Quan trắc ô nhiễm sau cháy nổ: Để cảnh báo hay để… biết?

Nhiều người sống xung quanh khu vực vụ cháy nhà máy hóa chất vẫn rất thiếu thông tin về nguy cơ gây ô nhiễm, hoặc thông tin quá chậm.

 

Mặc dù, ngành môi trường và chính quyền địa phương đã có những phản ứng kịp thời và khắc phục hậu quả của vụ cháy nhà máy hóa chất tại Hà Nội vừa qua, tuy nhiên, nhiều người sống xung quanh khu vực vẫn rất thiếu thông tin về nguy cơ gây ô nhiễm, hoặc thông tin quá chậm.

Sau sự cố cháy kho hóa chất tại phường Đức Giang, quận Long Biên vào ngày 29/6 vừa qua, mặc dù các cơ quan chức năng về môi trường đã nhanh chóng có những động thái tiếp cận hiện trường và ứng phó khẩn cấp; tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, quá trình thông tin về chất lượng không khí còn chậm, thiếu những hướng dẫn, cảnh báo người dân về biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe.

Đám cháy lớn bởi toàn là các hóa chất dễ cháy nổ. Ảnh: Tuổi trẻ

Hai mươi ngày sau vụ hỏa hoạn xảy ra tại kho hóa chất trại Công ty TNHH sản xuất và môi trường Cường Việt, tại phường Gia Thượng và Đức Giang, Quận Long Biên, phóng viên VOVGT ghi nhận, cuộc sống sinh hoạt của người dân sống xung quanh khu vực này đã bị đảo lộn ít nhiều.

Một số gia đình có con nhỏ đã phải di tản sang khu vực khác, trong khi những người vẫn “bám trụ” tại nhà cảm thấy khó chịu về mùi và có những biểu hiện ban đầu về sức khỏe.

Một số người dân sống tại khu vực này chia sẻ: "Trẻ con nhà tôi, 5-6 đứa tự nhiên kêu buồn nôn sau đó là nôn. Tôi ở nhà 24/24 chưa thấy ai khuyến cáo".

"Tôi thấy mấy hôm nay người mệt mỏi, đầu nặng lắm. Ốm không ra ốm. Chúng tôi cũng không biết, người ta làm kín lắm vừa rồi cháy bùng lên mới biết là các ông cho thuê làm ăn như thế không đảm bảo".

Người dân sống xung quanh khu vực kho hóa chất bị cháy nhưng lại không được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đưa ra những cảnh báo về nồng độ ô nhiễm không khí cũng như các biện pháp phòng ngừa là một thực tế. Họ chỉ có thể theo dõi thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Một ngày sau vụ cháy, Viện Hóa học môi trường quân sự - Bộ Tư lệnh Hóa học đã tiến hành quan trắc lấy mẫu không khí, nước sau khi dập tắt đám cháy.

Ngày 1/7, Viện Hóa học môi trường quân sự báo cáo trong không khí tại giữa kho hóa chất còn tồn tại các hợp chất như Toluen, n-Butanol, Axeton, Benzen, n-Butylaceta, n-hexan, cyclo hexan. Kết quả quan trắc của Sở TN&MT Hà Nội cũng cho thấy, tồn tại nhiều hợp chất, trong đó thông số Toluen vượt 17,53 lần.

Ngày 2/7, UBND quận Long Biên mời Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) thực hiện quan trắc, lấy 4 mẫu không khí tại khu vực xảy ra cháy và lấy mẫu nước mặt của sông Đuống tại cảng Đức Giang để đánh giá mức độ ô nhiễm sau khi xảy ra cháy nổ. Kết quả, trong không khí có tồn tại các hợp chất Toluen và methanol, trong đó thông số Toluen tại điểm cuối kho hóa chất vượt quy chuẩn trên 2,4 lần. Tổng bụi lơ lửng tại 4 điểm đều vượt quy chuẩn.

Ngày 8/7, Sở tài nguyên và môi trường chỉ đạo Trung tâm quan trắc môi trường tiến hành tiếp 3 đợt quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường không khí xung quanh nhà máy hóa chất bị cháy và công bố kết quả 5 ngày sau đó.

Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục môi trưởng - Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá về công tác ứng phó với sự cố cháy nhà máy hóa chất vừa qua: "Tôi cho rằng vừa rồi Hà Nội đã xử lý kịp thời. Sở TNMT của Thành phố Hà Nội đã cho người quan trắc ngay tại hiện trường. Ngay sau khi các chiến sĩ công an dập tắt xong, người ta đã tổ chức quan trắc ngay tại hiện trường và mấy ngày sau đó đã tiếp tục quan trắc. Ngoài ra, Sở TNMT đã bố trí các tuyến và các thời điểm tần suất về sau cũng dầy".

