Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi do Bộ TN&MT soạn thảo.
Việc một nơi ban hành tiêu chuẩn, một nơi giám sát, kiểm soát liệu có gây ra khó khăn hoặc chồng chéo khi thực hiện?
Nhiều năm làm nghề “xe ôm”, ông Nguyễn Tất Thắng ở Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm Hà Nội rất quan tâm đến việc các cơ quan chức năng tính toán kiểm soát khí thải mô tô, xe máy. Theo ông Thắng, dù sẽ phát sinh thêm chi phí cho người dân, song vì mục đích chung, ông sẵn sàng chấp hành: “Việc phải mang xe đi kiểm tra định kỳ để đảm bảo lưu thông mà không gây ô nhiễm môi trường tôi rất ủng hộ".
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, khoản 3, Điều 92 quy định: thẩm quyền ban hành Quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông vận tải được giao cho Bộ TN&MT.
Theo lý giải của đơn vị soạn thảo, quy định này nhằm đảm bảo một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong công tác kiểm soát các nguồn khí thải và quản lý, cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Tuy vậy, một số ý kiến bày tỏ lo ngại sẽ gây ra hiện tượng chồng chéo, khi cả Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng quản lý chất lượng mô tô, xe máy.
Ở góc độ giám sát, thực thi, ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, phương tiện vận tải không đơn thuần là ô tô, xe máy, mà còn cả phương tiện hàng không, phương tiện tàu biển, đường sắt.
Do vậy, việc Bộ TN&MT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải phương tiện GTVT được hiểu là Bộ TN&MT sẽ ban hành Quy chuẩn khí thải của tất cả các phương tiện giao thông. Điều này gây chồng chéo với một loạt các luật hiện hành và bất cập trong quá trình thực hiện:
"Một đơn vị không chuyên sâu về phương tiện mà ban hành quy chuẩn khí thải phương tiện thì chắc chắn là rất khó khăn, mà không khả thi. Bởi vì cái khí thải của phương tiện nó sẽ song hành với kết cấu công nghệ chế tạo động cơ, nó song hành với những vấn đề nhiên liệu sử dụng" - ông Nguyễn Văn Phương nêu ý kiến.
Ông Chu Mạnh Hùng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ GTVT cũng cho rằng, việc quy định Bộ TN&MT ban hành quy chuẩn khí thải với toàn bộ phương tiện giao thông vận tải sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như: Không đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong quản lý Nhà nước về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, hiệu quả năng lượng, an ninh đối với phương tiện giao thông.
Đồng thời điều này cũng khiến phương tiện giao thông phải chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành, tạo gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp:
"Ban hành một tiêu chuẩn ra mà không phù hợp với thực tế kinh tế, đời sống thì tôi cho rằng văn bản ấy sẽ chết yểu và không có tính khả thi".
TS. Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt-Nhật cũng cho rằng, việc cơ quan ban hành quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông không có chuyên môn về chuyên ngành phương tiện có thể dẫn tới quy chuẩn ban hành không phù hợp, không đảm bảo tính khả thi:
"Nó dễ xảy ra hiện tượng là bên ra văn bản không tính đến khả năng thực thi của quy định. Thông thường muốn tránh việc đó thì bên ra văn bản và bên thực thi văn bản phải ngồi với nhau xem quy định như thế thì có được hay không, chứ nếu ra văn bản chỉ để ra văn bản, còn thực thi được hay không mặc kệ thì cái đấy là thiếu sót rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước".
Việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là cần thiết để góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phát thải của loại phương tiện này gây ra, nhất là tại các đô thị lớn. Tuy vậy, việc phân công bộ, ngành nào ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, cần tính đến sự kế thừa, thống nhất quản lý và hiệu quả thực thi./.
Kiều Tuyết - Quách Đồng/VOVgiaothong.vn