Trong những năm qua, dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt song tình trạng vi phạm trong xây dựng tại TP.HCM và các địa phương vẫn diễn biến hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến công tác chỉnh trang đô thị lẫn bất cập trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và nhà quản lý thì dù là địa phương có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh (vào khoảng 200.000 người mỗi năm) song TP.HCM chưa tìm ra được lời giải thích hợp cho bài toán nhà ở đô thị.
Vì nhu cầu bức thiết nên người dân đã tìm mua hoặc xây dựng các công trình nhà ở dân dụng sai phép, không phép tại các quận huyện vùng ven thành phố như Bình Chánh, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè, quận 9, quận 12…đây không chỉ là điểm nóng trong vi phạm xây dựng mà còn bộc lộ hàng loạt bất cập trong hoạt động quản lý, quy hoạch.
"Nhu cầu về nhà ở và xây dựng nhà ở của người dân tại TP.HCM là rất lớn, tuy nhiên quy hoạch về đất đai và dân cư của TP.HCM thì lại chưa theo kịp nhu cầu của người dân".
"Ở chính quyền địa phương, cấp xã phường chưa quan tâm đúng mức đến việc kiểm soát trật tự xây dựng đô thị".
"Tình hình trên địa bàn hiện nay rất phức tạp, xây dựng sai phép không phép rất nhiều. hiện nay cái quy hoạch 1/2000 chưa phủ kín hết toàn địa bàn".
Theo thống kê của Sở Xây Dựng TPHCM, sau 6 tháng thực hiện Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TPHCM, đơn vị đã phát hiện 576 công trình vi phạm, trong đó sai phép chiếm 60%.
Trong chuyến thị sát về công tác đảm trật tự xây dựng mới đây cùng với lãnh đạo Thành Ủy TPHCM tại huyện Bình Chánh, ông Lê Hòa Bình - giám đốc Sở Xây Dựng TPHCM cho biết dù tình trạng vi phạm xây dựng có chuyển biến, song vẫn còn phức tạp, các đối tượng vi phạm ngày càng có nhiều chiêu thức để đối phó với cơ quan quản lý: "Cụ thể là tại xã Vĩnh Lộc A tôi thấy có các tình trạng như xây gạch xung quanh để tiếp tục các hành vi khác, thứ hai là che tôn và thứ 3 là chui vào bên trong để xây. Chúng ta không thể loay hoay phân biệt là đất đai hay xây dựng mà phải kiểm tra rõ ngay từ đầu để xử lý để đảm bảo hiệu quả".
Thanh tra TP.HCM cho biết, từ năm 2016 đến nay số vụ vi phạm xây dựng tại huyện Bình Chánh có giảm dần nhưng tổng số vụ còn cao, trên 1.400 vụ vi phạm.
Đáng chú ý là trong năm 2019 có tới 80% quyết định xử lý vi phạm trong xây dựng chưa xử lý và còn tồn hơn 5.700 công trình vi phạm chưa được xử lý đến chốn. Nếu cộng với số công trình phát sinh thì huyện Bình Chánh hiện có đến 10.000 công trình chưa xử lý xong.
Trước tình trạng này, Ông Trần Văn Nam - phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM cho biết là trong năm 2019 đã có 12 tổ chức Đảng và 120 đảng viên ở huyện Bình Chánh bị kỷ luật liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng tình trạng vi phạm trật tự xây dựng rất nhiều nguyên nhân, có xuất phát trực tiếp từ người xây dựng, có lỗi cố ý của các nhà đầu tư và cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, lãnh đạo UBND Tp cho biết sẽ mạnh tay hơn với tình trạng này, tập trung vào các đầu nậu cũng như các cán bộ có liên quan: "Chúng ta làm việc này không phải vì lợi ích của cá nhân ai mà vì lợi ích chính người dân thành phố, vì sự phát triển của thành phố mang tính ổn định, bền vững. Bất cứ ai kể cả cán bộ nhà nước nếu có vi phạm đều xử lý nghiêm. Phải quyết liệt với những đầu nậu, doanh nghiệp làm ăn gian dối, những hình thức thời gian tới sẽ ban hành phải nhắm vào đó".
Sau nhiều lần trực tiếp thị sát tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận chính bản thân mình cũng có trách nhiệm khi để tình trạng xây dựng trái phép, không phép tồn tại trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu thành phố và các Sở ngành, địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vi phạm trật tự xây dựng. Kiên quyết xử lý các cá nhân tổ chức sai phạm để tạo tính răn đe. Bên cạnh đó, cần sớm có giải pháp giải đáp ứng nhu cầu nhà ở chính đáng của người dân đô thị, nhất là người có thu nhập thấp và trung bình.