Cơ quan chức năng đo chỉ số không khí tại hiện trường vụ cháy. Ảnh: Dân trí

Tuy nhiên, ngay sau vụ cháy, phóng viên VOVGT đã hai lần liên hệ qua điện thoại với đại diện Chi cục môi trường Hà Nội vào ngày 1 và mồng 4/7 để làm rõ những thông tin về kết quả quan trắc nhưng không nhận được phản hồi.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, những sự cố môi trường, như sự cố liên quan đến cháy nhà máy hóa chất gần đây có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Ngoài việc cần lấy mẫu quan trắc để đo đạc, đánh giá, cần phải có những cách thức thông báo cho người dân, những người bị ảnh hưởng, tác động trực tiếp từ vụ cháy: "Chúng ta cần có nhiệm vụ ngay lập tức là đo đạc và thông tin trực tiếp tới người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và trên một trang web nào đó, trên đó thể hiện rất cụ thể tình trạng môi trường mà do ảnh hưởng của việc cháy hóa chất. Cơ quan quản lý về môi trường làm hơi chậm so với nhu cầu của người dân cần biết để phòng bị. Ít nhất là để người dân thấy rằng, khó khăn quá thì người ta có thể đi thuê tạm đâu đó".

PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh - Giảng viên bộ môn sức khỏe môi trường - Đại học y tế Công cộng đánh giá, mặc dù những thông tin về kết quả quan trắc ô nhiễm không khí được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng lại thiếu những thông điệp về truyền thông nguy cơ đến cho người dân: "Tôi thấy thông tin về kết quả quan trắc môi trường cũng đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên cái tôi thấy thiếu, khi mà những thông tin về nồng độ Toluen hay hóa chất độc hại có trong môi trường như vậy thì nguy cơ sức khỏe cộng đồng như thế nào? Tôi thấy thiếu những thông điệp về truyền thông nguy cơ. Ví dụ, Toluen ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Bản thân Toluen là gì tồn tại trong môi trường ở đâu? Vào trong cơ thể bằng cách nào?".

Cũng theo bà Hạnh, các hóa chất phát sinh trong và sau vụ cháy như Toluen độc hại đối với sức khỏe của con người. Nếu nồng độ Toluen vượt quá hàng chục lần so với quy chuẩn Việt Nam và người dân có mặt tại khu vực đó có thể gặp các vấn đề về sức khỏe cấp tính như kích ứng da, ảnh hưởng đến mắt, đường hô hấp …

Thạc sĩ Đào Nhật Đình, chuyên gia tư vấn các dự án môi trường cho rằng, những nhà máy hay những kho chứa hóa chất có nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ, chính quyền địa phương, cơ quan môi trường và chủ nhà máy cần nhanh chóng đưa ra những thông báo khẩn cấp cho người dân để có những biện pháp phòng ngừa bảo vệ sức khỏe. Và sau khi có những kết quả quan trắc, sẽ tiếp tục đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo phù hợp.

Tuy nhiên, đối với các sự cố môi trường, cần ưu tiên những biện pháp phòng ngừa và cơ quan chức năng cần phải nắm rõ những loại hóa chất được sản xuất, lưu trữ trong các nhà máy để có những kịch bản ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố: "Bản thân nhà máy luôn luôn phải thông báo với cơ quan PCCC và chính quyền địa phương biết hiện nay trong kho có những hóa chất gì. Và có bảng an toàn hóa chất của chất một và phải lưu và chia sẻ với bên PCCC trong kho có chất gì."

Một số chuyên gia môi trường cho biết, trong hoạt động bảo vệ môi trường, phòng ngừa là nguyên tắc đầu tiên. Các doanh nghiệp cần thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa từ quá trình triển khai dự án, thực hiện dự án và hoạt động thương mại nhằm bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, các cơ quan quản lý môi trường và doanh nghiệp cũng cần xây dựng những kịch bản ứng phó với các sự cố môi trường để có thể hạn chế thấp nhất hậu quả nếu xảy ra sự cố.

Hiện trường vụ cháy nhà máy Rạng Đông cách đây 1 năm. Ảnh: Nhân Trần

Mặc dù, ngành môi trường và chính quyền địa phương đã có những phản ứng kịp thời về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của vụ cháy nhà máy hóa chất tại Hà Nội vừa qua, tuy nhiên, nhiều người dân sống xung quanh khu vực vụ cháy vẫn rất thiếu thông tin về nguy cơ gây ô nhiễm, hoặc thông tin quá chậm.

