Blogger du lịch: Nỗi lòng ai tỏ…
Khoảng 3 năm trở lại đây, travel blogger (blogger du lịch) được nhiều bạn trẻ yêu thích. Thế nhưng đằng sau vẻ hào nhoáng của công việc suốt năm “đi du lịch miễn phí” này là rất nhiều yêu cầu khắt khe, đòi hỏi một blogger du lịch phải đủ năng lực và bản lĩnh mới có thể trụ nổi với nghề.
Vừa mới check-in Nhật Bản tháng trước, tháng sau lại thấy blogger du lịch Đinh Hằng tận hưởng niềm vui bên bầy tuần lộc tận Mông Cổ. Không lâu sau, facebook của cô nàng lại đăng tải hình ảnh đang ngồi thưởng thức bữa tiệc chuẩn 5 sao trong một resort hạng sang ở trời Tây. Còn rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời khác mà Đinh Hằng có được sau 8 năm gắn bó với công việc của một blogger du lịch.
Khi mà blogger du lịch còn là khái niệm lạ lẫm tại Việt Nam, Đinh Hằng và nhiều bạn trẻ đam mê dịch chuyển đã tự bỏ chi phí cho các chuyến đi rồi chia sẻ trải nghiệm với cộng đồng sau khi trở về. Hơn 2 năm nay, nhiều thương hiệu lớn tại Việt Nam và trên thế giới đã hợp tác hoặc mời nữ blogger du lịch này đến trải nghiệm rồi chia sẻ cảm nhận trên trang cá nhân.
Riêng năm 2018, Đinh Hằng đã đặt chân đến 13 quốc gia và hàng loạt điểm du lịch thú vị tại Việt Nam. Blogger du lịch Đinh Hằng chia sẻ: “Mọi người thường nghĩ đây là công việc trong mơ, bởi du lịch thì ai cũng thích. Công việc buộc tôi luôn phải trong trạng thái di chuyển. Có thời gian một tuần tôi phải bay 10 chuyến. Có những lúc bị bệnh ở nước ngoài, phải dừng lại để tự chăm sóc bản thân, sức khỏe tạm ổn lại tiếp tục hành trình”.
Không chỉ check-in, chụp hình thật đẹp, quay video thật chất lượng mà trong mỗi bài chia sẻ, các blogger du lịch còn giới thiệu tường tận về các điểm đến và hướng dẫn chi tiết cách đặt vé, ăn ở, vui chơi cũng như những điều cần lưu ý. Những công việc tỉ mỉ ấy phải được trình bày theo cách thú vị, hấp dẫn nhất để truyền cảm hứng du lịch cho mọi người. Mọi thứ đều được làm miễn phí, chia sẻ liên tục trên các trang fanpage, facebook hoặc kênh youtube do mỗi blogger du lịch tạo ra.
Công việc đòi hỏi sức chịu đựng cao
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Hải, một người đam mê du lịch và thường chia sẻ trên mạng cho rằng, blogger du lịch là một nghề đòi hỏi tính tương tác và trải nghiệm cao, vậy nên phải thực sự thích thú mới có thể gắn bó lâu dài: “Đây là một nghề thú vị và mới mẻ tại Việt Nam. Sự chia sẻ mang lại những giá trị cộng đồng rất lớn và các travel blogger cũng tìm được niềm vui từ đó”.
Với một blogger du lịch chuyên nghiệp, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như: chụp ảnh, quay phim, đánh dấu thông tin, làm video, kể chuyện thật hấp dẫn và kết nối với người xem trên các kênh tương tác. Điều này đòi hỏi họ phải di chuyển liên tục, cập nhật, chia sẻ thường xuyên để có đủ chất liệu làm mới trang. Không những vậy, nội dung và hình thức phải thay đổi từng ngày, nếu không người xem sẽ chán.
Việc hoàn tất hàng loạt chuyến đi cùng danh sách các công việc chi tiết phải làm từng ngày khiến nhiều blogger du lịch mất ăn, mất ngủ, có người rơi vào trầm cảm. Nhiều bạn trẻ "lấn sân" sang lĩnh vực này nhưng rồi sau một thời gian ngắn đứt gánh giữa đường do không đủ nguồn lực cũng như kinh nghiệm thực tế.
Để có thể kiếm sống với công việc thú vị nhưng đầy khắc nghiệt này, blogger du lịch Trần Việt Phương cho rằng, công việc đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc và sức chịu đựng cao.
Tuy vất vả nhưng các blogger du lịch Việt vẫn khẳng định, họ là người may mắn vì được đi nhiều, được trải nghiệm và chia sẻ. Điều mà họ mong muốn là xã hội và các thương hiệu trong nước có cách nhìn đúng hơn về vai trò của nghề mới này.
BOX: “Không có gì là miễn phí. Bạn được người ta mời đi, chịu chi phí thì bạn phải trả lại cho người ta các nội dung, hình ảnh cũng như sự tương tác tương xứng. Ngoài sức ép về tài chính và việc phải đi liên tục để có nội dung mới thì lúc nào tôi cũng phải vắt óc suy nghĩ tuần sau phải làm gì cho kênh của mình” - blogger du lịch Trần Việt Phương.