"Người dân bức xúc chính đáng thì mình cũng phải bức xúc để cùng suy nghĩ, giải quyết. Nếu người dân có nhu cầu chỗ ở chính đáng mà chúng ta chưa đáp ứng được, thì phải suy nghĩ làm thế nào để đáp ứng. Nhà nước làm tốt, giải quyết được thì phải hò nhau mà làm".
Rõ ràng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đã đang và sẽ gây nhiều hậu quả tiêu cực trong quản lý, phát triển đô thị. Đã đến lúc cần mạnh tay với những vi phạm kiểu này cũng như đồng loạt triển khai các giải pháp cần thiết để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân đô thị. Quan trọng nhất là chấn chỉnh kỷ cương trong quản lý xây dựng, không để tình trạng “trên nóng dưới lạnh” tồn tại trong nhiều năm qua.
Với tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh như hiện nay thì nhu cầu về nhà ở tại TPHCM cũng như nhiều đô thị khác là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà người dân chưa thể tiếp cận được nhà ở chính quy.
Nhận ra vấn đề này, nhiều cá nhân tổ chức đã triển khai hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch…từ đó hinh thành các khu dân cư, khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.
Cần khẳng định rằng vi phạm trong xây dựng đã và đang diễn ra hết sức phức tạp không chỉ ở TPHCM mà ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tình trạng này không chỉ làm méo mó bộ mặt đô thị mà còn đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các cán bộ quản lý cũng như bào mòn niềm tin của người dân.
Trên thực tế, không ít trường hợp người dân mới chỉ đổ vật liệu để chuẩn bị xây dựng hay sửa sang ngôi nhà thì đã có cán bộ quản lý đô thị đến xác minh hoặc lập biên bản vì chưa xin phép. Thế nhưng, tại nhiều quận huyện vùng ven TPHCM, hàng loạt công trình xây dựng quy mô xây dựng không phép ngang nhiên thành hình mà không hề thấy bóng dáng của cơ quan công quyền.
Rõ ràng, dù không muốn nhưng phải thừa nhận rằng đã có sự buông lỏng trong quản lý để dẫn đến các tiêu cực trong xây dựng. Đến khi sai phạm bị phát hiện thì quả bóng trách nhiệm lại bị địa phương và các sở ngành liên tục đá đi đá lại.
Nhận thức được sự nghiêm trọng của thực trạng này, Thành uỷ TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 23 vào tháng 7/2019 với mong muốn thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn. Chính người đứng đầu Thành uỷ cũng như UBND TP.HCM đã nhiều lần tuyên bố là sẽ xử lý đến cùng những tổ chức cá nhân để xảy ra vi phạm xây dựng.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm đi vào thực tế thì Chỉ thị này vẫn chưa thể phát huy tối đa tác dụng khi tình trạng vi phạm xây dựng vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi. Phải chăng “trên đã nóng nhung dưới vẫn còn lạnh?”.
Giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân đô thị luôn là một bài toán khó. Để tìm lời giải cho bài toán này thì chỉ quyết tâm thôi chưa đủ mà cần có những giải pháp mang tính bao quát và đồng bộ. Trước hết là cần thúc đẩy để điều chỉnh, tháo gỡ những bất cập trong pháp luật về nhà ở.
Triển khai nhanh các biện pháp điều chỉnh lại quy hoạch và bổ sung thêm quỹ đất phục vụ cho nhà ở. Bên cạnh đó cần đề ra những chương trình về nhà ở phù hợp với nhu cầu lẫn thu nhập của người dân, nhất là đối với người có thu nhập thấp và trung bình.
Quan trọng nhất là chấn chỉnh lại kỷ cương trong quản lý xây dựng, xử lý đến cùng các vi phạm, thậm chí là khởi tố để răn đe. Cần nêu đích danh các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm trong trật tự xây dựng, hình sự hóa các hành vi đưa hối lộ, trốn thuế, lừa dối khách hàng…để có thể chặt đứt các vòi bạch tuộc đang tồn tại trong hoạt động xây dựng dân dụng.
Vi phạm xây dựng nếu không được xử lý nghiêm minh sẽ dẫn đến nhờn luật, gây bất lợi cho công tác quản lý cũng như nguy cơ mất an ninh trật tự. Hơn thế nữa sẽ khiến đô thị bị băm nát. Đã đến lúc cần tuyên chiến với các vi phạm trong xây dựng tiến tới đảm bảo nhu cầu an cư bền vừng của người dân đô thị.
Theo VOVGIAOTHONG.VN