Khi cô nhớ cả ngày học trò...mọc trứng cá
Nhà trường, thầy cô là nơi giúp các em phát triển cả về tri thức và nhân cách. Nhiều thầy cô trăn trở cho biết: Dường như với các em, thầy cô chỉ là người truyền dạy kiến thức chứ khó có thể trở thành một "người bạn lớn" để các em có thể hỏi ý kiến hay tâm sự những thắc mắc của mình về cuộc sống. Và để rút ngắn khoảng cách này, nhiều thầy cô giáo đã bỏ biết bao tâm huyết, thời gian và công sức để chiếm được sự yêu mến, tin cậy của trò.
Cô Cao Thanh Nga đang vui cùng học trò
Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy môn Văn, Trường THPT Chất lượng cao Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội), với 27 năm kinh nghiệm dạy học chia sẻ: Trong mỗi tiết dạy Văn tôi thường chia việc cho các con tự khai thác nội dung bài học khiến cho các con cảm thấy bình đẳng với cô về kiến thức nên không khí lớp học rất thoải mái. Mỗi bài học tôi đều gắn với cuộc sống đời thườn. Sau mỗi bài học các con phải tự rút ra bài học cho bản thân và cô trò sẽ cùng trao đổi với nhau. Vì chia sẻ với nhau thường xuyên nên dần dần mình hiểu về tính cách của từng con. Qua đó giáo viên sẽ dạy cho các con cách ứng xử, những giá trị sống... Mình gắn bó với học sinh đến mức mình thường nói với mọi người rằng “nhớ cả ngày học sinh đó mọc trứng cá”. Có những chuyện các con không tâm sự trực tiếp mà tối về inbox riêng cho mình để tâm sự những vướng mắc trong chuyện gia đình, chuyện trường lớp bạn bè. Có những lúc dạy trên lớp quan sát thấy có con trông mắt rất buồn là hết giờ học mình nháy ngay với trò “tối nay mình chat nhé”. Và tối đó về con tâm sự với mình rất ấm ức: “Mẹ con không chịu lắng nghe con mà thường áp đặt con nên con rất buồn”. Mình phải giải thích: Con không nên hiểu như vậy mẹ làm thế thực ra là vì quá lo lắng cho con, thương con. Sau đó mình lại khéo léo liên lạc với phụ huynh để giúp 2 mẹ con hiểu nhau hơn, xích lại với nhau. Giáo viên thực sự phải quan tâm các em trong học tập, sinh hoạt hằng ngày thì mới tạo ra sự gắn bó, thân thiết chứ không phải bỗng dưng có được. Ở lứa tuổi cấp 3 các con đang hình thành nhân cách nên các con chịu ảnh hưởng từ thầy cô và bạn bè là rất lớn.
Lễ tôn vinh các thầy cô được học trò yêu mến của Trường THPT CLC Phan Huy Chú
Để gần gũi học trò, các giáo viên ở Trường THPT Phan Huy Chú không chỉ đam mêm với nghề, nhiệt tình giảng dạy mà khi tham gia các hoạt động ngoại khóa thầy cô cũng sẵn sàng hát, nhảy, đã lắc vòng và diễn thời trang cùng các con. “Ban đầu cũng thấy ngượng ngùng, lúng túng vì mình cũng đã gần 50 tuổi rồi nhưng cứ nghĩ vì các con nên mình vẫn gắng, lâu dần thành ra trẻ tính. Giờ mình phải cảm ơn các con vì làm cho mình trẻ trung, làm cho mình sợ “cũ” nên thôi thúc phải sáng tạo cả trong dạy học lẫn trong giao tiếp với các con”- cô Kimh Anh cho biết.
