Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749 phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Thời gian thực hiện Chương trình là từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020. Đây là giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong nước trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19. Với động thái này, Việt Nam đang có lợi thế dẫn trước các đối thủ du lịch trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Philippines – những quốc gia chỉ mới vừa hồi phục sau Covid-19 và lệnh hạn chế du lịch mới bắt đầu được dỡ bỏ.
Trong năm 2019, du lịch đóng góp 726 nghìn tỷ đồng ( tương đương 31 tỷ USD), chiếm gần 12% GDP của Việt Nam. Dù chỉ chiếm 17% trong tổng số 103 triệu khách du lịch, song khách nước ngoài thậm chí còn chi tiêu nhiều hơn khách trong nước.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Giảng viên cao cấp ngành Quản lý Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT (Việt Nam) nhận định, các quốc gia có ngành du lịch phục hồi nhanh sau COVID-19 sẽ là những quốc gia ngăn chặn thành công sự lây lan của virus, đồng thời dành mối ưu tiên cho sức khỏe và phúc lợi của người dân.
“Đối với nhiều người, du lịch là hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống, nó không còn mang tính chất là dịch vụ xa xỉ nữa. Xu hướng mới hậu Covid-19 sẽ là du khách không chỉ lựa chọn những điểm đến đẹp, thú vị mà còn phải an toàn. Việt Nam đã xuất sắc chứng minh cho thế giới thấy rằng, đây là một trong những điểm đến an toàn nhất thế giới thời điểm hiện tại”, tiến sĩ Nuno F. Ribeiro chia sẻ.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro cũng đưa ra một số khuyến nghị để kích cầu du lịch trong nước. Trong đó có thể kể đến việc giảm thuế cho các doanh nghiệp du lịch, cố gắng không sa thải nhân viên mà đào tạo lại họ, sẵn sàng để đội ngũ này tái gia nhập lực lượng lao động ngay sau khi đại dịch kết thúc trên toàn thế giới. Ngoài ra, một trong những việc đầu tiên Việt Nam cần làm là đa dạng hóa thị trường du lịch, bởi sự phụ thuộc vào hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc không bền vững trong dài hạn đã lộ rõ sau Covid-19.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần học hỏi những nơi khác đã đối phó thành công sau thảm họa như Bali ở (Indonesia) hoặc New Orleans (Hoa Kỳ). Việt Nam cũng cần khởi động các chiến dịch tiếp thị mềm bằng cách sử dụng truyền thông xã hội và quảng cáo, nhắm đến khách du lịch tiềm năng hoặc khách du lịch đã từng đến Việt Nam nhưng hiện đang không thể dịch chuyển vì đại dịch.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang phải siết chặt lệnh hạn chế đi lại, điều này đồng nghĩa với việc các hoạt động du lịch chưa thể phục hồi thưc sự. Ông Ken Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cho biết các quốc gia đầu tiên Việt Nam nhắm đến có thể là Úc và New Zealand, nơi đang xem xét cho phép dỡ bỏ hạn chế đi lại.
Ông William Haandrikman, Tổng Giám đốc của khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội - địa điểm ưa thích của nhiều khách phương Tây giàu có, nhận định rằng các thị trường châu Á sẽ là những thị trường du lịch đầu tiên hồi phục nhanh nhất trên thế giới sau đại dịch.
"Chúng tôi đã phải tự thay đổi để tập trung vào thị trường nội cũng như thị trường khu vực châu Á. Chúng tôi thậm chí đã đưa ra những gói dịch vụ lưu trú hấp dẫn với các voucher khuyến mại tới $100 cho các bữa ăn”./.
Tố Uyên/VOV.VN