Sau nhiều năn triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử theo hình thức tự động không dừng (ETC) được Bộ GTVT và nhà đầu tư triển khai hết sức quyết liệt, nhưng do nhiều nguyên nhân nên dự án chưa hoàn thành được trong năm 2019 như mục tiêu đề ra.
Mới đây, công ty VETC (nhà đầu tư dự án thu phí không dừng - BOO giai đoạn1) đã triển khai thành công thu phí không dừng tại trạm BOT Pháp Vân – Ninh Bình, tuyến giao thông huyết mạch dài dài 85km với khoảng 6 vạn phương tiện/ngày đêm, cửa ngõ quan trọng ra vào thủ đô Hà Nội và thường xuyên bị ùn tắc vào mỗi dịp cuối tuần, lễ, Tết...Việc triển khai thành công làn thu phí không dừng trên tuyến này có thể nói đã “cởi” được “nút thắt” bấy lâu nay về thu phí không dừng.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 19/2020 thay thế Quyết định 07/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Quyết định 19 có nhiều “cởi trói” cho thu phí không dừng và áp dụng với cả các dự án BOT cũ cũng như các dự án mới có thu phí.
Tài xế đã thấy tiện lợi của thu phí không dừng
Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, tính đến hết ngày 21/6, sau 12 ngày triển khai hệ thống thu phí không dừng trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình, số lượng vé giao dịch qua tất cả các trạm trên tuyến là 28.615 lượt giao dịch thu phí tự động ETC thành công. Chỉ tính riêng ngày 21/6 số lượt giao dịch ETC qua Trạm thành công là: 3.409 lượt.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, đây là tín hiệu đáng mừng cho việc chấp hành của các chủ phương tiện ủng hộ chủ trương thu phí không dừng.
“Lượng xe sử dụng thanh toán VETC tăng cao và việc triển khai thu phí không dừng đã tác động mạnh đến ý thức của chủ phương tiện tham gia giao thông”, ông Huyện nói.
Theo anh Phùng Văn Quang, lái xe Công ty cổ phần xe khách Ninh Bình: “trước đây xe chúng tôi mua vé tháng để chạy tuyến Ninh Bình – Giáp Bát. Cứ hết tháng chúng tôi gửi thông tin cho Trạm rồi nộp tiền, chi phí cũng giảm được chút ít và tiện nhất là xe đi vào làn nào cũng được, tùy tình hình giao thông cụ thể. Với việc triển khai thu phí không dừng ở nhiều cửa, buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại, và đằng nào cũng phải đóng tiền nên chúng tôi đã mở tài khoản giao thông để sử dụng làn thu phí không dừng. Từ hôm dán thẻ VETC xe đi qua trạm không phải dừng như trước, cũng tiện”.
Sẽ dừng bán vé tháng/vé quý, chuyển sang dán thẻ ETC
Trước đó, ngày 17/6,Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 19/2020 thay thế Quyết định 07/2017 về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC). Quyết định 19 áp dụng với cả các dự án BOT cũ cũng như các dự án mới có thu phí.
Quyết định mới của Thủ tướng yêu cầu đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đã lắp đặt hệ thống ETC phải vận hành ngay việc thu phí điện tử không dừng. Đối với các trạm đang hoạt động, chưa lắp đặt ETC chậm nhất đến ngày 31/12/2020 phải chuyển sang thu phí điện tử không dừng. Các trạm thuộc các dự án đầu tư xây dựng mới, chỉ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi thực hiện thu phí điện tử không dùng theo quy định.
Căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định duy trì mỗi trạm thu phí có 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao cơ quan có thẩm quyền được tạm dừng và thời gian tạm dừng việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các trạm thu phí chưa thực hiện việc thu phí điện tử không dừng do lỗi của nhà đầu tư.
Văn bản cũng nêu rõ, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ (xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ an ninh, xe sử dụng vé “Phí đường bộ toàn quốc”) phải được gắn thẻ đầu cuối.
Việc gắn thẻ đầu cuối được thực hiện tại các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ GTVT và nhà cung cấp dịch vụ thu phí thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.
Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021. Từ ngày 31/12/2021 trở đi, chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Việc dán thẻ ETC ở đâu, như thế nào?
Theo đại diện Công ty TNHH Thu phí tự động VETC cho biết, trong tháng 6 và tháng 7, VETC triển khai dán thẻ (miễn phí dán thẻ lần đầu cho phương tiện) tiện tại 2 điểm dừng nghỉ trên Cao tốc (Km227) tất cả các ngày trong tuần.
Trong tháng 6 và 7/2020, Công ty VETC tổ chức dán thẻ tại nút giao Vực Vòng (chiều Hà Nội xuống Vực Vòng) và tại Trạm Pháp Vân (chiều ra từ Ninh Bình về Hà Nội) các ngày làm việc trong tuần.
Ngoài các điểm dán thẻ trên tuyến cao tốc, VETC tổ chức dán thẻ tại tất cả các Trạm thu phí đã triển khai thu phí tự động ETC và một số Trung tâm đăng kiểm hoặc đại lý ủy quyền trên địa bàn các tỉnh.
Việc dán thẻ đầu cuối VETC đối với xe cá nhân chỉ cần các giấy tờ sau: Chứng minh thư nhân dân, Đăng ký, Đăng kiểm và thông tin xe đúng theo giấy tờ; đối với xe của tổ chức, doanh nghiệp cần: Đăng ký kinh doanh hoặc Công văn của tổ chức (kèm danh sách xe), Đăng ký, Đăng kiểm từng xe và Thông tin xe đúng theo giấy tờ xe.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu ý, các phương tiện chưa dán thẻ hoặc tài khoản giao thông không đủ tiền để trả phí cho đoạn cần lưu thông vui lòng không lưu thông vào làn dành riêng cho xe thu phí tự động ETC để tránh bị xử phạt theo Nghị định 100 của Chính phủ (điểm c, khoản 4, điều 5).
Tại mỗi trạm thu phí trên tuyến cao tốc có bố trí các làn đường dành riêng cho xe thu phí tự động tại sát giải phân cách giữa 2 chiều đường, đã có biển chỉ dẫn tại mỗi cửa trạm “Làn thu phí ETC”.
Lưu ý, từ tháng 7/2020 Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ sẽ không bán vé tháng/quý thủ công (MTC), khách hàng không dán thẻ thu phí tự động ETC sẽ không mua được vé tháng/quý thủ công.
Các trạm BOT trên toàn quốc cũng sẽ dần dần không bán vé quý/vé tháng cho các chủ phương tiện như trước mà phải dán thẻ thu phí không dừng ETC./.
Phi Long/VOV.VN