Em Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 12D, Trường THPT Phan Huy Chú tâm sự: “Hằng ngày chúng em không chỉ được học kiến thức mà còn luôn nhận được sự quan tâm chia sẻ, trò chuyện của thầy cô. Giữa cô và trò không có khoảng cách nên dù cô dạy em cách ứng xử, những bài học làm người hay dạy kiến thức đều dễ tiếp thu như nhau.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết trường đang thí điểm xây dựng “Lớp học hạnh phúc”, với quan điểm trò có hạnh phúc thì thầy mới hạnh phúc và đã mang lại những kết quả tích cực. Trong lớp học thầy trò cùng bàn bạc với nhau nhằm giảm áp lực học tập, tạo hứng thú học tập... để có kết quả học tập tốt. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải có năng lực sư phạm cao, chứ không thể động chút là dọa đuổi học hoặc hạ hạnh kiểm học sinh, bởi vì điều đó thể hiện sự bất lực của người thầy. Muốn các em thân thiện và mở lòng thì trước hết thấy cô phải là người tỏ rõ thiện chí của mình trước. Cứ ngày ngày đến lớp bằng khuôn mặt nghiêm trang, cả giờ học không nở một nụ cười, dạy là dạy, học là học thì sao học sinh dám tiếp cận thầy cô ở góc độ khác ngoài học tập.
Gần gũi, thấu hiểu để được trò yêu quý
Có thể nói nhà trường, thầy cô là nơi giúp các em phát triển cả về học thức và nhân cách. Nếu trường học không thân thiện, còn thầy cô vẫn cố tạo cho mình một vỏ bọc nghiêm khắc thì sẽ chỉ rời xa học sinh, và đương nhiên hiệu quả giáo dục cũng không thể tốt.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: Để rút ngắn khoảng cách giữa thầy và trò , trước hết thầy cô không những yêu thương mà còn biết tôn trọng học sinh. Muốn vậy, giáo viên phải có kỹ năng lắng nghe, biết cách chia sẻ, dẫn dụ học sinh và đặc biệt là không được “dán nhãn” học sinh hư, học sinh ngoan. Nguyên tắc sư phạm là giáo viên phải chia sẻ, thấu hiểu các em mới định hướng được các em đâu là sai, là đúng. Dạy chúng cách xử lý, cách giải quyết để trò tự điều chỉnh, hơn là áp đặt chúng phải làm thế này, làm thế kia. Giáo viên phải thực sự chân tình, khi mình sai cũng phải xin lỗi học sinh.
Cô Cao Thanh Nga, Phó hiệu trưởng Trường THPT chất lượng cao Phan Huy Chú, cho rằng: Yếu tố được ưu tiên đầu tiên của nhà trường là xây dựng môi trường thân thiện, bình đẳng với các con. Nhà trường quán triệt: Ở nhà yêu con như thế nào thì đến trường yêu học sinh như vậy. Không những yêu thương mà phải luôn thấu hiểu trò, để xử lý mọi việc thấu tình đạt lý. Đặc biệt ở lứa tuổi cấp 3, khi các con phát triển thì tâm lý bướng bỉnh hơn, muốn thể hiện mình là người lớn, thế nên khi các con mắc lỗi thì giáo viên không có chuyện mắng nhiếc – vì đây cũng là hình thức bạo hành học đường. Tuổi các con có lòng tự trọng, sĩ diện cao nên giáo viên luôn tránh phê bình, chỉ trích học trò trước tập thể lớp mà thường gọi riêng các con ra để phân tích đúng sai cho các con hiểu. Bên cạnh đó là sự quan tâm, bao dung của thầy cô khi tạo cơ hội cho các con sửa lỗi, chứ không bao giờ con vi phạm mà dán nhãn trò hư./.
BOX: “Tôi đã nghiệm ra rằng: Yêu học trò là con đường ngắn nhất để thành công trong công việc của đời mình. Yêu bằng ánh mắt, bằng bàn tay, bằng vòng ôm với học trò khi cần và phù hợp. Bằng cả những cuộc điện thoại, tin nhắn kịp thời không kể giờ giấc… Tôi biết, không nên trì hoãn, buông xuôi mà mỗi việc làm vì học trò đều cần đi đến cùng”- Cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy môn Văn chia sẻ./.