Liên quan tới đề xuất tăng phí BOT của Bộ GTVT mới đây khiến dư luận và báo chí cho rằng không phù hợp và khiến ngành vận tải thêm khó khăn chồng chất vào thời điểm này; Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Cụ thể ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất nêu trên.
Trước đó, Kênh VOV Giao thông cũng có bài viết nhận định về Đề xuất tăng phí "cứu" doanh nghiệp BOT, theo lý giải của Bộ GTVT, việc đề xuất tăng phí lần này căn cứ vào lộ trình trong hợp đồng BOT đã ký trước đó cũng như dựa trên sự sụt giảm doanh thu thực tế của các dự án vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Vì vậy, việc tăng phí để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT là rất cần thiết trong giai đoạn này, bởi dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thu phí và trả nợ Ngân hàng. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vận tải và lái xe cả nước.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đề xuất này ít nhiều cũng phù hợp với lộ trình cũng như các điều khoản cam kết trong hợp đồng đầu tư BOT, tuy nhiên cũng cần thận trọng khi đưa ra đề xuất này trong bối cảnh nhạy cảm như hiện nay:
"Đề nghị của nhà đầu tư hay Bộ GTVT thì cũng chính đáng thôi, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế nói chung, ngành vận tải nói riêng đang rất khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid 19. Vì vậy, nên tiếp tục nghiên cứu, nếu có triển khai thì cũng cần thêm một thời gian nữa để hoạt động vận tải ổn định hơn".
Cùng chung quan điểm, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM thì cho rằng, khó khăn lúc này là khó khăn chung của cả nền kinh tế chứ không chỉ riêng của các doanh nghiệp BOT, vì vậy phải rất thận trọng khi đề xuất cũng như triển khai vấn đề này:
"Tôi cho rằng dịch Covid-19 gây khó khăn cho tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ riêng với các doanh nghiệp BOT. Nếu đề xuất tăng giá lúc này thì hơi nhạy cảm, nên để tình hình ổn định hơn nữa rồi tính toán lại thì tốt hơn".
Không đồng tình với đề xuất trên của Bộ GTVT, ông Lê Trung Tín - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho rằng: Doanh nghiệp BOT về bản chất cũng là 1 loại hình doanh nghiệp. Và bản chất của doanh nghiệp trong kinh doanh là “lời ăn lỗ chịu”,hà cớ gì Bộ GTVT lại quá sốt sắng tìm cách hỗ trợ các chủ đầu tư BOT đến như vậy?
"Qua đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp/HTX vận tải, đặc biệt là khối vận tải hành khách của chúng tôi đang gặp vô vàn khó khăn, mà các gói kích thích kinh tế của Chính Phủ chưa chạm đến được hoặc chưa thấm đâu vào đâu. Chúng tôi vừa mới kiến nghị là nên cân nhắc giảm chi phí qua các trạm BOT nhằm giúp ngành vận tải sớm phục hồi. Trong khi việc giảm chưa được thực hiện thì Bộ GTVT lại đề nghị tăng phí BOT là một điều mà giới vận tải chúng tôi thấy bất bình. Theo tôi, nếu đề xuất được thông qua là một tai hại cho ngành vận tải".
Còn theo ông Hoàng Văn Cường - đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, trước khi bàn đến chuyện tăng phí thì Bộ GTVT và các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến các dự án BOT giao thông:
"Trước khi thực hiện việc tăng thì thì tôi cho rằng chúng ta cần làm thực sự công khai minh bạch thông tin về các dự án định tăng phí. Trước hết là công bố công khai về phương án tài chính của dự án từ đầu được cam kết như thế nào, thứ hai là trong quá trình vận hành thì các phương tiện qua lại được thống kê ghi chép ra sao để chứng minh rằng nguồn thu có bị thiếu hụt hay không?"./.
Theo VOVGIAOTHONG.VN