Theo đó, tất cả các hình thức tuần tra, kiểm soát của CSGT đều phải nằm trong kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thông báo công khai qua nhiều hình thức, trong đó có đăng tải trên internet, để người dân giám sát.
Trong việc tuần tra, kiểm soát tại một điểm trên đường, CSGT phải lựa chọn địa điểm, mặt đường rộng, thoáng, không che khuất tầm nhìn... Khi kiểm soát vào buổi tối, ban đêm, nơi đó phải có đèn chiếu sáng và bảo đảm đủ ánh sáng.
Đồng thời, lực lượng CSGT cũng sẽ rút ngắn số trường hợp được phép dừng xe kiểm tra từ 5 xuống 4 trường hợp. Điều 18 của Thông tư quy định cụ thể: Sau khi kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra, CSGT phải nói lời cảm ơn với chủ phương tiện vì đã hợp tác.
Một điểm nổi bật khác của Thông tư 65/2020 là lực lượng CSGT được trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và đảm bảo ATGT trên đường, bao gồm: Cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới; Máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; thiết bị ghi âm và ghi hình; Phương tiện đo nồng độ cồn; Thiết bị đo, thử chất ma túy; thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả; Thiết bị trích xuất dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình…
Chị Bình An, một người dân trú tại quận Đống Đa chia sẻ: “Hằng ngày đọc báo chí, các vụ giết người cướp của, đua xe, phóng nhanh gây tại nạn rất nhiều. Những người nay họ rất hung bạo, ngoài nghiệp vụ thì Công an GT cũng phải có công cụ để áp chế các đối tượng này, bảo vệ xã hội. Còn nếu không có công cụ hỗ trợ thì cũng rất khó cho công việc của họ”.
Có thể thấy, những điều chỉnh mới trong Thông tư 65/2020 là điểm cộng cho những nỗ lực của Bộ Công an trong việc minh bạch hóa công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, mang lại hình ảnh thiện cảm hơn cho lực lượng CSGT.
Trao đổi với VOV Giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, trước đây có không ít người dân lên tiếng về tác phong, quy trình thực hiện khi kiểm tra phương tiện của một số cán bộ CSGT là chưa phù hợp. Đơn cử như dừng xe tùy tiện, xử phạt không rõ ràng, gây ảnh hưởng tới quyền tự do đi lại của người dân, đồng thời có ý kiến nghi vấn về vấn đề tiêu cực.
“Thời gian gần đây có người kêu ca, bức xúc về một số ít hoạt động không hợp lý của CSGT, như ban đêm kiểm tra xe ở những chỗ thiếu ánh sáng. Tại sao kiểm tra lại không ra ngoài cho minh bạch, mà lại kiểm tra ở những chỗ không đầy đủ ánh sáng như thế”.
“Những chủ trương đó có đổi mới so với trước đây. Những hoạt động của CSGT, hoặc của ngành công an nói chung nên công khai, minh bạch nếu không phải giữ bí mật Quốc gia, nhất là trong hoạt động giao thông. Đó là sự thay đổi tốt, thể hiện sự lành mạnh về vấn đề đảm bảo ATGT, như thế người dân sẽ hoan nghênh”.
Trong khi đó, chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy bày tỏ quan điểm: Qua thực tế tham gia một số lớp tập huấn kỹ năng ứng xử cho CSGT tại các tỉnh thành những năm qua, chính các đơn vị cũng nhận thức được thực trạng có những “con sâu làm rầu nồi canh” trong lực lượng hành pháp.
“Dư luận đã phản ánh và trong ngành cũng biết, ví dụ như lề lối tác phong của CSGT làm dân khó chịu, kiểm tra không có lý do, thậm chí có cả núp bóng, vòi tiền. Cho nên, lực lượng CSGT ở các địa phương, các tỉnh đang chấn chỉnh các hành vi này trong lực lượng của mình, và họ cũng đang nỗ lực làm trong sạch đội ngũ, tập huấn cho cán bộ chiến sĩ cách ứng xử với người dân một cách tôn trọng, tạo ra sự tín nhiệm, hợp tác từ người dân”.
Bà Phạm Thị Thúy cũng tin tưởng, thông tư 65/2020 đã đáp ứng được nhu cầu thực tế, kịp thời, đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ của CSGT chuyên nghiệp hơn, gần dân hơn, đúng với chức năng là hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người dân và xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra tiêu cực.
