Tình hình ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát; nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra; xử lý kịp thời các bức xúc về môi trường; đầu tư nhiều công trình xử lý chất thải, nước thải… là những kết quả đạt được của Thanh Hóa sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU về công tác bảo vệ môi trường.
Từ những điều trông thấy...
Với mục tiêu xây dựng tỉnh Thanh Hóa có môi trường tốt, nhân dân có ý thức bảo vệ môi trường và sống thân thiện với môi trường, Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã chỉ rõ: Môi trường và công tác bảo vệ môi chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển bền vững; nhiều vấn đề về môi trường chưa được giải quyết triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng, có nơi rất nghiêm trọng. Ở các khu đô thị và chất lượng nước mặt ở hầu hết các sông, ao hồ đều bị ô nhiễm do chưa có hệ thống gom và xử lý nước thải tập trung. Ở khu vực nông thôn, tình trạng xả chất thải chăn nuôi không qua xử lý hoặc xử lý không triệt để, việc lạm dụng các loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN), làng nghề và các khu du lịch chưa có khu xử lý chất thải rắn và hệ thống xử lý nước thải tập trung. Công tác phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản còn chậm. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế, chất thải nguy hại còn thấp; các điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trọng chậm được xử lý.
Trước thực trạng trên, Nghị quyết 05-NQ/TU đã đề ra mục tiêu tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc đẩy lùi ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường với nhiều chỉ tiêu. Cụ thể, 50% các KCN đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; 30% CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 100% các dự án đầu tư về sản xuất, cơ sở hạ tầng mới phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt; 100% các KCN xây dựng mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn/quy chuẩn về môi trường; 40% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để…
...Đến chuyển biến tích cực
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, sau 4 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 05 đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tình hình ô nhiễm môi trường cơ bản được kiểm soát; nhiều chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đã đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh đã thẩm định, phê duyệt, xác nhận hơn 4.300 hồ sơ môi trường các loại. Đây là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra, giám sát; đồng thời để doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường ở cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan chức năng đã kiểm tra, giải quyết đơn thư, khiếu nại đối với hơn 2.200 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; qua kiểm tra đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với 609 cơ sở, doanh nghiệp với tổng số tiền phạt là hơn 16,5 tỷ đồng. Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang triển khai có hiệu quả; đã có 45/82 cơ sở (chiếm 54,9%) hoàn thành xử lý ô nhiễm và được rút ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm (trong đó, mục tiêu Nghị quyết là 40%).
Đến tháng 3/202, thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn và thị xã Bỉm Sơn đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và hệ thống xử lý nước thải tập trung, bước đầu đưa vào vận hành giải quyết một phần tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt gây ra. Tại khu vực đô thị, tỷ lệ dân số được dùng nước sạch tính đến tháng 12/2019 đạt là 93,2%. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 85%; trong đó, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải đô thị (các phường, thị trấn) đạt 90% (mục tiêu năm 2020 là 91%); 25/31 đô thị có tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%, các đô thị còn lại đạt khoảng 80 - 97%. 95,1% số hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 80,7% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đến năm 2019 đạt 77,6% (vượt mục tiêu năm 2020 là 75%); trong đó, có 16 huyện và 03 thị xã thành phố đạt tỷ lệ thu gom từ 71,8 - 100%....
Với quan điểm bảo vệ môi trường: Lấy phòng ngừa là chính, kết hợp xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên, xác định đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững, tin chắc rằng Thanh Hóa sẽ sớm hoàn thành các chỉ tiêu mà Nghị quyết 05-NQ/TU đã đề ra./.