Sau nhiều tháng xét duyệt các đối tượng lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đến nay, số người lao động được nhận được tiền hỗ trợ vẫn còn quá ít so với thực tế. Nguyên nhân là các địa phương triển khai gặp nhiều vướng mắc bởi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, thủ tục "rườm rà" đã làm giảm ý nghĩa nhân văn của chính sách này.
"Ấm ức và mệt mỏi" là chia sẻ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng, ở phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) khi đi làm các thủ tục xét duyệt hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Chồng làm nghề “xe ôm”, vợ làm nghề cắt tóc phải nghỉ làm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Không có thu nhập, gia đình chị vẫn phải lo trả tiền nhiều khoản như thuê nhà, điện nước, học phí và trang trải cuộc sống hàng ngày. Chỉ trong 2 tháng, số tiền "ít ỏi" dành dụm được cũng tiêu hết trong mấy tháng nghỉ dịch. Do quy trình xét duyệt còn quá "rườm rà" nên chị Nguyễn Thị Hằng không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục làm thủ tục nhận hỗ trợ.
“Công việc của tôi khi được kinh doanh trở lại thì không có nhu cầu phải hỗ trợ nữa. Nhưng mà chúng tôi chỉ ấm ức là trong tháng nghỉ dịch, Nhà nước quy định người lao động tự do như tôi được hỗ trợ nhưng khi ra phường lại không phải như thế. Chúng tôi phải trình bày đủ các loại thủ tục mất thời gian và tôi không muốn làm nữa. Công việc của tôi cũng không cần Nhà nước phải hỗ trợ nữa nhưng gần nhà tôi còn nhiều người rất khó khăn, họ phàn nàn nhiều vì nhiều nhà trông chờ vào quán hàng nước nhưng khi ra đến phường thì họ trả lời rằng trường hợp của họ không được hỗ trợ”.
Cũng như chị Nguyễn Thị Hằng, gia đình chị Nguyễn Thanh Huyền bán hàng ăn sáng ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng cho rằng chưa công bằng trong xét duyệt các đối tượng được hưởng hỗ trợ. Bởi, danh sách ban đầu của phường Quỳnh Lôi thông báo có hàng trăm người lao động tự do được nhận hỗ trợ thì nay rút xuống chỉ còn rất ít người: “Mọi người bán hàng từ đầu ngõ đến cuối ngõ, nhưng chỉ được 1 - 2 người có trong danh sách hỗ trợ. Tôi thấy chính sách cũng không được bao quát và sát sao đến từng người một. Tôi cũng thấy danh sách ban đầu dài đến 7 - 8 trang, phải đến mấy trăm người, nhưng đến giờ phút này, số người được lĩnh trong cụm dân cư chỉ có mấy người. Nhiều người cho rằng làm như vậy không công bằng”.
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các địa phương trên cả nước đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17.500 tỷ đồng. Như vậy, gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được 30% so với dự tính ban đầu. Theo kiến nghị của các địa phương, Quyết định số 480, ngày 29/4/2020 của Bộ LĐ-TB&XH về việc ban hành Bộ thủ tục hành chính thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 chỉ căn cứ Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai, trong khi đó Quyết định này không quy định mức hỗ trợ. Ông Võ Tuấn Linh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, cho rằng chưa đảm bảo sự bình đẳng khi chỉ xem xét và giải quyết chính sách các đối tượng người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.
“Đối với người lao động ở các Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, giáo viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo dạy nghề nghiệp dân lập, tư thục không thuộc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ. Điều này không đảm bảo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh tế và không đảm bảo trong quan hệ người sử dụng lao động và người làm việc theo hợp đồng của quy định của Bộ Luật Lao động”.
Bên cạnh việc chi trả cho 4 đối tượng gần như hoàn thành thì việc cho trả hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế. Hiện, cả nước mới chỉ có hơn 169 nghìn người lao động và hơn 4.300 hộ kinh doanh đã được hỗ trợ. Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cho thấy, đến nay, vẫn chưa có hồ sơ nào của người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc được giải ngân. Trong khi đó, dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16.000 tỉ đồng với tổng số được hỗ trợ 3 triệu lao động. Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động yêu cầu điều kiện quá phức tạp. Do mức vay thấp, thời gian cho vay ngắn nên đa số người sử dụng lao động sau khi nghiên cứu kỹ quy định và hồ sơ thủ tục đã xin rút lại đơn vay vốn.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trước những vướng mắc về thủ tục hưởng gói hỗ trợ, Bộ đã kiến nghị sửa đổi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo hướng giảm bớt các điều kiện xét duyệt: “Để tháo gỡ, với lao động tự do chúng ta phải rà soát lại tổng thể. Trước hết là tạo điều kiện cho tất cả những người lao động tự do đang ở địa bàn cư trú được tiếp cận một cách công khai, minh bạch, đi từng nhà rà từng ngõ, đến từng đối tượng. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của đối tượng đó chúng ta công khai, minh bạch và thực hiện theo quy định hiện hành”.
Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) dự báo, số lượng người lao động ngừng việc và mất việc sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính để sử dụng hiệu quả nhất Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (hiện kết dư hơn 80.000 tỷ đồng) để hỗ trợ người mất việc, hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm.../.
Theo VOV.VN