Miễn, giảm phí bảo trì đường bộ 3 tháng cho ngành vận tải

Đối tượng giảm phí phải là các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện được các sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

 

Sau khi Bộ GTVT họp với các đơn vị liên quan đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp vận tải, tiếp thu kiến nghị của doanh nghiệp liên quan việc giảm phí sử dụng đường bộ, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Bộ GTVT sẽ đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 3 tháng.

Bộ GTVT sẽ đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong 3 tháng.

Để việc miễn, giảm phí bảo trì đường bộ được thực hiện nghiêm túc, khách quan, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam căn cứ vào Chỉ thị 15/2020, Chỉ thị 16/2020, Chỉ thị 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, khẩn trương làm việc với các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh vận tải để tổng hợp số liệu về thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong thời gian dịch bệnh để đề xuất phương án giảm phí sử dụng đường bộ, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/5.

Bộ GTVT yêu cầu đánh giá kỹ tác động của dịch Covid-19 đối với doah nghiệp vận tải để có phương án hỗ trợ phù hợp.Trong đó, Bộ trưởng Bộ GTVT lưu ý, đối tượng giảm phí phải là các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện được các sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.

"Thời gian đề xuất hỗ trợ là các tháng 3, 4, 5/2020, có đánh giá tác động đến tháng 6. Trong đó, cần lưu ý mức độ ảnh hưởng của tháng 4 và đánh giá tác động đến hoạt động vận tải hành khách đảm bảo phù hợp thực tế", thông báo nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam căn cứ quy định hiện hành và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chủ động làm việc với Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh, thành phố để tổng hợp, phân tích, đánh giá mức độ thiệt hại và có đề xuất cụ thể.

"Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và số liệu báo cáo của Vụ Vận tải, Bộ trưởng giao Vụ Tài chính tổng hợp, tham mưu Bộ có văn bản gửi Bộ Tài chính về giảm phí sử dụng đường bộ, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19", nội dung văn bản nêu.

Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%

Trước đó, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc xem xét miễn, giảm các loại thế, phí cho lĩnh vực vận tải đường bộ.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch VATA, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn. Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%, số còn lại hoạt động không hiệu quả, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Các chi phí phục vụ công tác phòng chống dịch lại tăng làm doanh nghiệp vận tải ngày càng khó khăn. Từ đó, Hiệp hội kiến nghị các ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi của các tháng 4, 5, 6/2020 (trong số này nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%). Kể từ tháng 7/2020 áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm.

Giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6-12 tháng cho các doanh nghiệp kể từ ngày công bố dịch. Tiếp tục cho vay ra với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động tiếp tục khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất không quá 6%/năm trong năm 2020 và không quá 9% trong năm 2021.

Hiệp hội Vận tải cho biết, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có doanh thu nhưng để giữ chân người lao động, các doanh nghiệp vẫn duy trì trả tiền lương cho người lao động để chờ khi dịch đi qua có thể tiếp tục hoạt động được ngay. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải bỏ nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch.

Hiệp hội đề nghị có chính sách hỗ trợ tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải hành khách đường bộ, hàng không… với mức hỗ trợ bằng 20% tổng số thuế thực nộp của doanh nghiệp trong năm 2019; giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp và người lao động miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian đến hết tháng 6/2020 hoặc đến khi công bố hết dịch.

Hiệp hội kiến nghị Bộ GTVT cho miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ôtô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng…

Đối với các tỉnh, thành phố, Hiệp hội kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải, áp dụng đến 31/12/2021./.

Theo Phi Long/VOV.VN

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận