'Cắt' phụ xe, tài xế xe tải vừa chạy vừa lo

Theo nguồn tin của PV Kênh VOVGT, có tình trạng, doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang cắt bớt phụ xe để cắt giảm chi phí.

 

Tuy nhiên, với đặc thù của vận tải hàng hóa, điều này ảnh hưởng đến chất lượng vận tải và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Bắt đầu công việc từ 5h sáng và kết thúc vào 9h tối, trung bình mỗi ngày anh Cường (tên nhân vật đã được thay đổi) phải làm việc hơn 12 giờ đồng hồ và di chuyển khoảng hơn 300km để nhận và giao hàng ở các địa phương xung quanh tỉnh Bình Dương.

Áp lực về giao và nhận hàng tùy theo giờ của các công ty, nên lái xe này rất ít khi được ăn trưa hay nghỉ ngơi đúng giờ vì lái xe này làm việc một mình, không có phụ xe: "Công việc của em nói chung là không bao giờ được nghỉ trưa tại vì hầu như là chênh lệch thời gian, cũng có phụ xe thì có nhưng người ta chỉ làm được thời gian ngắn, người ta chịu không nổi tới mười mấy tiếng, một tháng 31 ngày làm trú 31 ngày không có nghỉ ngày nào nên người ta chịu không nổi vì công việc di chuyển hầu như liên tục liên tục, xe của em chạy tới 5 công ty lớn".

Việc cắt bớt phụ xe để cắt giảm chi phí liệu có ảnh hưởng đến chất lượng vận tải và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông?

Đây chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp lái xe vận tải hàng hóa thường xuyên phải làm việc một mình mà không có người trợ giúp. Tình trạng này xảy ra tại nhiều doanh nghiệp vận tải ở khu vực phía nam, một số lái xe phản ánh: "Khu vực miền Nam doanh nghiệp lo hầu như họ không thuê phụ xe để khỏi phải trả lương, cho lợi nhuận cao hơn. Doanh nghiệp nào mà thuê phụ xe thì ban ngày là tài xế chạy, ban đêm là lơ xe chạy nhưng là lơ xe không có bằng".

"Có những doanh nghiệp nhỏ, họ khoán cho tài xế hết rồi, tài xế cảm thấy công việc không có nhiều lắm thì không nhận lơ nữa, thì cũng không cần, hai bên thỏa thuận với nhau. Doanh nghiệp lớn thì người ta có lơ hết. Không có lơ mình vô quẹo hay đi lùi thì mất an toàn, lùi phía sau tầm nhìn bị che khuất, có những điểm mù không an toàn bằng có lơ xe".

Một số tài xế có nhiều năm kinh nghiệm cho biết, nghề lái xe vận tải hàng hóa đối mặt với nhiều áp lực về thời gian giao hàng, đảm bảo an toàn cho hàng hóa có giá trị lớn.

Ngoài ra, ùn tắc giao thông và việc liên tục phải ngồi sau tay lái cũng gây ra căng thẳng cho lái xe. Nếu không có phụ xe hay người trợ giúp, lái xe có ít thời gian nghỉ ngơi, gây mệt mỏi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Một số lái xe cho biết: "Lái xe phải có 2 người, một người làm sao đi được 1 nghìn mấy trăm km. Nếu mà chạy gấp 3 - 4 lần thì mắt mỏi, mỏi chân tay và thần kinh, ảnh hưởng nhiều".

"Xe đường dài, xe trọng tải lớn rất cần người trợ giúp bên cạnh, nếu là một lái phụ sẽ tốt hơn bởi vì đường dài lái xe không thể lái suốt được. Vào những địa điểm mà khó lùi ra, họ sẽ xi nhan cho mình.Trong những lúc nghỉ ngơi cần những người phụ giúp cho mình để kiểm tra phanh lốp thắng rồi tất cả mọi thứ để cho xe an toàn hơn và mình tiếp tục hành trình tốt hơn".

Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh cho biết, khoản 1, Điều 67 Luật giao thông đường bộ năm 2008 không yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa thuê người phụ giúp, lơ xe.

Tuy nhiên, tại Điều 23 Nghị định 46 năm 2016 có quy định mức xử phạt từ 600 đến 800 nghìn đồng đối với loại hình vận tải hành khách không có nhân viên phục vụ trên xe, nhưng không quy định đối với phương tiện vận tải hàng hóa: Doanh nghiệp vận tải hàng hóa tùy thuộc vào phương án kinh doanh của từng đơn vị mà doanh nghiệp đó bố trí số lượng lái xe nhân viên phục vụ trên xe cho phù hợp. Việc chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi điều khiển xe không có nhân viên phục vụ trên xe đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô mà không quy định xử phạt đối với loại hình vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, chưa thực sự gây bất cập".

Có không ít vụ tai nạn liên quan đến việc lái xe làm việc liên tục dẫn đến buồn ngủ.

TS. Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, pháp luật hiện nay có quy định cụ thể về thời gian làm việc của lái xe không được lái quá 10 giờ/ngày và không được lái liên tục trong 4 giờ, lái xe phải có thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sự tỉnh táo và tập trung quan sát khi lái xe.

Ông Minh nhấn mạnh, trước tình trạng các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe tải vẫn đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, trong đó có không ít vụ tai nạn liên quan đến việc lái xe làm việc liên tục dẫn đến buồn ngủ vào thời điểm trưa, rạng sáng, rất cần bổ sung thêm các quy định chặt chẽ, khắt khe hơn đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa nhằm đảm bảo an toàn giao thông

Đại diện Vụ vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vận tải hàng hóa căn cứ vào loại hàng, tuyến đường, cự li vận chuyển để bố trí người phụ giúp. Kết quả theo dõi cho thấy, những phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động ở cự ly ngắn, tuyến đường hoạt động thuận lợi có thể không bố trí người trợ giúp.

Tuy nhiên, đối với hành trình có cự li trung bình, hoặc cự ly dài, có hành trình đi qua các địa hình phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều bố trí 2 lái xe hoặc bố trí người trợ giúp để đảm bảo an toàn giao thông.

Trước những phản ánh của Kênh VOVGT, ông Đỗ Công Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian tới Tổng cục Đường bộ căn cứ vào dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, giám sát thời gian hoạt động của lái xe nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, ngành giao thông cũng có bổ sung quy định nhằm tăng hạn chế rủi ro mất an toàn giao thông đối với vận tải hàng hóa: "Bộ GTVT đang chuẩn bị ban hành Thông tư thay thế Thông tư 63 năm 2014, trong đó có quy định chi tiết về việc xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo an toàn giao thông đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thực hiện tìm hiểu, nắm bắt các điều kiện và tuyến đường vận chuyển loại hàng, quyết định việc bố trí lái xe, bố trí người phụ giúp và loại phương tiện vận chuyển nhằm đảm bảo ATGT trên đường".

Một số chuyên gia cho rằng, vận tải hàng hóa bằng đường bộ là hình thức vận tải được nhiều doanh nghiệp, công ty lựa chọn do có sự tiện lợi và chi phí phù hợp.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn giao thông, ngoài việc bổ sung những quy định của pháp luật để quản lý hoạt động vận tải hàng hóa, các doanh nghiệp vận tải cũng cần có ý thức trách nhiệm cộng đồng, bổ sung thêm những phụ xe và có những biện pháp giám sát hoạt động của lái xe nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Hiện tượng cắt giảm phụ xe đang ngày càng có dấu hiệu lan rộng, ngay cả đối với vận tải liên tỉnh, với hàng nặng, xe to.

Phụ xe, lơ xe không chỉ người phụ giúp cho lái xe những công việc về giấy tờ, kiểm tra phương tiện mà còn là người bạn đồng hành, giúp lái xe có thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình an toàn.

Bổ sung quy định và hướng dẫn chi tiết về việc phải có nhân viên phục vụ trên xe tải không chỉ giúp chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa được nâng cao mà còn hạn chế các vụ tai nạn giao thông không đáng có.

Đường dài chớ phụ lơ xe

Đã có một thời gian dài, nhân viên phục vụ trên xe buýt được gọi là “phụ xe”, như một cách nôm na, dễ hiểu dễ nhớ, cho đến khi thuật ngữ “tiếp viên xe buýt” xuất hiện. Dù nội dung và bản chất công việc vẫn thế, những người này vẫn phải làm tất tần tật, từ kiểm soát vé, quản lý hành khách, giữ gìn vệ sinh, kiểm soát cửa lên xuống và các công việc cần thiết khác trong quá trình vận tải khách…

Song cách gọi mới khiến cho mọi người nhìn nhận đúng hơn về vai trò của họ, còn bản thân họ cũng bớt phần tự ti nghề nghiệp của mình. Bởi, chữ “phụ”, thay vì hiểu theo nghĩa “phụ giúp”, không ít người lại mặc nhiên gán nó với một sắc thái định kiến rằng, đó là những phần không cơ bản, như phụ gia, phụ phẩm, phù đề,…

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, dù các văn bản pháp luật chưa quy định bắt buộc về việc phải có nhân viên vận tải trên mỗi chuyến đi, nhưng sự đồng hành của phụ xe, lơ xe bên cạnh tài xế trong mỗi chuyến hàng, gần như là điều hiển nhiên lâu nay. Nhiều người thừa nhận, đó là một công việc cực nhọc và khó khăn.

Ngoài nỗi vất vả về giờ giấc, thời gian, sự khắc nghiệt của điều kiện làm việc và sinh hoạt, họ gần như là người lo tất cả để tài xế yên tâm, tập trung vào việc lái xe an toàn. Cửu vạn bốc xếp là họ, lo giấy tờ thủ tục hàng hóa là họ, kiểm tra tình trạng xe, vệ sinh xe, lo ăn uống cho tài xế cũng là họ, xi-nhan là họ. Làm bạn với tài xế, và đổi lái khi tài xế bị mệt cũng là họ, nếu điều kiện tay lái và bằng cấp đảm bảo yêu cầu.

Nói vậy để thấy, một chuyến xe vận tải hàng hóa - nhất là vận tải đường dài sẽ như thế nào, nếu thiếu nhân viên phục vụ trên xe. Nghề lái xe tải vốn nhiều áp lực. Không ít vụ TNGT xảy ra do tài xế buồn ngủ, không đảm bảo sức khỏe. Việc sử dụng chất kích thích trong đội ngũ lái xe tải trong thời gian qua - dù có nhiều lý do, song cũng một phần xuất phát từ áp lực này.

Sẽ ra sao, nếu tất cả những công việc của phụ xe lơ xe, giờ dồn vào vai tài xế? Số người ở cabin lái giảm đi một nửa, nhưng áp lực cho người lái xe sẽ không chỉ tăng gấp đôi, còn rủi ro an toàn vận tải, an toàn giao thông sẽ nhân lên gấp nhiều lần hơn thế.

Cắt giảm phụ xe, có thể nằm trong tính toán về kinh tế của chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải, cũng có thể là lựa chọn của chính tài xế, khi chủ xe giao cho họ quyền lựa chọn, căn cứ trên mức độ cần thiết của công việc cụ thể trên chuyến hàng. Với quy mô vận tải khác nhau, với quãng đường vận chuyển dài ngắn khác nhau và đặc thù mặt hàng vận chuyển khác nhau, không hẳn chuyến xe tải nào cũng cần có nhân viên phục vụ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện tượng cắt giảm phụ xe đang ngày càng có dấu hiệu lan rộng, ngay cả đối với vận tải liên tỉnh, với hàng nặng, xe to. Dù có cả chục chiếc gương, điểm mù của những chiếc xe siêu trường siêu trọng vẫn rất lớn. Dù có sức khỏe tốt và tháo vát đến đâu, tài xế cũng không thể nào tập trung tốt nhất sau vô lăng, khi còn mải sắp xếp đủ các việc mà trước đó phụ xe lo tất.

An toàn giao thông không thể bị đánh đổi bởi những toan tính thiệt hơn về lợi nhuận, cũng không nên phó thác vào lựa chọn mang tính chủ quan của tài xế. Do đó, bổ sung quy định và hướng dẫn chi tiết về việc phải có nhân viên phục vụ trên xe tải là cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng này.

Đó sẽ là cơ sở để bản thân các chủ doanh nghiệp, các tài xế và xã hội nhìn nhận đúng đắn về vai trò không hề “phụ” của những người lâu nay được gọi là lơ xe, phụ xe. Đồng thời, đó cũng sẽ là căn cứ để lực lượng chức năng tiến hành giám sát các điều kiện đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh vận tải./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận