa chữa, xây dựng lại trên vị trí cũ thì gặp phải sự cản trở của một số hộ dân khu vực liền kề, vì cho rằng lối đi của họ bị thu hẹp gây bất tiện cho việc đi lại.
Ông Nguyễn Văn Thanh, thôn Tử Dương, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội nói: “Các ban, ngành xem lại mà xử lý, chứ xây dựng trên đường cũ như thế này chỉ còn một mét thì nói thật sự không thể đi nổi. Cả khu dân này có độ một mét hai người đi lách nhau thì đi sao nổi”.
Được biết, hiện có 29 hộ dân thôn Tử Dương đang sinh sống dọc theo đường sắt gần đường ngang Km25+200. Lâu nay, người dân di chuyển ra vào nhà bằng các lối đi tự mở băng qua đường sắt và một số hộ đi lại bằng lối đi ngay cạnh nhà gác chắn.
Trước thông tin Bộ GTVT sắp triển khai xây đường gom tại khu vực này (thuộc dự án nâng cấp cải tạo đoạn đường sắt HN – Vinh), các lối đi tự mở qua đường sắt sẽ bị rào lại, điểm đầu vào đường gom sẽ được lắp đặt thiết bị thông tin tín hiệu, gác chắn, nhà gác đường ngang và chiều rộng của đoạn đường gom này chỉ còn khoảng 1,5m, nên người dân nơi đây đã cố tình cản trở việc thi công xây dựng công trình. Chính vì thế mà gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành các thiết bị thông tin tín hiệu phục vụ an toàn chạy tàu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn, Công ty CP Đường sắt Hà Ninh chia sẻ: “Việc này gây nhiều phiền phức và bức xúc, về điều kiện làm việc thì công ty vẫn phải đi thuê, mà đi thuê thì việc lắp đặt trang thiết bị không được chính quy, còn đang tạm bợ. Hơn nữa nguồn vốn để đi thuê nhà này đang bất cập, vì nhà nước không cấp vốn đầu tư cho đi thuê như thế này, dẫn đến ảnh hướng tới điều kiện làm việc của người lao động, đường đi lên xuống để đón tàu bị ảnh hưởng trong giờ cao điểm vì phương tiện tăng cao”.
Trước phản ứng của một số hộ dân, chính quyền địa phương đã bố trí 2 buổi đối thoại giữa Công ty CP Đường sắt Hà Ninh và người dân, thế nhưng chưa mang lại kết quả. Để đảm bảo công trình được triển khai xây dựng, các cấp chính quyền địa phương và đơn vị thi công cần tập trung tuyên tuyền để các hộ dân hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật về công tác an toàn và bảo vệ hành lang an toàn đường sắt.
ng Đào Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết: “Công ty CP đường sắt Hà Ninh sớm có phương án thi công, ngày giờ cụ thể và chính quyền chúng tôi trên cơ sở ý kiến đề xuất chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch bố trí lực lượng, báo cáo với huyện để bố trí các lực lượng đảm bảo, bảo vệ hiện trường cho đơn vị thi công”.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, nhằm tạo điều kiện cho nhân dân có lối đi rộng rãi, chính quyền địa phương cũng nên tính đến phương án bố trí mặt bằng mới, thay thế vị trí cũ để ngành đường sắt sớm xây dựng nhà gác chắn, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động, phục vụ an toàn chạy tàu, an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông qua đường ngang này.
Theo VOVGIAOTHONG.VN