Trong tháng 7 sẽ sửa chữa mặt cầu Thăng Long

Dự kiến trong tháng 7/2020 sẽ tiến hành sửa chữa cầu mặt cầu Thăng Long.

 

Đề cập giải pháp công nghệ sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu để làm mới bề mặt cầu. Tiếp đó, sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép...

Tổng cục Đường bộ VN dự kiến trong tháng 7/2020 sẽ tiến hành sửa chữa cầu mặt cầu Thăng Long (Ảnh: baogiaothong)

Ngày 4/5, trao đổi với VOVGT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau 20 năm khai thác, cùng với sự gia tăng phương tiện, tác động của xe quá tải, dẫn đến hư hỏng mặt cầu.

Đề cập giải pháp công nghệ sửa chữa lần này, ông Huyện cho biết, sẽ cào bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu để làm mới bề mặt cầu. Tiếp đó, sẽ hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Lắp đặt lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao. Sau đó, sẽ thi công lớp phủ gốc nhựa tạo nhám và êm thuận.

“Chính phủ đã có văn bản đồng ý dùng vốn bảo trì để sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Trong tháng 5 sẽ chuẩn bị các hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để chuẩn bị hồ sơ thầu, trong tháng 6 sẽ đấu thầu và 1/7 sẽ thi công và hoàn thành trong quý 4”, ông Huyện cho biết.

Về biện pháp thi công, sẽ thi công 24/24 giờ với mái che trong suốt quá tình thi công. Cùng đó, sẽ phân luồng giao thông và cấm hoàn toàn phương tiện qua cầu.

Cũng theo ông Huyện, dự án có tổng vốn đầu tư 269,3 tỷ đồng. Cùng đó, trong lần sửa chữa lần này cũng sẽ sửa các khe co giãn đã hư hỏng. Sau khi sửa chữa, mặt cầu Thăng Long sẽ có độ bền trên 10 năm.

Dù đã trải qua nhiều đợt sửa chữa, những vết rạn nứt vẫn xuất hiện trên mặt cầu Thăng Long (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, hồi đầu tháng 4/2020, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ; lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo thẩm quyền.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng và tuổi thọ công trình; trong đó, cần lưu ý tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động cho người và phương tiện lưu thông trong khu vực thi công.

Bộ cũng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông tham mưu, phê duyệt kế hoạch sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ theo đúng quy định pháp luật; theo dõi, dôn đốc Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai sửa chữa đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận