Tại Hội nghị thông tin báo chí, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 song kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế dù thấp hơn cùng kỳ nhiều năm trước song vẫn ở mức cao so với bình quân cả nước, đạt 6,4%. Sản xuất công nghiệp có bước phục hồi nhanh, tăng 9,2%, thành lập thêm 75 doanh nghiệp, 46 doanh nghiệp lớn vẫn giữ được sản xuất ổn định. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,8%, trong đó sản lượng vải thiều đạt 160 nghìn tấn với giá trị quả vải được nâng lên ở mức 30.000 đồng/kg. Giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh đạt 4.385 triệu USD, tăng 48,3% so với cùng kỳ.
Về thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, trong 6 tháng qua, Bắc Giang đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành lập các tổ công tác tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư về khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Làn sóng chuyển dịch đầu tư sau dịch Covid-19 đã bước đầu mở ra cơ hội thu hút được các dự án đầu tư chất lượng cao; số lượng nhà đầu tư quan tâm đến Bắc Giang tăng 35% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh thu hút được 865,8 triệu USD vốn đầu tư quy đổi với nhiều dự án lớn, có công nghệ hiện đại như: DA thành lập nhà máy Shunsin Việt Nam, vốn đầu tư 100USD sản xuất linh kiện điện tử sản phẩm chủ yếu là mô-đul thu phát quang học; DA Nhà máy sản xuất hợp kim Powerway Việt Nam, vốn đầu tư 50 USD chuyên sản xuất hợp kim đặc chủng dạng thanh, sợi, dải sử dụng trong lĩnh vực hàng không, không gian, vũ trụ... Đặc biệt, đến ngày 10/6, 10/10 huyện, thành phố của Bắc Giang đã chi trả cho 246.763 người với số tiền 240 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,5%.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh: Trước những diễn biến phức tạp và khó khăn trong 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh Bắc Giang đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện thành công “mục tiêu kép”. Theo đó, kịp thời nắm bắt giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp về nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, lao động, vốn... nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư, phục hồi, khôi phục sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển như các DA xây dựng và kinh doanh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp Hòa Phú, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng. Tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch Covid-19, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp, chủ động dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời không để dịch bệnh bùng phát.../.