Đây cũng là góc nhìn của kênh VOVGT qua bài bình luận có nhan đề: “Sau Rạng Đông, quan trắc vẫn... mù mờ”

Việc Hà Nội đưa ra thông báo kết quả quan trắc môi trường sau vụ cháy kho hóa chất ở Quận Long Biên lần này, cho thấy một cách phản ứng đã khác của ngành môi trường Thủ đô: chủ động hơn, phần nào thể hiện trách nhiệm của mình rõ hơn trong việc quản lý các nguồn và nguy cơ gây ô nhiễm. Ngay sau vụ cháy, Chủ tịch Thành phố đã chỉ đạo phải công khai nồng độ hóa chất cho người dân biết.

Và quả vậy, thông tin đã công khai, dữ liệu quan trắc đã được công bố, nhưng tới 14 ngày kể từ khi sự cố xảy ra. Trong 2 tuần đó, người dân các khu vực xung quanh vẫn sinh sống bình thường như chưa hề có vụ cháy dữ dội kèm theo những tiếng nổ lớn của kho hóa chất trên địa bàn, suốt từ sáng đến trưa

Tạm coi là may mắn khi kết quả quan trắc cho thấy các chỉ số đều trong giới hạn cho phép. Nhưng giả sử, đó là một kết quả khác, thì coi như, người dân đã “lãnh đủ” ô nhiễm trước khi cơ quan chức năng phát đi cảnh báo. Vả lại, việc lấy mẫu được bắt đầu sau nhiều ngày từ thời điểm vụ cháy xảy ra, sau khi đã có những xử lý ô nhiễm của bộ đội hóa học, nên dữ liệu có phản ánh đúng mức độ ô nhiễm hay không, vẫn là điều gây băn khoăn.

Một năm trước đó, khi xảy ra vụ cháy nhà máy sản xuất bóng đèn và phích nước Rạng Đông ở quận Thanh Xuân, cách xử lý sự cố môi trường của Hà Nội đã khiến hàng trăm, hàng ngàn hộ dân xung quanh phập phồng lo âu suốt một thời gian dài, bởi sự nhiễu loạn thông tin, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Thủy ngân và các chất độc hại có thể chưa gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhưng đã có những người phát ốm vì lo. Nhiều gia đình hối hả sơ tán, nhiều hộ dân cấp tốc bán nhà.

Cũng khi đó, người ta mới đặt dấu hỏi về việc: Hà Nội đã có hay chưa một kịch bản ứng phó với các sự cố gây ô nhiễm môi trường? cơ chế nào để huy động, kết nối các cơ quan liên quan một cách kịp thời và hiệu quả nhất, nhằm cung cấp các cảnh báo, khuyến cáo, hướng dẫn cần thiết cho người dân trong phạm vi bị ảnh hưởng.

Và đến giờ, khi xảy ra vụ cháy kho hóa chất Long Biên, câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ. Mặc dù lần này, thông tin đưa ra rất đúng quy trình, không có tình trạng sai thẩm quyền, hoặc cảnh báo vượt cấp. Thế nhưng, thứ hóa chất bị cháy là loại gì, ô nhiễm tới đâu, cứ ở yên đấy hay cần phải phòng bị thế nào… thì người dân vẫn hoàn toàn mù tịt trong suốt 2 tuần.

Việc khắc phục hậu quả sau sự cố là đương nhiên. Nhưng nếu quan trắc chỉ phục vụ khắc phục hậu quả mà không giúp ích được gì cho cảnh báo, ngăn chặn nguy cơ và giảm thiểu tác động, thì công tác quan trắc môi trường chưa thể hiện đúng vai trò cần có của nó.

Đó là hạn chế tất yếu của hạ tầng kỹ thuật và công nghệ, hay do chưa thể kích hoạt được một cơ chế phản ứng liên ngành trong các tình huống vừa nêu? Người dân cần sự minh bạch thông tin này nhiều hơn là những trác nhiệm được thể hiện qua lời chỉ đạo.

Nhưng rất tiếc, cũng như nhiều lần trước đó, các phóng viên báo chí đành “dài cổ” chờ đợi cho đến khi thông tin chính thức được đưa ra, dù một tuần, hai tuần hay lâu hơn nữa, và dù khả năng cao sẽ lại là kết luận: “không có gì đáng ngại”.

Tạm không bàn về vấn đề quản lý an toàn của các kho hóa chất, hay nguy cơ cháy nổ ở những cơ sở sản xuất nói chung. Bởi điều đó cần quá trình điều tra xác minh dài dài. Song, đối với người dân, cái đáng ngại nhất là sự mù mờ và chậm trễ của thông tin, dễ khiến người ta bán tín bán nghi về sự nửa vời của trách nhiệm./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận