Tiền bảo lãnh xe vi phạm có được trả lại?

  • 12/05/2020 09:30:00
  • Diên Thành
  • Xã hội
  • 0

Nghị định 31/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5 nêu rõ, người vi phạm giao thông có thể nộp tiền bảo lãnh để tự quản lý, bảo quản phương tiện.

 

Liên quan tới vấn đề tiền bảo lãnh phương tiện vi phạm luật giao thông, một số thính giả của Kênh VOV Giao thông đặt câu hỏi "Tiền bảo lãnh có được hoàn trả cho người vi phạm sau khi chấp hành quyết định xử phạt hay không? Trong trường hợp nào thì tiền bảo lãnh sẽ không hoàn trả lại cho tổ chức, cá nhân?".

Để làm rõ vấn đề này, PV Kênh VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Luật sư Phạm Thành Tài (Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh) để giải đáp thắc mắc của thính giả.

Cụ thể, Nghị định 31/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/05/2020 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013 ngày 03/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo đó, người vi phạm giao thông có thể được tự quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền tạm giữ nếu đáp ứng đủ các điều kiện pháp luật quy định như: Phải có có nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm; Phải nộp tiền đặt bảo lãnh...

Trong thời gian tự bảo quản, không được phép sử dụng phương tiện vi phạm để tham gia giao thông.

Luật sư Phạm Thành Tài cho biết, vấn đề này cần căn cứ Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 15 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định, tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt, đồng thời, căn cứ Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 31/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 15 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định nếu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ra quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh.

Theo đó, trường hợp số tiền đặt bảo lãnh lớn hơn số tiền xử phạt thì số tiền thừa còn lại sau khi đã khấu trừ số tiền xử phạt được trả lại cho tổ chức, cá nhân đã đặt tiền bảo lãnh trước đó.

Quyết định về việc khấu trừ tiền đặt bảo lãnh được coi là căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân vi phạm đã thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và được phép đưa vào sử dụng phương tiện vi phạm đang được giao giữ, bảo quản.

Như vậy, không có trường hợp tiền đặt bảo lãnh không được hoàn lại mà tiền đặt bảo lãnh chỉ có thể bị khấu trừ để bù vào số tiền xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân vi phạm./.

Diên Thành/VOVgiaothong.vn

 

Bình luận

    Chưa có bình luận