Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đang thực hiện đợt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ. Theo đó, họ được phép dừng kiểm tra tất cả các phương tiện mà không cần lỗi ban đầu. Dù có khả năng bị dừng xe bất chợt trong khi đang vội, đa số người dân đều ủng hộ hoạt động lặp lại trật tự, kỷ cương và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thay vì “ưu tiên” kiểm tra ô tô, xe máy, CSGT nên tập trung vào các xe ba gác, ba bánh, xích lô chở quá khổ, quá tải, nhất là xe chở những tấm tôn sắc như máy chém di động trên phố. Thậm chí, cần có cuộc tổng kiểm tra, xử lý dành riêng cho những phương tiện nguy hiểm này.
Thời gian qua, những chiếc xe chở tôn cứa cổ, cắt da cắt thịt bao nhiêu người đi đường, thậm chí còn cướp đi tính mạng một em bé 9 tuổi ở Hà Nội vào năm 2016. Cậu bé này trong lúc đi xe đạp cùng các bạn đã va vào tấm tôn trên xe xích lô, bị cứa đứt động mạch cổ và chết trên đường đi cấp cứu. Cái chết oan uổng khiến dư luận phẫn nộ, không hiểu sao loại “máy chém di động” đó vẫn bình yên đi qua các trạm, chốt của CSGT để gây họa.
Mới đây nhất, ngày 12/5/2020, công chúng lại một lần nữa bàng hoàng, kinh hãi và tức giận khi một cháu bé 8 tuổi đang đi xe đạp bị tấm tôn trên xe chở hàng chạy ngang qua cắt vào cổ, chảy nhiều máu. Bác sĩ cho biết, vết cắt chỉ cần chệch 1mm sẽ làm đứt động mạch cảnh, có thể gây chết người.
Ngoài ra, còn có không ít người lớn bị xe chở tôn trên đường gây thương tích trong những năm qua. Hậu quả khủng khiếp mà những chiếc “máy chém di động” kia gây ra, ai cũng nhìn thấy. Vậy mà qua nhiều năm, các tai nạn tương tự cứ xuất hiện trở lại, đồng nghĩa với việc “xe máy chém” vẫn lộng hành. Chúng có tốc độ đủ chậm, kích thước đủ cồng kềnh để bất cứ CSGT nào cũng nhìn thấy, vậy tại sao vẫn có thể diễu trên đường đủ lâu để gây tai nạn?
Để đưa những tấm tôn sắc cạnh từ điểm xuất phát tới đích, các xe ba gác, 3 bánh, xích lô cần không ít thời gian, khả năng bị giữ lại rất lớn nếu CSGT xử lý nghiêm. Nếu nguy cơ bị giữ xe và xử phạt cao, sẽ không chủ xe nào dám nhận chở. Nhưng thực tế thì sao? Các ca tai nạn xảy ra chính là câu trả lời.
Khi chiếc xích lô chở tôn cướp đi tính mạng của cháu bé 9 tuổi năm 2016, CSGT Hà Nội mở đợt kiểm tra, xử lý xe 3 bánh, xe tự chế, xe chở hàng cồng kềnh... Đợt ra quân này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khiến nhiều người nhận xét nó như một hình thức xoa dịu dư luận. Mặc dù vậy, giá những đợt kiểm tra tương tự được thực hiện thường xuyên và triệt để thì chuyện xe chở tôn chém người không tiếp tục xảy ra.
Tuy nhiên, chỉ thỉnh thoảng, lực lượng CSGT ở tỉnh, thành nào đó mới ra quân một đợt, hiệu quả cũng không thực sự đáng kể.
Điều đó khiến công chúng có quyền đặt câu hỏi: Tại sao lực lượng chức năng không mấy nhiệt tình trong việc xử lý “máy chém di động”? Vì các chủ phương tiện thường nghèo khó, nếu bị xử lý cũng không có khả năng nộp phạt? Vì việc xử lý những phương tiện này rắc rối, bất tiện, phức tạp hơn ô tô, xe máy? Phải chăng vì sợ khó mà lực lượng chức năng “mắt nhắm mắt mở” bỏ qua?
Cũng có ý kiến cho rằng, do chủ những phương tiện trên đều là người nghèo nên lực lượng chức năng nương tay hơn trong việc xử lý. Người Việt vốn trọng tình, thế nhưng tình thương và sự cảm thông đặt không đúng chỗ sẽ là “thương một người, hại muôn người”. Có thể giúp đỡ người nghèo bằng cách khác, chứ không thể dung túng cho họ vi phạm pháp luật.
Nói như vậy để chốt lại rằng, để không còn đứa trẻ nào bị xe chở tôn cửa cổ nữa, các lực lượng chức năng cần mở ngay đợt tổng kiểm tra, tịch thu tất cả những “máy chém di động” trên. Chỉ có tịch thu phương tiện vi phạm mới đủ răn đe những chủ xe khác thôi hành nghề trái luật. Cuộc tổng kiểm tra này cần được truyền thông sâu rộng để thông điệp an toàn đến được mọi ngõ ngách.
Ngoài ra, cần có chế tài xử lý cả những người thuê chở. Bởi bất kỳ ai cũng có nghĩa vụ hiểu biết pháp luật, phải biết hàng hóa của mình chỉ có thể vận chuyển an toàn bằng phương tiện nào; hoặc phải vận chuyển cách nào để không quá tải, quá khổ, không gây nguy hiểm cho người khác. Bị phạt, họ sẽ thôi đồng lõa biến xe tự chế, xích lô, ba gác thành máy chém di động chỉ vì muốn tiết kiệm chi phí.
Nếu không kiểm tra, xử lý quyết liệt, người dân buổi sáng bước chân ra đường sẽ không dám chắc liệu còn có buổi tối dùng bữa cơm bình yên với gia đình nữa hay không./.
Theo VTC.VN