Đặc biệt, nếu thông tư được triển khai tốt trong lực lượng CSGT, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ, đồng thời hình ảnh người chiến sĩ CSGT trong mắt người dân sẽ được cải thiện.
“Nếu họ làm tốt, họ sẽ có được lòng tin của người dân, Khi xảy ra chuyện, họ sẽ được dân hợp tác, giúp đỡ. Bản thân họ khi thực hiện tốt thông tư này, họ cũng sẽ được an toàn, mang lại lợi ích cho chính mình và người dân. Người dân mong muốn hình ảnh CSGT sẽ thiện cảm hơn trong mắt họ”.
Chia sẻ với VOV Giao thông, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, dù việc cảm ơn người dân đã hợp tác trong quá trình kiểm tra phương tiện chỉ mới được văn bản hóa chính thức, nhưng từ trước khi Thông tư 65 được xây dựng, Cục CSGT đã quán triệt vấn đề này trong toàn lực lượng, tạo thói quen giao tiếp thân thiện với người tham gia giao thông.
Nỗi sợ khi bị dừng xe liệu sẽ được giải tỏa?
Cùng khóa học bằng lái B2 với tôi, có một trường hợp khá đặc biệt. Anh luôn đứng đầu lớp về điểm lý thuyết và thực hành trên sa hình. Nhưng khi ra thực địa, anh lại thường xuyên hồi hộp, phạm phải lỗi sơ đẳng là lỏng chân côn, dẫn đến chết máy giữa ngã tư.
Các bạn học trêu chọc: Anh bị “hội chứng sợ CSGT”, bởi lẽ cứ thấy bóng dáng các chiến sĩ áo vàng phía trước, anh lại “tim đập chân run”, không thể bình tĩnh lái xe. Tìm hiểu mới vỡ lẽ, anh từng bị dừng xe kiểm tra vi phạm khi đi xe máy trước đó, và có ấn tượng rất xấu, đến mức ám ảnh với kỷ niệm đó.
Theo logic tâm lý, khi không đủ bình tĩnh trước vô lăng, khi để nỗi sợ lấn át, tài xế sẽ ra quyết định sai lầm. Ở trường hợp bạn tôi, anh từng giật mình khi thấy CSGT ở phía xa, đã phanh gấp giữa nút giao đèn tín hiệu dẫn đến một vụ va chạm với xe phía sau. Rất may, hậu quả vụ việc chỉ thiệt hại về phương tiện.
Ví dụ cho những trường hợp phổ biến khác cũng bị “hội chứng sợ CSGT”, đó là những vụ việc người tài xế không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, chống người thi hành công vụ, bất chấp lao xe vào gây thương tích cho lực lượng CSGT.
Rõ ràng, một “nỗi sợ mơ hồ” về việc bị CSGT dừng xe kiểm tra đã và đang gây rất nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trên đường.
Giải tỏa nỗi sợ ấy như thế nào? Đây là vấn đề mà những quy định mới về cải cách tác phong, lề lối thực thi công vụ trong lực lượng CSGT đang hướng tới.
Khi cán bộ thực thi công vụ dừng xe với lý do, bằng chứng rõ ràng, kế hoạch tập trung xử lý hành vi nào, trong phạm vi, thời gian bao lâu được đăng tải công khai, người tham gia giao thông sẽ không có cảm giác bị “đánh úp” trên đường.
Khi chiến sĩ CSGT xử lý vi phạm công minh, không phân biệt người bình thường với đối tượng đầu gấu, với người quyền lực, có quan hệ, có tiền, khi đó, người dân sẽ cảm thấy được đối xử bình đẳng, họ sẽ không sợ bất công.
Khi được ứng xử với thái độ hòa nhã, hợp tình hợp lý, được nhắc nhở kèm theo một nụ cười về lỗi vi phạm không cố ý, chủ phương tiện sẽ vui vẻ hợp tác và có góc nhìn đồng cảm, nhân văn hơn với công việc của lực lượng CSGT.
Có thể nói, Thông tư 65/2020 cho thấy cố gắng của Bộ Công an trong việc cải thiện hình ảnh lực lượng CSGT trong mắt người dân.
Và rõ ràng, người dân không còn sợ những khuất tất trong quá trình kiểm tra hành chính, người dân tôn trọng lực lượng thực thi công vụ cũng đồng nghĩa: họ sẽ tôn trọng và chấp hành nghiêm chính các quy định của luật pháp./.